Người đi xin chữ

Cập nhật lúc 14:39, Thứ Hai, 09/05/2011 (GMT+7)

Tết vừa rồi, nổi hứng Thoại có làm một đôi câu đối để khai bút. Thoại đã dùng máy vi tính trình bày khá đẹp nhưng khi treo lên tường cứ thấy nó chông chênh làm sao ấy. Ðành rằng làm câu đối theo chữ quốc ngữ, nhưng đã là câu đối mà viết để treo tường, nhất định phải mang vóc dáng của lối viết cổ. Thoại thử ra tay, mang tất cả những tờ lịch có in chữ thư pháp ra để bắt chước. Song thật đáng thương cho Thoại, chẳng có hồn có vía gì khi những chữ được Thoại bôi ra trên giấy. Cũng vì mấy chữ đó mà cái tết năm con gà này Thoại cứ băn khoăn ra vào.

 

 

Thoại bỗng nhớ đến thầy Hảo, thầy là một cộng tác viên chuyên viết bài cho mục ’Ðông Tây kim cổ’ cho tờ báo nơi Thoại làm biên tập. Mục này thầy là người sáng lập.

 

Ngồi trong phòng khách, Thoại rút từ trong chiếc cặp một mảnh giấy. Không hiểu sao, Thoại bỗng thấy mình bé nhỏ trở lại. Người thầy trước mặt anh mảnh khảnh. Dáng thư sinh còn lại trên thân hình mảnh khảnh ấy. Mái tóc đã điểm sương. Hai mắt sáng dưới cặp chân mày cũng vương nhiều sợi bạc. Cặp kiếng che bớt chút ít vẻ long lanh ở hai mắt. Trong lúc nói chuyện hình như để nhìn cho rõ hơn, thầy hơi cúi xuống để chiếu thẳng mắt mình với mắt người đối diện. Từ lúc đến đã mấy lần Thoại gặp ánh mắt thầy Hảo như vậy. Mọi khi thầy đưa bài cho Thoại, còn hôm nay Thoại đưa bài cho thầy. Anh đưa tờ giấy bằng cả hai tay và đầu hơi cúi xuống. Thầy Hảo cũng đưa cả hai tay đón tờ giấy mong manh của Thoại. Thầy xoay lại ngồi cho ngay với ngọn đèn bàn mới được bật sáng và hai tay nâng tờ giấy lên ngang mắt. Phút im lặng khá dài. Thầy bỗng buông:

- Ðược đấy. Một chút băn khoăn. Một chút răn mình. Nhưng chứa đựng một hoài bão lớn nữa... Anh muốn viết văn hả...

- Lực bất tòng tâm, thưa thầy...

- Biết thế là tốt.

Thầy vừa nói vừa đứng dậy, lấy chai nước lọc, mở cái bù đài, ghé đổ vào nghiên mực, ở đó có cây mực nho. Thoại đỡ lấy:

- Thầy để tôi mài mực cho.

- Anh biết mài mực?

- Mài mực thôi mà. Sao lại không biết...

Ấy không được. Ngày xưa, tôi phải mất ba năm mài mực, thầy tôi, tức ông cụ thân sinh ra tôi ấy mà, mới cho tôi cầm bút viết lên giấy đó...

- Ba năm...

- Ba năm là còn ít đó. Thầy tôi là một ông đồ nổi tiếng ở xứ Tân An này. Một hôm ông có khách. Khách là một ông đồ già, hơn thầy tôi đến vài tuổi. Hai cụ gặp nhau xá dài, thắp hương án xong mới ngồi trò chuyện. Ngồi lâu lắm, tôi mới thấy thầy tôi đứng dậy vào thư phòng lấy ra một tờ giấy hồng điều. Lúc thầy quay vào nhà lấy nghiên mực, tôi sốt sắng đỡ lấy. Thầy tôi trừng mắt: ’Ðâu đến lượt con’. Thế rồi trong lúc thầy tôi mài mực thì ông đồ kia ngồi vuốt râu, mắt nhắm nghiền lại. Khi mực mài xong, ông đồ kia mới đứng dậy, hướng lên hương án, xá ba xá mới cầm lấy cây bút. Người ông như trong một thế võ. Cây bút trên tay ông khua mấy vòng rồi hạ xuống nghiên mực. Lúc nhấc cây bút ra khỏi nghiên mực tôi có cảm giác như cả người ông đang tỏa ánh hào quang. Rồi tay ông đưa tới. Phút chốc thôi, ông hạ bút và từ từ ngồi xuống ghế. Ông giống như ông tiên râu dài ấy. Ðến giờ tôi còn nhớ. Trên bàn thờ thầy tôi, tức ông cụ thân sinh ra tôi đó, chữ ấy vẫn còn đó. Lúc sắp qua đời, thầy tôi dặn đi dặn lại: bàn thờ thầy không cần phải có hình ảnh gì cả, một chữ đó thôi là được. Chữ ’Trí’. Hôm ấy, thầy tôi xá ông đồ mấy xá liền. Thầy tôi lộng chữ ấy vào khung kiếng treo ngay chính giữa nhà. Sau này tôi có hỏi, thầy tôi bảo: ’Ðất nước đang trong thời loạn. Chữ gì cũng không hợp bằng chữ ’trí’. Chiến tranh tâm làm sao yên, đức làm sao trọn, thiện thì không lẽ trốn chạy cái ác. Phúc, lộc, thọ sao được khi bom đạn nổ uỳnh oàng khắp nước Nam ta. Nhẫn để kẻ cướp nó đè đầu cưỡi cổ mình sao. Chữ trí để răn bảo người ta lấy cái trí mà lo cho đất nước sớm được thanh bình. Có thanh bình rồi chữ gì cũng có hết’. Nghe thầy tôi dạy mà thấm thía. Các cụ nhà mình là như thế đó. Viết một chữ thôi cũng phải đắn đo, chiêm nghiệm đã rồi mới viết. Ðến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái dáng ông đồ bạn vong niên của thầy tôi ngồi nhắm mắt vuốt râu. Cái chữ nó quan trọng lắm. Người ta thành người được hay không là nhờ cái chữ. Thế mà bây giờ có người chẳng coi cái chữ ra gì cả. Hôm vừa rồi, có một cậu học trò của tôi đến đây. Cậu ấy học tôi hồi còn nhỏ. Rồi đi kháng chiến, bây giờ làm chức to lắm ở mãi trên thành phố kìa. Ðến bằng xe du lịch hẳn hoi. Tưởng lâu ngày nhớ thầy thì đến thăm thầy, ai dè, cậu ấy đến xin chữ. Cậu ấy chỉ xin một chữ ’tâm’ thôi. Cậu ấy bảo tôi: ’Em mới cất xong cái nhà. Phòng khách nhà em lớn lắm. Thằng bạn tặng em một cặp ngà voi, mỗi ngà dài cả thước. Em đã trưng ở giữa nhà. Rất oai. Nhưng vẫn thiếu một cái gì đó. Thế là em nhớ tới thầy. Chữ bây giờ bán ngoài chợ thiếu gì. Nhưng em không thích. Em thích chữ của thầy. Nó hoành tráng lắm. Mà em chỉ lấy mẫu thôi. Từ mẫu ấy, em kêu thợ đúc đồng đến đúc cho em, dát vàng lên nữa. Thầy thử hình dung xem đôi ngà voi oai vệ, đỡ lấy chữ ’tâm’ dát vàng lộng lẫy, thì còn gì bằng. Nó sẽ đập ngay vào mắt bất cứ ai khi bước chân vào phòng. Và đương nhiên nhìn cặp ngà voi, nhìn con chữ là thấy sự uy nghi, đáng nể, thưa thầy’. Nghe cậu ta nói, tôi suýt nữa thì bật cười. Trời đất, chữ tâm mà thể hiện sự uy nghi sao? Cậu ta xin chữ ’tâm’ mà tâm cậu ấy lại như thế thì còn gì là tâm nữa.

Thầy Hảo bật cười. Nhưng rõ ràng tiếng cười không thể hiện được cái vui, mà có cái gì ấm ức chất chứa trong tiếng cười ấy.

- Rồi thầy có viết không? - Thoại hỏi.

- Viết. Viết chớ. Nhưng không phải chữ ’tâm’ mà là chữ ’đức’. Tôi viết như thế để cậu ta hiểu như thế nào thì hiểu. Nhưng sâu xa hơn thì cậu ấy phải hiểu là ’đức hạnh’. Tôi muốn bảo cậu ấy phải xem lại đức hạnh mình trước. Bây giờ tôi mừng khi thấy đến trường nào cũng có hàng chữ dăng ngang đập vào mắt người ta: ’Tiên học lễ, hậu học văn’. Cậu ta đến xin tôi chữ ’tâm’ mà chẳng hiểu chữ ’tâm’ ấy dùng để làm gì...

- Rồi sao nữa thầy. - Thoại hồi hộp hỏi.

- Cậu ta không đến lấy mà sai cậu lái xe đến lấy. Cậu lái xe chẳng biết ất giáp gì, mang về. Ngày hôm sau chiếc xe du lịch lại đậu ở cửa nhà tôi. Bước chân vào tới cửa cậu ta đã oang oang: ’Sao thầy lại viết chữ này. Thầy làm tôi bị rủa oan. Ông ấy không nhận, biểu tôi kêu thầy viết chữ khác, đúng chữ mà ổng biểu. Thầy viết đi, lát tôi quay lại’. Nét mặt cậu ta hằm hằm. Tôi bảo cậu ta: ’Nhờ cậu về báo lại, tôi chỉ có thể viết một chữ ấy thôi’. Rồi không thấy cậu ấy đến gặp lại tôi nữa. Viết chữ cho người không đáng viết thì khổ tâm lắm.

Thầy Hảo đã mài xong nghiên mực. Thầy kéo ống đựng bút về trước mặt mình, cúi xuống để mắt có thể nhìn kỹ hơn những cây bút và tìm chọn một cây cho thích hợp. Ðã rút ra mấy cây rồi nhưng sau khi vuốt vuốt những búp lông đầu ngọn bút, hình như thầy vẫn không ưng ý. Còn Thoại đã bắt đầu thấy lúng túng vì không còn biết nói chuyện gì với thầy nữa. Trong căn phòng nhỏ không mấy sáng sủa của thầy chỉ có một ngọn đèn. Ánh sáng không vung vãi ra khắp căn phòng, mà chỉ tụ lại trên mặt bàn. Tất cả những gì trên bàn hiện ra rõ mồn một. Lúc mới đến, Thoại ngỡ thầy chất chồng lên bàn đủ mọi thứ khiến cho nó rối lên, lộn xộn. Nhưng khi câu chuyện của thầy càng lúc càng say thì mọi thứ trên bàn kia bỗng trở nên có lớp lang trật tự đàng hoàng. Góc bên dành cho chữ quốc ngữ thì những chồng bản thảo và những tập sách. Góc bên dành cho chữ Hán và chữ Việt theo lối thư pháp thì ống bút, nghiên mực và những tấm giấy đủ kích cỡ. Ngay chính giữa hình như để phân biệt giữa Việt văn và Hán văn, là một bức tượng đồng nhỏ, đứa trẻ mục đồng tay cầm roi đuổi trâu, tay kia nâng một cuốn sách và đang chăm chú đọc. Thầy đã một lần khoe với Thoại, đó là bức tượng học trò đặt đúc, tặng thầy. Không phải mục đồng thổi sáo mà mục đồng đọc sách. Ý thầy là thế mà.

Thầy Hảo đã lựa xong cây bút. Thầy vung tay lên toan hạ xuống chấm vào nghiên mực. Thoại vội đứng dậy đỡ lấy tay thầy:

- Dạ thưa, thôi ạ.

- Cái gì thôi?

- Dạ thôi, thầy đừng viết nữa. Cho tôi xin lại mảnh giấy...

- Sao thế?

Thoại lẳng lặng không nói thêm lời nào và đưa hai tay, cúi đầu nhận lại mảnh giấy từ tay thầy Hảo.

Lát sau, Thoại chào thầy ra về. Chiếc xe honda của Thoại từ từ lách ra khỏi cổng. Trước ngã ba, Thoại ngưng lại một lát rồi cho xe đi thẳng con đường trước mặt hướng nội ô thị xã Tân An.

Thầy Hảo đứng nhìn theo, gật đầu cười. Trên trán thầy lấm tấm mấy giọt mồ hôi.

Truyện ngắn của Nguyễn Ðức Thiện

 

,
.
.
.