Mây trắng vẫn bay...

Cập nhật lúc 10:05, Thứ Năm, 29/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Một chiều cuối thu không có nắng vàng và mây trắng, tôi vội vã chạy xe trên đường để tránh cơn mưa rào đột ngột, bất ngờ điện thoại đổ chuông. Dừng xe ở quán nhỏ ven đường, tôi nhận cuộc gọi từ một số lạ. “Chị à, chị khỏe không, quê mình trời đang mưa hay nắng…”.

Đó là giọng một người con gái, rất trong và hình như có chút bồi hồi xao xuyến. Tôi lục tìm trong mớ ký ức lộn xộn của mình, cố nhớ số điện thoại và chất giọng của ai đó nhưng bất lực, đành ngượng ngùng hỏi xin lỗi bạn là ai… Em là giáo viên ở trường X, Y, Z…, bữa đó chị em mình gặp nhau ở trường, chị nhớ không?

Giờ thì tôi nhớ. Đó là một cô giáo, một người vợ trẻ, sống trong căn phòng nội trú tềnh toàng ở một ngôi trường miền núi buồn tênh. Cô sống một mình và mong chờ những ngày cuối tuần để chồng cô, hiện đang dạy ở cách chỗ cô ở chừng hơn 50 cây số, sẽ về. Họ sẽ líu lo kể chuyện học trò, kể chuyện mưa nắng, kể chuyện bài vở. Đôi khi họ đưa nhau về quê, lúc về quê nội khi về quê ngoại. Những ngày cuối tuần là thế giới kỳ diệu của họ, dù ngôi trường miền núi vắng học sinh vẫn buồn tênh, nhưng trong căn phòng nhỏ luôn líu ríu tiếng cười nói của hai người…

Trong lần gặp gỡ với tôi, cô kể: Tốt nghiệp xong, em và rất nhiều bạn bè mình lên đây dạy, gọi là đi làm nghĩa vụ ở miền núi. Năm năm nghĩa vụ trôi qua, có rất nhiều lý do để em và bạn bè mình tiếp tục ở lại. Ở lâu, chợt thương đất, thương người miền núi. Rồi yêu, rồi hồn nhiên làm vợ, làm chồng. Rồi tự mình biến mình thành người ở đây. Cứ bình yên như thế, trừ những buổi chiều, khi trời sắp tắt nắng và chị đồng nghiệp ở phòng bên ầu ơ ru con bằng câu hát chiều chiều ra đứng ngõ sau/trông về quê mẹ…

Tôi nhớ khoảnh khắc ấy mắt cô ầng ậng nước cho dù đang là buổi trưa yên tĩnh và không có bà mẹ nào ầu ơ ru con bằng câu hát chiều chiều… Mây trên trời vẫn chầm chậm trôi và tôi có cảm giác như người con gái ngồi trước mặt mình đang gửi hồn đâu đó, nơi có tiếng mẹ, tiếng cha, tiếng anh chị mình.. lao xao suốt tuổi thơ trong trẻo. Và tôi đoán có lẽ không chỉ những buổi chiều nghe đồng nghiệp ru con khi trời sắp tắt nắng, tim cô chắc vẫn thường loạn nhịp những đêm mưa bởi thương mẹ cha chạy đua với trời trong buổi gặt sớm, thương anh, thương chị chèo chống với lũ lụt, mưa giông. Cô sẽ nhớ mình những ngày thơ ấu nơi vùng đất thơm mùi rơm rạ, một vùng đất rất quen, quen đến độ dẫu nhắm mắt lại cô vẫn có thể đi đến trường như bao bạn bè thuở ấy…

Nhưng trong những lần về quê, đi trên con đường thơm mùi rơm rạ, cô chợt nghe thương nhớ miền đất có ngôi trường buồn tênh, có học trò rất ngoan và căn phòng nội trú thì thào tiếng gió ngoài cửa sổ, có những chiều cuối tuần đợi mong và những câu chuyện dài bất tận của vợ chồng trẻ. Chị có thấy lạ không khi em thấy nhớ từng gốc cây ngọn cỏ, nhớ cả cảm giác của buổi chiều tắt nắng nghe đồng nghiệp hát ru con… Mà những khi trời giông bão, em vừa thương quê vừa lo cây ngô, cây đậu ở đất này gục ngã, thương học trò mình đi học đường xa phải băng rừng lội suối…

Tôi ngẩng đầu nhìn trời. Mây trắng mùa thu vẫn chầm chậm trôi. Và nỗi nhớ của người con gái trước mặt tôi có lẽ cũng như mây trời, lúc bay về với mẹ cha, với con đường thơm mùi rơm rạ, lúc ở lại với vùng đất mới, nơi có tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và cả những lo toan, buồn tủi, nơi có những buổi chiều cô tựa cửa nghe câu ca dao chiều chiều ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ…

                                                                                       Diệp Đồng

,
.
.
.