Hương Cau

Cập nhật lúc 09:29, Thứ Ba, 13/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi khi có dịp về thăm lại quê nhà, tôi được say sưa tận hưởng làn hương dịu nhẹ từ những hàng cau trong khu vườn của nội. Và đâu đó những câu ca mộc mạc nội hát ru chị em tôi ngày nào lại đưa tôi về với tuổi thơ êm đềm trên cánh võng được móc giữa hai cây cau cau vút, thẳng tắp: À ơi, thương nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. À ơi, em về, anh  gởi buồng cau. Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy. À ơi...

Làng quê tôi nhỏ bé chỉ lưa thưa vài nếp nhà giữa những vườn cây xanh biêng biếc. Và cau, loại cây không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tôi không biết nội bắt đầu trồng cau từ bao giờ. Bời khi tôi chào đời thì những cây cau trước nhà đã cao chót vót. Nội nói rằng, ở quê nhà ai cũng có hai loại cây, cau và chuối, được trồng theo một nguyên tắc bất di bất dịch “trước cau, sau chuối”.

Đây là những loại cây mà tất cả các thành phần của nó đều phục vụ cho cuộc sống đời thường trong mỗi gia đình. Hoa, trái cau, lá trầu thường được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi kỵ, giỗ, ngày rằm… Mo cau làm quạt, bẹ cau làm thuyền – thứ đồ chơi yêu thích của lũ trẻ. Còn chuối thì dường như nhà nào cũng có cả vườn. Quả chuối làm được rất nhiều việc, chín thì làm quà cho người già, trẻ em, xanh thì làm món chua ăn với cơm và dùng trong tiệc rượu thiết đãi khách quý. Lá chuối dùng để gói các loại bánh có nguyên liệu chính là bột như bánh lọc, bánh ít, bánh chưng…

Thuở nhỏ, nội thường đọc cho tôi nghe rất nhiều bài thơ có hình ảnh cây cau, rồi khi lớn lên, không ít lần xao lòng khi nghe những ca từ trong bài hát “Hoa cau vườn trầu” của nhạc sĩ  Nguyễn Tiến “Nhà anh có một vườn cau. Nhà em có một vườn trầu. Chiều chiều nhìn sang bên ấy. Hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em… Còn nhớ dáng nội thấp nhỏ, ngồi dựa lưng vào gốc cây cau đợi tôi sau giờ tan lớp. Mỗi sớm mai thức dậy, nội thường ra vườn cau, nhặt lấy những bẹ lá khô, cắt gọn phần thừa rồi phát cho chị em tôi làm thuyền. Nội cười rất tươi khi mỗi lần ngắm nhìn từng con thuyền chở đầy những viên cuội trắng, vài nhành lá tươi chạy băng băng trên sân nhà cùng tiếng cười giòn tan của lũ trẻ.

Vào những đêm hè oi bức, hương hoa cau ngan ngát và cả giọng hát à ơi của nội cùng làn gió từ chiếc quạt mo cứ thế đưa tôi vào giấc ngủ say nồng. Bàn tay nội cần mẫn chăm sóc từng thân cau. Nội nói: Đời cau như tình mẹ, dẫu mưa, giông nắng gắt vẫn lặng lẽ đơm hoa, ra quả và cứ thế mùa tiếp mùa…

Tôi đã lớn lên cùng những mùa hoa cau trắng muốt từ khu vườn nhà nội. Và nhớ vô cùng một ngày thu khi bắt gặp ánh mắt thật buồn của nội trước những buồng cau sum suê trái. Đó là ngày mà 30 năm trước đây, nội nhận được tin chú tôi vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất từ chiến trường miền Nam cách quê tôi gần cả ngàn cây số. Nhìn buồng cau trĩu nặng chừng trên trăm trái, nội gạt nước mắt: Ngày biết tin chú con mất, cây cau bên đường cũng ra rất nhiều trái. Bà dự định sẽ cùng họ hàng bưng buồng quả ấy sang xóm bên hỏi vợ cho chú con. Ai ngờ… Tay nội mê mân mê buồng trái rồi bảo bố tôi cắt xuống đặt lên bàn thờ cùng với nhành hoa để chú tôi được hưởng hương thơm ngọt ngào, nồng ấm của quê nhà.

Chúng tôi lần lượt lớn lên rồi do điều kiện học tập, công tác nên phải xa nội cùng khu vườn ngan ngát hương cau ấy. Mỗi dịp về quê, lại thấy nội ép từng chiếc mo cau dưới gối cho thật thẳng rồi tỉ mỉ cắt tỉa thành những chiếc quạt lớn nhỏ làm quà cho các cháu. Ngày nội về với tổ tiên, ông bà, cả một vườn cau nở hoa – những bông hoa trắng xanh như hạt gạo tám xoan thơm nưng nức.

Đã là người của phố, mỗi dịp về quê thường vội vã nhưng hương thơm dịu êm từ khu vườn nhà nội vẫn theo tôi trên mỗi chặng đường, cả trong giấc mơ và nỗi nhớ. Nhớ bóng dáng của nội chờ tôi bên gốc cau mỗi buổi chiều muộn. Nhớ những mùa hoa. Nhớ thời thơ dại. Ở phố nơi tôi sống người ta cũng trồng rất nhiều cau nhưng chủ yếu là các loài cau làm cảnh được nhập từ những nơi khác đến.

Cây cau cảnh không cao vút như cau vườn, cũng nở hoa trắng rộ và cũng tỏa hương nhưng làn hương ấy không thể sánh được với hương thơm ngan ngát ở vườn quê cùng những câu ca dao thấm đẫm tuổi thơ tôi: Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ Đồng xa/ Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo”.
                                                                                                 Nhật Văn

,
.
.
.