"Âm vang Cự Nẫm" những trang lịch sử bằng thơ

Cập nhật lúc 08:53, Thứ Hai, 15/08/2011 (GMT+7)

(QBĐT) -Tôi đã được đọc một chương trích trong trường ca “Âm vang Cự Nẫm” từ khi tác phẩm này đang ở giai đoạn bản thảo. Đó là những dòng thơ mang âm hưởng của trận chiến đấu quyết liệt.

Một ngày Trần Hải Sâm tặng tôi tập trường ca vừa mới được NXB QĐND ấn hành (2008) vẫn còn thơm mùi giấy mới của ông, kèm câu nói “Đọc coi thử”. Ban đầu tôi đọc vì nể cái tâm của ông ấy. Sau thì tôi đọc vì bị chính những gì trong đó níu giữ. Không như tôi nghĩ, bên những khốc liệt và kiên cường, “Âm vang Cự Nẫm” không thiếu sự quyến rũ và ý vị.

Làng trong trường ca “Âm vang Cự Nẫm” được Trần Hải Sâm phác học: “Đổ bóng làng dáng núi uy nghiêm / Làng thêm tuổi cây đa, bến nước / Làng đi qua nhọc nhằn đói khát / Làng trải bao cung bậc đau thương / Làng hiền như mái rạ cây rơm / Vách trát đất chống mùa gió chướng / Bao thế hệ nhà quay về một hướng / Đông – Nam / Để luôn luôn nhìn rõ mặt trời lên / Để luống cày thẳng về phía trước...”. Về đó, vào mỗi ngõ nhỏ sẽ nghe khe khẽ những lời ru của mẹ, của bà và cả “Lời ru của đất, của hoa, của rừng / Lời ru của những dòng sông / Bến bờ bên đục, bên trong, lẽ thường / Lời ru của những con đường / Dấu chân vẹt gót còn vương đến giờ...”.

Bản thân mỗi ngôi làng của nước Việt này, của đất Quảng Bình này là một “lời ru” hoàn hảo. Bởi chưng ai đó đã cất bước rời xa, một ngày cảm hết cái mỏi mệt trên đường đời cũng muốn quay về với làng. Không gian thô mộc và nguyên sơ ở đó sẽ bao dung ôm ấp vỗ về và dìu dặt ru ngủ tâm hồn ta. Ngay từ những dòng xúc cảm đầu tiên, Trần Hải Sâm đã mang đến một không gian yên bình dâng ngập. Sống trên đời, vùng vẫy trong những nỗi niềm trắc ẩn chung – riêng, lời ru là đôi cánh mỏng kéo nhân quần thoát khỏi những “tham, sân, si” vặt vãnh để bay vào vùng tâm – thân thanh tịnh “Ngủ đi con / ngủ ngoan nào / Câu thương thì ở, câu chào thì xa / Ngủ ngoan cho mẹ thay cha / Ra vườn chọn đốt tre già vót chông / Lời ru con sáo sang sông / Lời ru dìu dặt cho bông lúa vàng / Để mẹ xay, giã, giần, sàng/ Gạo thơm góp với xóm làng nuôi quân...”.

Khởi đầu trường ca bằng những đoản khúc du dương về lời ru nhưng đã thấy trong đó nội dung tư tưởng của tổng thể tác phẩm. Lời ru của mẹ, của bà là tình cảm và cả sự gửi gắm một ý chí “Lời ru niềm nỗi non sông / Lời ru gọi giống tiên rồng đứng lên”. Bởi “Không phải lúc nào đời cũng trĩu trái cây / cả khi khóc khi cười đều rơi nước mắt / Làng có tên trước khi có giặc / làng giàu yêu thương trước khi nổi hờn căm”.

Và “Làng bình yên trở thành làng mặt trận”. Hình như tất cả những gì ở ngôi làng mà nhà thơ đang sống đều có tấm lòng và trái tim, đó là đình làng Cự Nẫm “Nét hoa văn đình làng Cự Nẫm / Tạc vào không gian những đường cong / Là dáng người, dáng núi, dáng sông / Là tâm linh người đi, người ở”, là lũy tre xanh “Làng thanh bình, tre xanh tươi / Người hạnh phúc, tre nối nhau tấu nhạc / Tre xác xơ khi mùa lép hạt / Tre ướt mắt buồn, trái tim người đau”... Những thứ trưởng vô tri vô giác cũng tham gia hội tụ lại thành hồn vía của làng, để khi làng trở thành mặt trận thì hết thảy đều là “lính Việt Nam”.

Nội dung mở đầu của trường ca “Âm vang Cự Nẫm” không mới. Bởi lời ru vang suốt dọc dài dải đất Việt Nam, bởi đất nước Việt Nam được hình thành từ những ngôi làng nối tiếp, kề cận nhau. Ai mang dòng máu Việt, dù đi góc biển chân mây vẫn thấu tỏ điều đó.

Có một yếu tố làm chúng ta không bị nhàm chán, tẻ nhạt khi đọc trường ca này là bút pháp thay đổi ngôi vị nhân vật kể chuyện của tác giả. Làng Cự Nẫm hiện lên trong trang sách không chỉ từ nhãn quan và khẩu khí của nhà thơ mà còn thông qua tiếng mẹ dỗ dành con gái “Mạ chỉ có mình con đó thôi / Che cho con bằng đời của mạ / Để khi mạ già có bóng con che / Con là măng, là tre / Của mạ, của bà, của làng ta đó...”, thông qua lời con thì thầm với người cha “Từ ngày mạ đi xa / Cha gà trống nuôi con vất vả / Ruộng dưới đồng trên lam lũ / Con ốc, con đam cũng lận  lưng về / Kiếm hạt gạo củ khoai nuôi con mỗi bữa / Cha hãy tha thứ cho con lần nữa / Nếu cha cứ  ngồi sao con nằm được đây / Sau lưng cha hắt bóng hao gầy / Trước mặt cha là đứa con nhỏ dại”. Tất cả những đứa con gái, con trai ấy là tương lai của làng, là hiện thân khí tiết của làng “Ngày mai quân ta tác chiến / Con sẽ cùng cha bám vọng gác tiền tiêu / Con đã thuộc lòng từng hiệu lệnh / Và mọi hướng tấn công...”.

Thêm một yếu tố quan trọng nữa khiến tập trường ca của Trần Hải Sâm không nhạt đó là việc tác giả dày công dựng được một hệ thống nhân vật khá sinh động. Những nhân vật trong trường ca này khi yên bình là bà, là mẹ, là con, là cha, là người đàn bà yếu đuối mảng manh, sống dưới những mái tranh nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm, khi có giặc họ bước ra “mặt trận làng” trở thành vệ quốc quân, thành quân cảm tử, thành người giao liên gan góc... “Lấy đại nghĩa thắng bạo tàn / Sức mạnh của bà con là sức mạnh lật thuyền, xẻ núi / Sức mạnh ấy ngày càng nhân lên mãi / Và hôm nay giữa tim đất – tim làng / Già trẻ gái trai đội hình ngang dọc / Hàng ngũ chỉnh tề như rừng cây xanh / Anh Bác Hồ, cờ Tổ quốc uy nghiêm / Tất cả đồng tâm / Giơ cao nắm tay thề quyết đánh”.

Làng Cự Nẫm trở thành làng mặt trận, người Cự Nẫm trở thành người lính như lời nhà thơ “Lính Việt Nam, gan Cự Nẫm”. Sự sống và cái chết trong cuộc chiến ở đây không được hiểu theo quy luật sinh học mà chính là một cuộc hóa thân thiêng liêng và cao cả “Họ đã hòa vào núi sông, vườn ruộng / Hóa mạch nguồn kết tụ phù sa / Máu họ tô thắm sắc cờ / Họ đã hy sinh để bao người được sống / Để tên làng Cự Nẫm mãi âm vang”. Nhờ vào nghệ thuật nhân cách hóa, hệ thống nhân vật trong “Âm vang Cự Nẫm” càng trở nên sinh động: “Mỗi cây tre ngã xuống / Biết chọn thế đứng lên / Theo đội hình / Ngang / Dọc...”.

Trường ca “Âm vang Cự Nẫm” được kết cấu hai phần. Phần 1 “Làng mặt trận”, phần 2 “Làng một đêm”. Trong phần 1 tác giả tập trung khắc họa chân dung làng, hồn phách làng, trong hòa bình và trong chiến tranh với trọn vẹn những nét đặc trưng nhất ở nơi ấy: Cảnh sắc và con người, tinh thần và vật chất, lao động và chiến đấu.

Phần 2, Trần Hải Sâm chú trọng hơn đến cái tình người Cự Nẫm. Có lẽ đây là thông điệp nhà thơ gửi đến người đọc: Trên đời này, dù ở trong cuộc chiến đấu nào và chiến đấu dưới hình thức nào thì chiến thắng bằng cái tình là chiến thắng xứng đáng nhất. Đó là khởi nguồn cho sự hồi sinh “Mẹ trở về / Oằn vai đòn gánh / Ngày tản cư lên miệt nguồn / Đòn gánh oằn vai / Mang cả bầu thai / Gánh cả gia tài, tình yêu đi đánh giặc / Mẹ trở về / Có thêm hạt giống, dây khoai / Những đứa trẻ lon ton theo nhịp bước”. Khói lửa vừa tan là cuộc sống lại tiếp tục nhưng “Lớp học, ruộng đồng / Sông dài / Rừng sâu / Biển rộng / Ở đâu trên quê hương / Cũng sẵn sàng thế trận / Thế trận chiến tranh nhân dân / Chờ giặc đến...

Làng Cự Nẫm trở thành “Binh trạm lòng dân”, lòng mẹ Cự Nẫm rộng mở đón đưa những đứa con trăm miền qua lại “Mắm cà vài thứ rau dưa / Sắn khoai nấu trộn gạo mùa thế thôi / Ăn no mấy đứa còn cười / Mẹ ơi cơm cháy trong nồi còn thơm / Thoáng chốc chúng lại lên đường / Biết bao nhiêu đứa thành con của làng”. Họ đến rồi đi, đi về phía tiền tuyến. “Rộng mở / Vô cùng / Lính đến, lính đi / Gọi làng một đêm của lính”. Qua đường vậy thôi nhưng “Ấm áp hồn nhiên mô, tê, răng, rứa / Cho một đêm bình yên / Được ở / Trái tim / Luôn neo giữ / Một tên làng / Làng các mạ, các o”.

Người ở, người đi, tất cả ôm ấp hy vọng về một ngày bình yên, rồi “Cuộc chiến đi qua / Người còn / Người mất / Xin ghi tạc những công ơn / Các anh hùng nghĩa liệt / Cuộc đời hóa giọt nước long lanh / Chút phù sa níu rễ / Cả rừng xanh / Chở che / Người đang sống”. Có một câu thơ của nữ sỹ Xuân Quỳnh mà tôi rất thích, đó là “Vẫn yêu anh / Khi đã chết đi rồi”, đọc những câu kết trong trường ca của Trần Hải Sâm tôi bỗng nhớ đến câu thơ ấy, và nghĩ rằng người Cự Nẫm cũng vậy, vẫn hiến dâng khi đã chết đi rồi

Tôi không lớn lên ở làng, có điều tôi thích dùng tiếng làng. Tôi đồng cảm với Trần Hải Sâm khi đọc “Âm vang Cự Nẫm” bởi sự chân chất, dễ hiểu của ngôn từ: “Ngày mai giặc càn / Con ở nhà với mẹ / Đừng ra đồng bắt đam / Ruộng bữa ni nhiều đỉa”, “Nước khỏa tràn hố bom / Mưa òa lấp lánh / Tiếng các mẹ, các o râm ri đến sáng / Chụm đèn vo gạo / Lửa ríu rít / Tỏa thơm nồi cháo / Mẹ ép các con / Húp mau cho nóng...”.

Trần Hải Sâm đã rất thành công khi viết trường ca này. Với bơt php nhuần nhuyễn và tài kể chuyện lịch sử bằng thơ; “Âm vang Cự Nẫm” là một điểm nhấn đáng được ghi nhận trong cuộc đời đeo đuổi nghiệp thơ của ông
 
                                                                           Trương Thu Hiền
                                                                           (Tạp chí Nhật Lệ)

,
.
.
.