Một đêm nằm hầm với nhà thơ Xuân Hoàng

Cập nhật lúc 09:28, Thứ Sáu, 29/04/2011 (GMT+7)

Nhà thơ Xuân Hoàng
Nhà thơ Xuân Hoàng

Thấm thoát đã gần 5 năm nhà thơ Xuân Hoàng đi xa, tôi mãi mãi không còn được gặp anh. Vừa rồi, được tin nhà thơ Trần Nhật Thu mất ngày 31/10/2008 tại TP Hồ Chí Minh, thương nhớ Trần Nhật Thu, tôi lại nhớ tới những kỷ niệm cũ ở Quảng Bình với anh và với nhà thơ Xuân Hoàng, một nhà thơ "tài hoa và đãng trí" đã để lại trong tôi nhiều tình cảm và kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi nhớ mãi một đêm nằm hầm với anh cách đây 40 năm.

 

1. Năm 1967, từ Hà Nội, tôi được cử vào làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú lại Phân xã Quảng Bình và Khu vực Vĩnh Linh. Thời kỳ này cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng máy bay và tàu chiến của Mỹ diễn ra rất quyết liệt.

Khi ấy, nhà thơ Xuân Hoàng là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình, cơ quan đóng gần Phân xã TTXVN. Là phóng viên trẻ lại yêu thích văn học, tôi hay sang chơi với các anh chị em ở Hội Văn nghệ, nghe anh Xuân Hoàng, anh Nguyễn Văn Dinh đọc thơ, anh Trần Công Tấn kể chuyện, nhất là chuyện tiếu lâm. Các anh quý mến, coi tôi như đứa em trong nhà.

Nhiều ngày chủ nhật, anh Trần Công Tấn còn kêu tôi đến nhà ăn bánh bèo, bánh khoái Huế do chị Bích An, vợ anh, và mẹ chị làm. Còn Trần Nhật Thu, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ... lúc đó mới về Hội, làm thơ chưa nhiều và chưa nổi tiếng như sau này, thì coi tôi như một người bạn, người anh cùng trang lứa, cùng sở thích văn chương, nên nhiều bữa có liên hoan hay họp mặt bạn bè văn chương đều kéo tôi sang chơi. 

Anh Xuân Hoàng hơn tôi 20 tuổi, lại là thủ trưởng của một cơ quan được nhiều người nể trọng, nhưng không bao giờ "lên mặt" với chúng tôi. Trái lại anh coi tôi cũng như các anh chị em trẻ viết văn, làm báo như những người bạn vong niên, cư xử rất bình đẳng, nhiều khi lại quá hồn nhiên! Mỗi lần sang chơi, anh thường thân mật kéo tôi lại gần, say sưa đọc cho nghe một bài thơ anh mới làm, đọc xong thường hỏi: "Hay không? Được hỉ?".

Thú thật, nghe anh hỏi tôi không biết trả lời ra sao, nhiều khi chỉ biết cười cười để rồi lại được nghe anh đọc bài thơ khác. Nhà thơ Xuân Hoàng cũng chính là "bà đỡ" cho bài thơ Đồng Hới, bài thơ đầu tiên của tôi ra đời trên đất Quảng Bình, một vùng đất mà sau này, "Mấy chục năm vẫn còn xa ngái/ Tôi hiểu vì sao lại đắm đuối đất này".

Một kỷ niệm đối với nhà thơ Xuân Hoàng mà tôi không thể quên, đó là vào đêm 31/3/1968. Khi ấy, nhà thơ chưa có nhà riêng mà ở trong một căn nhà cấp 4 thuộc khu tập thể cơ quan Hội phụ nữ tỉnh, đóng ở thôn Phú Vinh, cách thị xã Đồng Hới gần chục cây số, vì chị Bình, vợ nhà thơ, làm Hội trưởng.

Sau bữa cơm chiều 31/3 tôi sang anh chơi. Như mọi lần, tôi chỉ định sang anh để được nghe anh đọc thơ anh mới làm, rồi dù khuya mấy cũng về. Nhưng đêm ấy, anh nhất định giữ tôi lại:

- Đêm nay cậu phải ở lại đây với mình. Cậu biết vì sao không? Vì đêm nay là đêm cuối cùng Mỹ còn ném bom miền Bắc, từ ngày mai chúng hết ném bom rồi! Giôn-xơn tuyên bố như vậy để chuẩn bị bước vào đàm phán với Chính phủ ta ở Hội nghị Pa-ri. Đêm nay hai anh em mình không ngủ, thức trắng càng vui!

Thế rồi anh kéo tôi xuống một chiếc hầm chữ A mà ở cơ quan nào thời đó cũng có; còn chị Bình và các cháu con anh chị ở một chiếc hầm khác. Đêm đó gần như tôi thức trắng để nghe anh đọc thơ và nghe anh kể về những năm tháng công tác của anh; từ những ngày đi dạy học (trước cách mạng tháng 8/1945) rồi chuyển sang làm báo, viết văn, làm thơ đến bây giờ.

Đêm hôm đó tôi mới biết anh không phải là người Quảng Bình, quê anh ở Tuy Phước, Bình Định, nhưng anh coi Quảng Bình là quê hương mình. Chả thế anh đặt tên cho cô con gái là Nhật Lệ, tên của dòng sông chảy qua thị xã Đồng Hới xinh đẹp.

Gần sáng, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, khi tỉnh dậy thấy ngoài cửa căn hầm đã sáng rõ. Chẳng hiểu anh Xuân Hoàng có ngủ được không, nhưng khi tôi tỉnh dậy thì thấy anh thức. Tôi nhổm dậy, nói với anh:

- Anh cho em về, sáng lắm rồi!

Anh Xuân Hoàng kéo tôi nằm xuống:

- Cậu đợi chút nữa hãy về!

Rồi anh cười, nói tiếp, nửa đùa nửa thật:

- Theo tuyên bố của Giôn-xơn, bây giờ Mỹ đã chấm dứt ném bom rồi, nhưng đừng ra khỏi hầm vội. Nhỡ biết đâu có thằng phi công nào vô kỷ luật, giờ này mới bay về, ngang qua đây còn sót quả bom chưa kịp ném nó ném xuống đây, mình chết thì có uổng không!

Tôi phì cười nghe anh nói, rồi lại nằm xuống cạnh anh, đợi thêm khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa mới cùng anh chui ra khỏi hầm! Sau đó tôi mới biết, có lẽ do "đãng trí" nên anh Xuân Hoàng nghe nhầm. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn chỉ tuyên bố từ ngày 31/3/1968 ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, đâu có ngừng ném bom Quảng Bình như anh tưởng!

2. Đầu năm 1971, tôi rời Quảng Bình đi B, vào làm phóng viên Thông tấn xã giải phóng tại Quảng Đà. Sau 30/4/1975, tôi về công tác tại Phân xã TTXVN tỉnh Phú Khánh (Phú Yên - Khánh Hoà), chưa có dịp trở lại Quảng Bình để thăm anh Xuân Hoàng và các anh, các chị cùng bạn bè cũ.

Một buổi chiều, có lẽ vào khoảng gần cuối năm 1975, vợ chồng tôi bất ngờ được đón một người khách đến thăm. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, tóc bạc, cặp kính dầy cộp trên khuôn mặt xương xương quen thuộc, xuất hiện trước cửa căn phòng của chúng tôi ở 195 đường Hoàng Tử Cảnh (nay là đường Hoàng Văn Thụ), Nha Trang.

- Trời ơi, anh Xuân Hoàng!

Tôi vui mừng thốt lên.

Anh Xuân Hoàng nhìn tôi, vui vẻ:

- Chà, cậu vẫn không khác xưa mấy, có gày và xanh hơn ngày ở Quảng Bình một chút!

Rồi anh cho biết anh mới vào Nha Trang sáng nay. Gặp các anh ở Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh, biết vợ chồng tôi ở đây nên anh tìm đến thăm ngay.

Quá bất ngờ và quá vui, vợ chồng tôi giữ anh ở lại chơi thật lâu, nhưng anh từ chối, chỉ ở lại thăm chúng tôi một ngày, tặng chúng tôi hai tập thơ của anh, tập “Hương đất biển”, xuất bản năm 1971, năm tôi rời Quảng Bình, và tập “Biển và bờ”, mới xuất bản năm 1974. Cũng chính trong lần đến thăm đó, anh đã đọc cho tôi nghe bài thơ anh mới viết về Sông Cầu, cái thị trấn nhỏ bé của Phú Yên với những rặng dừa xanh bên bờ biển rất đẹp, rất nên thơ: "Thị trấn đẹp như một lời tiễn biệt/ Xanh điệp trùng núi biển đứng bên nhau.../ Những hàng dừa tấp nập dọc đường mau/ Dãy phố trắng đứng trong mưa lặng lẽ.../ Xe qua rồi, chút nhớ vẫn lâng lâng/ Thị trấn trắng đứng trong lời tiễn biệt...".

Sau lần ấy, tôi ít có dịp về lại Quảng Bình và cũng ít qua Huế để thăm anh. Nhiều năm sau, khi tôi chuyển công tác ra Hà Nội thì được tin anh chị đã về hưu. Và, cũng như nhà văn Trần Công Tấn, nhà thơ Trần Nhật Thu trước đó, vợ chồng nhà thơ Xuân Hoàng chuyển hẳn vào TP. Hồ Chí Minh ở với các con.

3. Cuối năm 2003, trong một cuộc họp báo tại TP Hồ Chí Minh, tôi gặp một nữ nhà báo xinh đẹp công tác tại Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại TP Hồ Chí Minh. Không ngờ nữ nhà báo đó lại là Nhật Lệ, con gái của nhà thơ Xuân Hoàng. Nhật Lệ báo tin cho tôi biết cha cô mới bị xuất huyết não, nay tuy đã qua khỏi cơn nguy kịch, sức khoẻ phục hồi dần, nhưng vẫn không mấy khả quan.

Tôi vội vã đến thăm anh. Anh chị ở cùng Nhật Lệ trong một căn nhà nhỏ, sâu trong một con hẻm thuộc quận Tân Bình. Khi tôi đến thăm, anh đang ngồi trên một chiếc xe lăn ở ngoài hiên nhà, tay cầm một cuốn sách, ngước nhìn tôi, cười, nhưng vô cảm.

Kể từ lần anh đến thăm vợ chồng tôi ở Nha Trang năm 1975, đến nay đã 28 năm tôi mới gặp lại anh. Còn chị Bình thì phải đến 32 năm tôi mới gặp lại. Chị cho tôi biết, trong lần họp đại hội chi bộ mới đây, anh vẫn còn khỏe, còn hăng hái phát biểu ý kiến đóng góp với chi bộ, chi ủy. Đến lúc nhận phiếu bầu cử, chị thấy anh cứ cầm chiếc bút bi vẽ mãi một vòng tròn trên tờ phiếu trắng, chưa ghi tên một ai để bầu vào cấp uỷ. Chỉ một lát sau anh từ từ gục xuống ghế. Anh bị xuất huyết não! Chị và mọi người hoảng hốt gọi xe, đưa ngay anh đi cấp cứu. Rất may, nhờ cấp cứu kịp thời mà anh qua cơn nguy kịch, hồi phục được như bây giờ.

Chị Bình cố gắng giới thiệu, còn tôi cố gợi chuyện cũ xem anh có nhận ra mình không, nhưng vô ích. Anh vẫn không nhận ra tôi. Tôi nhìn anh đang chăm chú để mắt vào quyển sách trên tay, như thể đang mải mê đọc, nhưng quyển sách lại bị đặt ngược, mà ứa nước mắt, chỉ mong anh còn tỉnh, nhận ra mình!

Nhà thơ Xuân Hoàng là tác giả của nhiều tập thơ, tập sách được nhiều người biết đến, như: “Tiếng hát quê hương”, “Miền Trung”, “Hương đất biển”, “Biển và bờ”, “Dải đất vùng trời”, “Về một miền gió thổi”, “Thơ tình gửi Huế”, “Âm vang thời chưa xa”... Năm 2007, anh được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Sau lần đến thăm anh ít lâu, tôi được tin ngày 3 Tết Giáp Thân 2004 anh mất mà không thể vào TP Hồ Chí Minh để tiễn biệt anh. Nhớ anh, tôi nhớ từng kỷ niệm nhỏ về anh, nhớ cả những câu chuyện đáng yêu về tính đãng trí của anh mà bạn bè kể, từ chuyện đưa con đi khám bệnh rồi bỏ quên con ở bệnh viện, chuyện giặt nhầm chậu quần áo của nhà hàng xóm tưởng chậu quần áo của nhà mình cùng để trong nhà tắm tập thể, đến chuyện gặp bạn giữa đường, vui bạn vui bè, cứ thế cùng bạn lên xe lửa đi chơi cả tuần mà không báo về nhà, để vợ con lo lắng đi khắp nơi kiếm tìm!

Sau ngày anh Xuân Hoàng mất một thời gian, qua một bài báo của Hồ Ngọc Diệp, tôi mới biết, trước khi mất 16 năm, tháng 11/1988, khi đang còn khoẻ, anh Xuân Hoàng đã làm một bài thơ cho ngày mình tạ thế.

 Đọc bài thơ của anh viết về ngày tạ thế của mình, tôi thật sự cảm phục và xúc động trước sự ung dung, tự tại của một con người yêu đời, từng trải, luôn luôn thanh thản, chủ động đón nhận mọi điều sẽ đến với mình, kể cả cái chết: "...Tôi chết nay mai chuyện quá thường/ Một lời cáo phó, ít tuần hương/ Người ta đọc điếu văn bên huyệt/ Rồi mỗi người đi một nẻo đường.../ Có nghĩa gì đâu, quán trọ đời/ Đến rồi đi đấy, thiệt mà chơi/ Không còn viễn ảnh gì lưu niệm/ Ngoài sắc thời gian tím tuyệt vời.../ Thôi được, rồi đây tôi sẽ đi/ Hãy xem như đó, một chu kỳ/ Bởi tôi là đất, tôi về đất/ Tôi chẳng đòi xin một chút gì".

Thế là, những nhà thơ tôi từng quen biết ở Quảng Bình ngày nào, như Hải Bằng, Xuân Hoàng, Trần Nhật Thu... đều đã lần lượt ra đi. Những ngày này, nhớ các anh, tôi lại càng nhớ Quảng Bình, nhớ tới đêm nằm hầm chữ A với anh Xuân Hoàng 40 năm trước. Tiếng cười và câu nói nửa đùa nửa thật của anh năm nào còn như văng vẳng bên tai tôi: "Nhỡ biết đâu có thằng phi công nào vô kỷ luật, giờ này mới bay về, ngang qua đây còn sót quả bom chưa kịp ném nó ném xuống đây, mình chết thì có uổng không!".

Bây giờ, nhà thơ Xuân Hoàng đã thành người thiên cổ, mãi mãi về với đất lành của tổ tiên, "chẳng đòi xin một chút gì" cho riêng mình!

(Theo Dương Đức Quảng- CAND)

,
.
.
.