Thương nhớ quê nhà

Cập nhật lúc 13:50, Thứ Tư, 05/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Chiều chậm trôi, mặt trời chuyển màu hắt những tia nắng cuối ngày lên ngọn tre trước ngõ...Tôi trở về nhà bao ngày tháng xa cách. Bà đang ngồi bên bếp nấu cơm bằng lửa rơm. Khói bếp bay lên ngát mùi hương lúa mới. Năm nay mưa không thuận gió không hoà nhưng nhà nông quê tôi vẫn được mùa bội thu. Những sợi rơm vàng được xây thành đụn, phần dùng để đun bếp nấu cơm, phần dùng cho cậu tôi làm nấm rơm.

Nghe cậu tôi nói nấm là loại giàu dinh dưỡng, nấm rơm có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu như xào với thịt lợn, thịt bò, nấu canh, nấu lẩu, kho với thịt lợn, hầm với thịt gà, kho chay, nướng với lươn..., có thể chế thành thực phẩm chức năng, đặc biệt y học đã biết sử dụng nấm rơm trong các món ăn thuốc để hỗ trợ chữa nhiều bệnh chứng như các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa: béo phì, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Người ta còn tán nấm thành bột làm viên chữa chứng thiếu máu. Nghe mà phát thèm!

Đình làng (Nguồn: Internet).
Đình làng (Nguồn: Internet).

Đêm quê êm ả quá. Trăng nhuộm vàng giậu dâm bụt trổ hoa Sương đắp chăn mái rêu phong trắng xóa. Bếp lửa hồng gọi rơm rạ vào khuya. Không khí thoáng đãng, dễ chịu của đêm quê đưa con người vào giấc ngủ say nồng. Chìm sâu trong giấc ngủ, tôi bỗng tìm về những kỉ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ. Đây rồi con đê đầu làng vẫn lặng lẽ chạy dài qua bao nhiêu biến đổi của thời gian.Chẳng biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi những người già nhất còn sống ở làng tôi sinh ra đã thấy nó sừng sững, kiêu hãnh in bóng xuống dòng sông.

Dọc triền đê, người thì quang gánh, người thì vác cày, vác cuốc, tiếng cười nói chào hỏi râm ran báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Chiều, chạy dọc triền đê, lũ trẻ thoả thích nô đùa với các trò chơi dân gian... Những chú diều giấy no gió vút giữa không trung, rồi tiếng í ới cưỡi trâu về.
Tháng bảy về, tôi cùng hai anh em thằng Tí, thăng Tèo rủ nhau ra vườn bắt dế. Ba đứa sải đôi chân trần trên mặt đất lắng nghe tiếng dế kêu....Những đêm sau mưa giông, lũ trẻ xóm tôi soi đèn đi bắt ếch, chàng hương. Ôi chao, thịt ếch nấu với sả, thịt chàng hương xào với lỏi cây chuối, mùi thơm phức bay lên ngửi thấy đã thèm. Đêm trăng trên sân nhà ông Hạ, bọn trẻ chúng tôi chơi đủ thứ trò, nào là trốn tìm, cướp cờ ,nào là bịt mắt bắt dê rồi rồng rắn lên mây...Tiếng la hét, tiếng cười nói xáo động làng quê.
Mùa mưa, cánh đồng quê tôi bồng bềnh một màu trắng xoá.

Gió chiều chướng lạnh táp vào mặt, thật lạ làm sao. Xa xa, vài mẫu ruộng chưa kịp gặt, lúa chơi vơi nghiêng ngả theo từng đợt sóng. Thường lụt về tháng 9 âm lịch, nhưng có năm chỉ mới tháng 7 "nước nhảy lên bờ". Nước ngập đồng tràn vào đường thôn, lối xóm. Thế là, chặt ba cây chuối chúng tôi ghép thành cái bè, nhảy lên đó chống đi quanh làng. Khi nước hạ rủ nhau đi cất rớ, lội lỏm bõm dưới nước, có khi té ướt cả áo quần, mẹ gọi về quất cho mấy roi...

Cuộc sống cứ đổi thay từng ngày, mùa nắng đi qua mùa mưa lại đến, cánh đồng quê bắt đầu vào vụ mới. Vì cuộc sống mưu sinh, có biết bao người con phải rời nơi chôn rau cắt rốn. Chẳng biết  ai trong số đó còn giữ mãi hình bóng quê nhà. Ở đó có mùi hương của hoa đồng nội, có mùi thơm nếp mới với khói ráng chiều bếp lửa rơm của bà, của mẹ. Khắc khoải trong miền kí ức của tôi là bóng hình của Tí, của Tèo để trần, chân đất trốn đi bắt cào cào, châu chấu...

Có khi sống giữa thành thị, tôi thèm vô cùng được ăn một củ khoai lang nướng trong bếp tro còn nóng hổi, thèm được nhìn diều bay cao dọc triền đê, cánh đồng bao la bát ngát.

Cảm ơn chốn quê nơi đã cho tôi một khoảng trời thương nhớ.

                                                                                   Nguyễn Văn Thanh

,
.
.
.