Thơ cổ nhân với non nước đèo Ngang

Cập nhật lúc 10:26, Thứ Năm, 22/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trải qua hàng bao thế kỷ, những dòng thơ cổ nhân viết về non nước đèo Ngang khúc cuối núi Hoành Sơn trấn ngự phía bắc Quảng Bình vẫn còn sống mãi. Loại trừ những yếu tố xã hội như việc phát triển tộc họ, việc xây dựng các điền trang, lấm ấp của các cuộc di dân lớn từ phía bắc ồ ạt vào thì muôn đời non nước Quảng Bình vẫn là núi, đồng, sông, biển, mùa hè thì nóng bức gió Lào, mùa đông thì căm căm gió bấc buốt giá, lũ, lụt, bão, dông.. Tất cả đã hun đúc nên tính cách gan góc, can trường và lòng bao dung, đôn hậu của quần thể cư dân nơi đây.

Thơ cổ nhân viết về non nước đèo Ngang được lưu giữ không nhiều nhưng những áng văn thơ đang có, giữ lại được hồn bút, tâm bút ấy là dấu khắc mãi mãi không thể mờ phai, là những viên kim cương càng cọ xát với thời gian càng lóng lánh. Quảng Bình ngoài thắng cảnh đèo Ngang là nơi có nhiều sơn kỳ thuỷ tú, cổ tích danh thắng bao du khách và bao thi nhân đến đây du ngoạn thường quyến luyến gửi tình, gửi thi hứng vào thơ.

Từ năm 1470, sau khi thu phục vùng đất phía nam, vua Lê Thánh Tông ngự đế khi đi qua đèo đã bật lên cảm hứng của người thi sĩ:
                                 Ngàn thẳm bãi sâu luống vắng teo
                                 Đèo Ngang lợi bể nước trong veo

Chỉ dựa vào ý thơ đã cho ta hiểu thời ấy, giao thông bắc nam đường biển vẫn là tuyến chính là phương tiện chính dựa vào hoạt động của dòng hải lưu và chế độ thuỷ triều để lưu thông hai miền. Trước tầm mắt một không gian bao la, từ những tiểu cảnh ở dưới chân đèo trông lên, nhà vua cảm nhận:
                                  Thà là cúi xuống cây đòi sụt
                                 Xô xát trông lên sóng muốn trèo
                                 Lảnh chảnh đầu mầm chim vững tổ
                                 Lanh danh cuối vũng đá ngông triều

Trải bao cuộc tang thương dâu bể nhưng đèo Ngang hùng vĩ dưới con mắt của một vị hoàng đế vẫn không thay đổi, nước non trời biển vẫn sừng sững vững chãi. Cuộc thế dù thế nào thì giang sơn gấm vóc vẫn cứ vẹn nguyên là thế, vẫn cây rừng xanh mượt, vẫn sóng biển dập dồn không mệt mỏi, vẫn lượn bay cánh chim, vẫn mom đá trơ lì gan góc, vẫn còn đó sự vĩnh hằng của triết lí thiên tạo.

Mấy trăm năm sau, Thiệu Trị năm thứ hai lên ngôi vua đã có chuyến bắc hành. Khi đến Quảng Bình thăm lại đèo Ngang, đứng trước vẻ hùng vĩ của non, nước, nhà vua đã thốt lên nỗi niềm với thế sự:
                                 Một dãy giăng dài đứng chắn ngang
                                 Nhô nhê lởm chởm giữa vùng Loan
                                 Khéo ngăn nam bắc hai khu vực
                                 Tầng trải xưa nay một hiểm quan

Dẫu đất nước đã thu về một mối  nhưng cái hoạ chiến tranh thì vẫn còn đó. Nhà vua đã ngồi trên ngai vàng trị vì đất nước nhưng nỗi đau của dân tình còn đó. Nhà vua cố xoá đi, bằng dùng thơ để trấn an mình:
                                  Luỹ cũ thôi đừng bàn thế sự
                                  Non cao thật đáng biểu danh san.

Và nhà vua đã lấy thiên nhiên, lấy quang cảnh đất trời để xoa dịu cho nỗi lòng mình cũng như với hậu thế:
                                  Trông lên vòi vọi cây xanh biếc
                                   Lưng núi mây bay có lớp lang

Người như muốn nói: cảnh binh đao chỉ là nhất thời, mọi sự thế rồi cũng đi qua với thời gian. Cái còn lại vĩnh hằng với con người là non non nước nước, đèo Ngang vẫn là thắng cảnh của muôn đời.

Về đèo Ngang, hậu duệ của vua Thiệu Trị, vua Khải Định cũng một chuyến bắc hành đến đèo Ngang đã có bốn câu thơ ngẫu hứng:
                                   Nhất đái thiên trùng nhập hải quan
                                   Thiên nam cự trấn thị hoành san
                                   Dung thân ngâm có thanh hà viễn
                                   An Đắc Trình-tuyền tái thế gian.

Có nghĩa là: Một dãy núi nối dài ra biển đông. Đó là Hoành Sơn con đường hiểm yếu chắn ngang đường đi vào miền trong. Chúa Nguyễn Hoàng trước khi vào nam đã nhận câu sấm “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lập nên nghiệp lớn đến nay thế gian còn truyền tụng

Còn với Đức Tùng Thiện Quận Vương, con vua Thiệu Trị, một lần ở kinh đô Huế ra Quảng Bình thăm bạn cố tri là Nguyễn Hàm Ninh, hai người cùng tổ chức những chuyến du sơn ngoạn thuỷ. Đến đèo Ngang Ông cũng để lại một bài thơ chữ Hán mười hai câu mỗi câu năm chữ. Từng câu thơ dựng lên một hình ảnh Đèo Ngang với cách quan sát cảm nhận trước cảnh quan thật tinh tế. Nhân đây cũng xin được ghi lại toàn bài để độc giả thêm thấu rõ hơn nỗi lòng một quận chúa sinh đời vốn thích làm du khách đi khắp vùng non nước:
                       Ngàn non vây bụi rậm                          Cỏ lấp tầng xương bạc
                       Một cửa mở đường ra                           Rêu phong mũi giáo hoa
                       Thuở trước ngăn nam bắc                     Non Ngưu cây túi mịt
                       Bây giờ sức lại qua                               Hồ Én sóng van xa
                       Luỹ tàn ghi nét cũ                                 Ngắm cảnh chiều thơ thẩn
                       Còi vang lúc xuân già                           Nào tay giúp nước nhà

Khác với các đấng quân vương, các bậc quận chúa, Bà Huyện Thanh Quan bước tới đỉnh đèo Ngang, đứng trên cao vời nhìn toàn cảnh trời mây non nước mà cảm nhận. Bàn chân bà tiếp cận mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ và mở tầm mắt nhìn xa từ trên xuống như nhà thơ Yên Đỗ đã có lần lên chơi núi ghi nhận:
                                            Một lá về đâu xa thăm thẳm
                                            Nghìn làng trông xuống bé con con.

Nhưng không phải Bà Huyện Thanh Quan đến đèo Ngang để ngoạn cảnh. Đèo Ngang trở thành nơi thúc dồn tâm trạng bà dưới mọi điều cảm nhận về không gian và thời gian:
                                             Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
                                             Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Cũng bởi là sự thúc dồn tâm trạng nên dưới con mắt nhìn của bà ngoài những lạ lẫm còn là sự nỗi lòng buồn:
                                             Lom khom dưới núi tiều vài chú
                                             Lác đác bên sông quán mấy nhà

Hai câu thơ thứ năm, thứ sáu khi đọc lên nghe âm vang tiếng chim chiều gọi bạn càng lộ rõ nỗi tâm tư “cảnh cũng ưa người”. Có đồng điệu tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan mới viết được những câu thơ đọc lên nghe đứt từng khúc ruột:
                                             Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
                                             Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Người đọc lên, nghe thơ ai không hoà cảm với bà?  Bà rời đất Thăng Long vốn là nơi hưng nghiệp triều Lê để phụng mệnh triều Nguyễn nên trên con đường thiên lí khi vượt qua đèo Ngang lòng giữ đầy bầu tâm sự nặng trĩu:
                                              Dùng chân đứng lại trời non nước
                                              Một mảnh tình riêng ta với ta

Thơ của các cổ nhân viết về đèo Ngang dù viết vào thời gian nào cách nhau bao nhiêu thế kỷ, nhưng cái vị trí để mỗi tác giả chọn cảm hứng đề thơ thì hoàn toàn khác nhau. Lê Thánh Tông chọn mặt dềnh biển cả để đề thơ khi thuyền vượt qua đèo, Bà Huyện Thanh Quan thì “dừng chân đứng lại” trên đỉnh đèo buổi chiều xế với “trời non nước” để tìm thi hứng. Thiệu Trị thì chọn chỗ đứng trước Hải Vân Quan hướng về mặt bắc. Khải Định thì từ ngoài dặm xa đi vào để nhận ra “Hoành Sơn là chốn hiểm miền trong”. Đức Tùng Thiện Quân Vương lại lên đèo luồn khắp bước chân đây đó rồi cũng dừng lại trước Hoành sơn quan mà hạ bút. Bởi thế, thắng cảnh đèo Ngang đã vẽ ra cho hậu thế một sự toàn bích quấn  quyện cái xưa với cái nay, cái gần với cái xa, cái quá khứ với cái thực tại để càng thấu hiểu một vùng đất thêm sâu sắc hơn.
                                                                                    Văn Tăng

,
.
.
.