Tuần văn hóa Đồng Hới:

Những sắc màu của phố.

Cập nhật lúc 14:57, Thứ Ba, 14/06/2011 (GMT+7)

      Trong những ngày này, phố phường thành phố Đồng Hới đẹp như một bức tranh rực rỡ sắc màu, đó là sắc tím bằng lăng, sắc đỏ phượng vĩ chiếm ngự không gian trên các tuyến phố. Và nữa, đâu đâu trên phố phường Đồng Hới cũng bắt gặp những băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền về các hoạt động của Tuần văn hóa Đồng Hới. Phố như vào hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo sự tham gia của người dân và khách du lịch.

 

 

      Biển Nhật Lệ, Bảo Ninh Đồng Hới mỗi chiều về lại nhộn nhịp đón khách. Người ta đến đây không chỉ để tắm biển, để tận hưởng bầu không khí trong lành mà còn bị cuốn hút bởi những món ngon từ biển được tạo nên từ đôi bài tay khéo léo của người phố biển. Trong Tuần văn hóa Đồng Hới, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tham gia chương trình ẩm thực với chủ đề  ’’Hương quê Nhật Lệ’’ được tổ chức tại tại bãi tắm Nhật Lệ bắt đầu từ chiều ngày 5-6. Trên bãi biển dài lồng lộng ngọn nồm, 10 gian hàng ẩm thực với những món ăn nổi tiếng của quê hương vùng biển được chế biến từ hải sản (mực tươi, mực một nắng, ngao luộc, ngao nướng, các món cá...) và những món ăn dân dã (bánh cuốn, bánh bèo, bánh lọc...)  được bày bán. Tất cả được trang trí đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh, giá cả lại phải chăng nên đã làm hài lòng thực khách. Chị Nguyễn Thị Ngân, khách du lịch đến từ Hội An tâm sự: Hải sản ở đây ngon tuyệt, đặc biệt là món chép xào, ram đẻn và các món bánh. Gia đình tôi đã ở Đồng Hới 3 ngày và ngày nào cũng ăn những món ấy mà không chán…  Chép và đẻn đều là những thứ hải sẵn có ở Nhật Lệ. Đẻn được xem là đặc sản của biển Quảng Bình. Rượu đẻn, ram đẻn là “khoái khẩu” của người dân Quảng Bình và khách du lịch. Có thực khách cho rằng, các món ngon từ đẻn có sức hấp dẫn lạ lùng, ăn một lần là nhớ… Nhớ biển Nhật Lệ và cả hương vị nơi đây.
     Không chỉ các gian hàng ’’Hương quê Nhật Lệ’’  mà hầu hết các hàng quán ở bãi biển này cũng rất đông khách. Người ta đến đây để thưởng thức ẩm thực trong một không gian đẹp. Cảnh sắc Nhật Lệ đẹp rất nên thơ. Biển trời mênh mông, sông nước hữu tình, gió lồng lộng, thật mát mẻ. Người Quảng không giỏi trong việc trang trí thẩm mỹ cho các món ăn trên bàn tiệc nhưng lại có sức hút bởi hương vị đậm, ngọt, khiến người ta nhớ mãi. Có thể nói “hương quê” ở Nhật Lệ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Mỗi gian hàng, mỗi món ăn đều toát lên hương vị của biển, của đồng quê, mang đậm bản sắc địa phương.
      Tuần văn hóa Đồng Hới còn diễn ra nhiều hoạt động thể thao sôi nổi, trong đó nổi bật là Giải bóng đá truyền thống thành phố năm 2011 được tổ chức trong các ngày từ 6 – 9 tại Quảng trường Sân vận động thành phố. Bất chấp khí trời oi bức, nóng nực, 11 đội bóng với hơn 300 vận động viên, huấn luyện viên đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố vẫn hăng hái luyện tập và cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp trong tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả thành phố. Những năm gần đây, giải bóng đá truyền thống thành phố đã trở thành sự kiện quan trọng trong các hoạt động nhân Tuần văn hóa Đồng Hới. Sự thành công của giải thể hiện sức trẻ của thành phố thông qua các đội bóng trẻ, đồng thời kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực rèn luyện thể thao để bảo vệ vệ sức khỏe và hướng tới mục tiêu thi đấu, giao lưu với các đội tuyển trong tỉnh, khu vực nhân các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước.
Một hoạt động khác cũng tạo được nhiều ấn tượng trong lòng người dân thành phố và khách du lịch, đó là Hội diễn Lân Sư Rồng lần thứ nhất diễn ra vào tối ngày 6-6. Tham gia hội diễn có 4 đội đến từ phường Hải Thành, Hải Đình, Hội Vovinam Quảng Bình và CLB Karatedo Đức Ninh. Với tinh thần thượng võ, các đội tuyển đã thể hiện tài năng qua các tiết mục  như  Độc chiếm ngao đầu, Song hỉ, Sư tử hí cầu, Lân Rồng hội ngộ, Long Lân quy phụng, Sư tử đấu chiến Bò cạp. Lần đầu tiên được tổ chức, song hội diễn đã đạt được những thành công nhất định. Các đội tuyển đều thể hiện sự khóe léo trong từng động tác nên được đón nhận những tràng pháo tay nhiệt tình của khán giả. Đây được xem là hoạt động văn hóa đặc sắc của thành phố và hứa hẹn sẽ có những bước phát triển nhằm tạo dựng một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho tầng lớp thanh, thiếu niên trên địa bàn. Mặt khác, bộ môn này đã thể hiện rõ nét tinh thần thượng võ của thanh niên Đồng Hới và cũng là dịp để tôn vinh nghệ thuật văn hóa dân gian, từ đó kêu gọi mỗi người dân hãy giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương.
      Cứ mỗi dịp diễn ra Tuần văn hóa Đồng Hới, người dân lại nô nức vào hội Múa bông, Chèo cạn. Năm nay, lễ hội này được diễn ra trong một không gian rộng và tuyệt đẹp, đó là Quảng trường biển Bảo Ninh vào tối ngày 7-6. Đến với lễ hội này, khách du lịch và người dân địa phương được nghe các làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở và nhiều tiết mục văn nghệ có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Sau phần lễ chính với nghi thức cúng thần linh để cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa cho người làng biển ra khơi, vào lộng, vụ mùa bội thu, là các màn biểu diễn đặc sắc của các đội chèo cạn, múa bông. Đây là lễ hội truyền thống của người dân vùng biển, thể hiện sinh động cuộc sống lao động thường ngày của họ và bày tỏ niềm tin về một cuộc sống ấm no mà biển đã ban tặng cho người dân nơi đây.
    Đồng Hới vào mùa du lịch với nhiều hoạt động đựơc diễn ra từng ngày nhằm Khai trương mùa du lịch Đồng Hới. Những con đường sạch, đẹp được khoắc lên nhiều  sắc màu tươi vui của cuộc sống, cùng với nhịp sống sôi động của người dân phố biển, Đồng Hới sẽ tạo được nhiều dấu ấn đáng mừng trên bản đồ du lịch của tỉnh của cả nước.

 

                            Bài, ảnh: Nhật Văn.
,
.
.
.