Tạp bút:

Đi qua mùa khô khát

Cập nhật lúc 14:41, Thứ Ba, 14/06/2011 (GMT+7)

    1- Bản Mây nằm bên con suối nước trong lành chảy từ bên kia dãy Trường Sơn về. Người bản Mây ngày trước sống theo kiểu du canh du cư, cứ qua vài mùa rẫy lại rủ nhau tìm vùng đất mới lập bản... Đi như thế trải qua không biết bao nhiêu đời người mà vẫn triền miên đói nghèo, bệnh tật. Thế rồi nghe theo lời cán bộ dưới xuôi lên, người bản Mây quyết tâm đoạn tuyệt núi rừng về sống định canh định cư bên con suối như bây giờ. Cuộc sống bà con dân tộc bản Mây từ đó khá dần lên, không còn sợ cái đói, cái nghèo, thôi ám ảnh bởi con ma rừng. Đêm đêm, bên ché rượu cần, già làng kể cho con cháu nghe chuyện những ngày đầu dựng nhà, lập bản. Trưởng bản nhắc nhở con cháu: "Chúng mày hãy nhớ lấy, có được no ấm như ngày hôm nay, ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn cán bộ dưới xuôi nhiều lắm!"

 

Bản tái định cư giữa núi rừng Trường Sơn
Bản tái định cư giữa núi rừng Trường Sơn


    2- Cuộc sống an bình được gần mười năm, thế rồi một cơn lũ dữ tràn qua bản, nước từ con suối ngày ngày như dòng sữa của lòng đất mẹ làm dịu cơn khát cho dân bản bổng chốc giận dữ, đục ngầu cuốn phăng đi tất cả mọi thứ. Sau lũ... người bản Mây trắng tay.
    Sau lũ... trời hanh hao, nắng như đổ lửa, con suối nhỏ nước cạn dần, trơ tróc đáy. Người bản Mây khô khát. Lão thầy mo bấy lâu trốn biệt sang đất Lào nay xuất hiện. Thầy mo phao tin: "Lũ làng không nghe theo lời Giàng rồi, không chịu cúng bái ma rừng nên con ma rừng bắt tội đó mà. Phải bỏ làng mà đi thôi". Dân bản nhiều người  bị lời thầy mo mê hoặc, con mắt không thấy lối, đôi chân không thấy đường, cái bụng không yên, rục rịch định bỏ làng mà đi. Đêm đêm, già làng không còn vui bên ché rượu, câu chuyện kể theo đó mà buồn, chất chứa nổi âu lo.
    Trưởng bản nhiều ngày nay ngữa mặt lên trời, xin Giàng ban mưa cho bản làng thôi khô khát, cho con suối nước mát lành, trẻ con thôi khóc, cỏ cây thôi cỗi cằn.
    3- Thằng Hồ Huy, đứa con của bản Mây "làm" bộ đội biên phòng dưới xuôi mấy năm nay, nghe tin dân bản rục rịch bỏ đi, nó xin phép cấp trên nghỉ mấy ngày, tức tốc cắt rừng về bản. Bản Mây lúc này hanh hao lắm rồi, những giọt nước hiếm hoi cuối cùng cũng chỉ đủ dành cho lũ trẻ. Đón Hồ Huy từ con dốc đầu bản, già làng ray rứt: "Mày làm cách gì cứu dân bản với, nếu không lại phải bỏ mà đi thôi con ạ!".
    Hồ Huy cùng với những trai bản lầm lũi ngược dòng suối... đi mãi hết tầm vài "quăng rạ". Càng đi, rừng hai bên suối tan hoang... "Máu của rừng đang chảy đây này. Dân bản hiểu không? Không giữ được rừng thì không giữ được đất, không giữ được nước... vậy nên lũ cuốn trôi mất bản. Hạn hán làm con suối cạn dần nước, dân bản không có nước mát mà dùng".
    Theo cách Hồ Huy bày, trai bản chọn một vị trí cao cạnh dòng suối đào sâu xuống tìm nước. Từ lòng đất mẹ, những mạch nước tuôn chảy dần ra, trong văn vắt. Có nước, Hồ Huy dùng ống nứa nối tiếp nhau dẫn nước về bản Mây trong niềm hân hoan của mọi người.
    "Thằng Hồ Huy giúp bản Mây đi qua mùa khô khát như vậy đó- Người già trong buổi liên hoan mừng nguồn nước mới, tuyên bố với dân bản- Hắn đi bộ đội, học được nhiều cái khôn. Hãy nhớ đến công lớn của nó, của những người dạy khôn cho nó".
    Câu chuyện tôi nghe người già bản Mây kể trong một lần công tác lên bản. Sau đợt đại hạn, nhờ sự giúp đỡ của miền xuôi, người bản Mây không ai dứt bỏ bản mà đi cả. Bản Mây hồi sinh, hiền hoà, ấm no bên dòng suối nhỏ nước trở lại màu xanh.
    Và từ sáng kiến của Hồ Huy, dự án nước sạch cũng đã về với bản. Rừng thôi không còn chảy máu, rừng dần hồi sinh khi người dân bản Mây một lòng quyết tâm bảo vệ rừng.

 

            Hồ An

 
     

,
.
.
.