Cõi thơ Hải Kỳ

Cập nhật lúc 14:44, Thứ Sáu, 09/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhà thơ Hải Kỳ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1949 tại Đồng Hới-Quảng Bình, nhiều năm sinh sống ở Huế, vừa mất tại quê nhà sau một thời gian bạo bệnh. Anh là tác giả của 5 tập thơ đã xuất bản.

Với gia tài văn chương ấy, Hải Kỳ đã tạo được một cõi thơ riêng. Ở đó, anh đào tận cùng cái tôi - thi - sĩ mà có một thời khá dài người ta né tránh. Hải Kỳ không đợi đến lúc có làn gió đổi mới anh mới dám nói đến cái tôi, mới dám hướng vào nội tâm. Anh thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng Hải Kỳ thật sự khởi sắc vào những năm 1978-1988. Đó là những năm đất nước còn nhiều khó khăn và thơ anh chứa đầy tâm trạng của cái tôi trữ tình.

Đọc thơ Hải Kỳ, tôi ít quan tâm thơ anh cũ hay mới, hiện thực hay lãng mạn, tự sự hay trữ tình, cổ điển hay hiện đại... Cái làm tôi chú ý nhất là nỗi niềm của anh. Thơ anh có bài hay có bài chưa thật hay nhưng tất cả đều thành thực như bản tính của anh. Chân dung Hải Kỳ lồ lộ trong thơ anh. Ở bài “Mẹ tôi”, Hải Kỳ thú nhận: Tôi còn bé đã rong chơi / Nhiều khi đến tắt mặt trời còn đi ...  Và cái tính thích rong chơi ấy vẫn theo anh cho đến cuối đời. Ở đâu có Hải Kỳ ở đó có những cuộc vui. Anh thành thật thú nhận:  Với người đẹp tôi thường để ý / Và nhiều khi khen ngợi thành lời. Vì vậy, Hải Kỳ mê ai là bạn bè biết ngay. Có một thời chúng tôi hay la cà ở lò rượu chị Hiếu ở dốc Phú Cam (Huế) và anh đã bị người đẹp hớp hồn:  Em non dại và tôi không thể khác / Đành gọi em như cách gọi bao người / - Bé ơi bé , cho rượu nào ! Tôi nhắc / Rượu thì say tôi uống đến đầy tôi...

Vào nhà thờ trong đêm Nô-en, khi ở bên trong cha cố đang giảng đạo thì ở ngoài sân, một tốp nam nữ thanh niên xúm đến chung quanh Hải Kỳ nằng nặc đòi thi sĩ đọc thơ vì họ rất thích bài “Dạ khúc Nô-en” của anh. Và thi sĩ trầm bổng: Đêm này đêm Chúa giáng sinh / Tình yêu tôi cũng tượng hình đêm nay / Chúa Trời dang rộng cánh tay / Trên cây thánh giá lưu đày khổ đau / Tình yêu tôi cũng nhiệm màu / Đóng đinh tôi, ngàn thuở đầu trang thơ / Thiên thần cánh trắng như mơ / Trong tôi bay liệng bây giờ là em / Để trên máng cỏ diêụ huyền / Sinh tôi với những ưu phiền trần gian… 

Nhà thơ Hải Kỳ (người đứng khoanh tay, ngoài cùng bên phải) cùng bạn thơ bên sông Hương, năm 2005. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh
Nhà thơ Hải Kỳ (người đứng khoanh tay, ngoài cùng bên phải) cùng bạn thơ bên sông Hương, năm 2005. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh

Hải Kỳ là một trong số những người làm thơ hết sức nhanh nhạy. Thơ đến với anh rất tự nhiên. Chỉ nghe một cô gái hỏi về cách gieo vần của thơ lục bát, Hải Kỳ có thơ ngay: Vần lục bát thế nào anh / Câu thơ sao nữa những thanh trắc bằng / Con đường gió bụi xe lăn / Tiếng em lúc bổng, lúc trầm bên tôi... Từ câu chuyện làm thơ lục bát , anh đột ngột lái sang chuyện khác:  Cái vần lục bát về nhau / Gieo cho khéo lúc ban đầu hỡi em… Một hôm, tôi với anh bạn đồng nghiệp  ở cùng phòng tranh cãi nhau về người phụ trách thư viện của trường. Cuộc tranh cãi không biết sẽ kéo dài đến lúc nào nếu Hải Kỳ không đứng ra dàn hoà bằng một bài thơ ứng tác với bốn câu kết: Con người ấy nói thế nào được nhỉ? / Là tốt chăng? Hay là xấu? Là gì? / Cái kết luận vội vàng không thể gói / Cả con người trong bao tải chuyển hàng đi… Vừa đọc xong bản thống kê trên báo: “Mỗi phút có 32 trẻ em chết vì bệnh tật, đói nghèo ở các nước chậm phát triển”, Hải Kỳ có ngay bài thơ “Hai giây” đầy mỉa mai, phẫn uất:  Ôi cái hành tinh chật chội…/ Dày phấn sáp, mỏng áo quần đúng mốt / Bom đạn như non, của tiền như nước / Mỗi trẻ nhỏ chết nghèo trong nháy mắt hai giây! Không nhạy cảm với cuộc sống, với số phận con người không thể viết được những câu thơ ấy. Và chính vì cái nhạy cảm nghệ sĩ ấy mà anh luôn có mặc cảm tội lỗi.  Anh cảm thấy mình có lỗi với mẹ, với em, với những người chung quanh. Hải Kỳ nhớ về mẹ trong niềm ân hận xót xa: Đến khi tôi biết vâng lời / Chiến tranh đã khép mắt người buồn đau! Nhìn vết xước trên những ngón tay mềm mại của cô gái bện chổi, anh băn khoăn day dứt:  Tôi đến nhà em / Thấy những ngón tay mềm mà tôi chưa một lần được nắm / Đầy vết xước mây, tre... / Em bện chổi tôi thấy mình bụi bặm / Tôi thấy mình vô tâm... Đó chính là cái tâm của những nghệ sĩ chân chính.

Hải Kỳ là người dám sống chết với thơ, chẳng hề vướng bận chức quyền. Thơ anh điêu luyện, tinh tế, giàu cảm xúc. Hải Kỳ viết không nhiều: Gom hết cả đời làm một quyển / Sách mở ra là thấy biển khơi!  Đó là hai câu thơ anh viết về cụ Nguyễn Tú-danh nhân Quảng Bình-nhưng cũng nói rất đúng về anh. Thơ Hải Kỳ được nhiều người thuộc và chép chuyền nhau. Diễm phúc ấy không phải nhà thơ nào cũng có được. Đôi khi ngẫm lại sự đời, anh giật mình: “May sao Huế vẫn đa tình / May sao mình vẫn là mình đấy thôi…Giữ được mình vẫn là mình nghe đơn giản mà gian khổ biết chừng nào! Ở đời chẳng phải ai cũng làm được cái điều tưởng như đơn giản ấy.

                                                                 Nhà thơ Mai Văn Hoan

 

,
.
.
.