Câu chuyện về chim tộc rộc

Cập nhật lúc 10:41, Thứ Sáu, 23/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Vào mùa này, các xã vùng lúa huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ có hàng ngàn con chim tộc rộc mà nhiều nơi gọi là rồng rộc kéo về làm tổ. Chúng có câu chuyện tình lãng mạn và sự khéo léo tuyệt vời trong cách xây tổ để truyền đạt cho con cháu của chúng theo thời gian.

* Câu chuyện của Ploceidae

Chim tộc rộc là tên gọi địa phương trong vùng, nó có tên khoa học là Ploceidae, con trống màu vàng ở đầu rất sặc sở và đỏm dáng, con mái màu xám như chim sẻ. Chúng có mối tình gắn bó một vợ một chồng đến cuối đời, sự thuỷ chung của chúng là biểu tượng mà nhiều khi người dân vẫn hát “Thuỷ chung như chim tộc rộc/ Nhân ngãi như chim le le”.

Đến gần cuối mùa hạ, chim tộc rộc về làm tổ trên các đọt tre, nhánh dương cao vót hay ở mút tàu dừa, bất luận cây nào cao chúng làm tổ để tránh những thù địch như rắn, chuột, chồn cáo vây bắt. Con trống có màu sắc vàng đặc biệt như một món trang sức tán tỉnh con mái, đó là cách tổ điểm của tiến hoá tự nhiên dành riêng cho chúng nhằm không lỗi mốt với thời gian.

Tổ chim tộc rộc nằm cao tít trên ngọn cây Ảnh: Minh Phong
Tổ chim tộc rộc nằm cao tít trên ngọn cây Ảnh: Minh Phong

Đến mùa sinh sản, từng đôi tộc rộc cùng nhau hót lên tràng dài âm thanh cao tần giữa làng quê thanh bình. Con trống thường canh chừng con mái khỏi ánh mắt dòm ngó của những con đực mới lớn và những gã trai lang thang không vợ. Đấy là những con chim tộc rộc du mục, và nếu con mái nào bị quyến rũ bởi màu sắc mạnh mẽ của những gã trai du mục ấy, chim trống đe doạ bằng tiếng hót ngắn, to, dứt khoát. Nhưng con trống du mục vẫn phớt lờ cảnh cáo, chúng sẽ lao vào nhau, tấn công bằng các miếng đớp, móc chân giữa không trung rất điêu luyện. Thường thì con trống du mục thua và bị đuổi khỏi vùng bởi một đàn chim trống đã có vợ vì chúng sợ gã trai này quyến rũ bao con mái đã có gia đình.

 Nhưng cũng có khi chim trống du mục thắng, và con trống từ giã vợ mình bằng một tiếng hót dài tha thiết, một cú liệng vòng rồi vút bay lên cao trên trời xanh và ra đi trở thành kẻ du mục tìm kiếm tổ ấm mới nếu nó gặp may.

* Loài chim khéo léo

Tộc rộc là loài chim rất khéo léo trong cách xây tổ. Chim trống và chim mái cùng đi tìm những cây lúa, nhánh lác suôn đẹp, chúng dùng mỏ thẩm định độ bền chắc của lá, lựa chọn kỹ càng bằng cách lao động nhịp nhàng vào sức lực cả hai vợ chồng, sau đó con trống dùng miệng tước từng nhánh lá về treo trên cây, và con mái sẽ làm theo điều đó. Chúng bện các thứ lá với nhau thành một sợi dây chắc chắn và cần mẫn từng giờ, từng phút đi kiếm lá về làm tổ. Chúng bện lá với nhau theo cách mà tổ tiên của chúng từng truyền lại từ ngàn đời. Con đực, con mái tinh tế như một thợ đan lồng mốt, lồng hai, có khi lồng bốn, lồng sáu, rồi lồng tám mà các thợ đan tre điêu luyện vẫn làm.

Những mảnh lá nhỏ bé được bện lại thành chiếc tổ dài 50cm, hình ống, mà có người nói là hình số chín không có móc. Mỗi tổ được chúng làm 15 ngày cả con trống, con mái đều cật lực làm. Và đêm tân hôn được bắt đầu trong chiếc tổ kín đáo đó. Đến nay chưa ai quay được hình ảnh chúng làm tình trong chiếc tổ được dệt nên từ chiếc mỏ tài hoa của chúng, nhưng nhiều nhà nghiên cứu chắc chắn, chúng giao phối trong ít nhất ba ngày, mỗi ngày không dưới bảy lần. Đêm tân hôn của chúng ngọt ngào như cách chúng cùng nhau xây tổ.

Khi xong tổ để con mái đẻ trứng, con đực lại làm một cái tổ khác hình quả chuông, giữa đó bện một đường vắt ngang, cái tổ con trống nằm cạnh tổ con mái để canh chừng nhiều điều nó cảnh giác. Và khi con mái làm nhiệm vụ ấp trứng, con đực chịu trách nhiệm đi kiếm mồi cho con mái ăn. Nó chăm chút vợ của mình một cách cần mẫn.

Chừng hai tuần, những quả trứng nở ra con non và chim trống cùng chim mái thay phiên nhau đi kiếm mồi về mớm cho con non. Tộc rộc nuôi con bằng ấu trùng, sâu bọ, châu chấu. Sự cần mẫn nuôn con của chúng tạo ra chiếc máy diệt sâu bọ, nạn châu chấu hiệu quả cho con người nên nông dân rất tôn trọng tộc rộc và ít khi săn bắt chúng, bởi vậy mà ở các làng quê có vựa lúa chim tộc rộc kéo về làm tổ rất nhiều.

Chim non có chiếc mỏ ấn tượng Ảnh: Minh Phong
Chim non có chiếc mỏ ấn tượng Ảnh: Minh Phong

Sau ba tuần, chim non nhảy những bước nhảy đầu tiên trong tổ để tập đập cánh, sau đó chúng thả mình từ cái ống nhỏ và hoà vào trời xanh. Ngày bay đầu tiên chúng được bố mẹ dạy cách kiếm mồi. Chúng học các bài học đầu đời trong vòng hai tuần tiếp theo sau khi biết bay. Và bố mẹ của chúng cũng bày cách cho chúng lựa chọn từng cành lá mềm dai về bện vào tổ chúng từng được ở.

 Khi đã thuần thục các bài học sinh tồn và cảnh giác, chim bố mẹ không cho đàn con bám theo sau vào mùa sinh sản mới. Những đứa con bị chim bố mẹ cắn mổ chí choé, và chúng kêu ré lên điệu kêu tha thiết, nhưng quy luật tự nhiên không thể cho chúng ở gần bố mẹ mãi. Chúng buộc phải tự do tìm kiếm thức ăn, tìm kiếm bạn tình và xây tổ ấm mới nhằm sinh con đẻ cái. Đó là cách mà tự nhiên kể về loài chim này.

Chúng như là biểu tượng của cần cù chất phác và hào hoa của tự nhiên. Một tiếng kêu của chúng là một niềm hy vọng cho bờ xôi ruộng mật phát triển bội thu.

                                                                                        Minh Phong

,
.
.
.