“Bản giao hưởng Điện Biên” dâng lên Đại tướng

Cập nhật lúc 15:19, Thứ Tư, 11/05/2011 (GMT+7)

         Nhằm chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 101, chiều 10/5, tại Bộ VH,TT&DL đã diễn ra cuộc họp báo Chương trình nghệ thuật Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên. Chương trình do UBND tỉnh Quảng Bình và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sẽ diễn ra tại TP Đồng Hới, Quảng Bình và phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h ngày 28/5/2011.

Với tư cách là tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn chương trình, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã bộc bạch với báo giới về chương trình “độc nhất vô nhị” này.

Trung tâm là hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Tôi đã bắt tay vào kịch bản chương trình này từ rất lâu rồi nhưng phải đến hôm nay mới có cơ hội thực hiện được. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ ghi dấu trong lòng mỗi người dân mà còn vang xa trên toàn thế giới. Trong chương trình này, chúng tôi chỉ thể hiện một lát cắt trong sự nghiệp và cuộc đời ông, đó chính là Bản giao hưởng Điện Biên.

Khó vô cùng đối với tôi trong vai trò là đạo diễn chương trình này mặc dù bên cạnh tôi còn có 4 đạo diễn ở 4 sân khấu khác hỗ trợ, bởi chương trình lần này có rất nhiều cái mới. Đầu tiên là nâng vở diễn sân khấu trở thành một chương trình nghệ thuật (sự kiện sân khấu - điện ảnh), được tổ chức quy mô với sự tham gia của hơn 300 diễn viên, trong khuôn khổ của nhà hát truyền hình rộng đến 400m2, có một lực lượng diễn viên hội tụ đủ 3 miền. Và đặc biệt nhất, lần đầu tiên hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành nhân vật trung tâm của một chương trình lớn.

Chương trình được tổ chức không chịu sức ép nào về kinh phí. Tuy nhiên, sức ép ở đây là vấn đề về thời gian. Từ nay đến hôm diễn, sân khấu có trên 20 ngày để hoàn thành. Từ ngày 15/5 các diễn viên của 60 đoàn nghệ thuật tham gia sẽ luyện tập với cường độ ngày 3 buổi và có 8 lần duyệt trước khi diễn ra đêm truyền hình trực tiếp.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh Ảnh: Tư liệu - TTXVN
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh Ảnh: Tư liệu - TTXVN

57 năm trôi qua, đã có quá nhiều những chương trình làm về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì thế, làm mới chương trình là một việc khó nhưng chúng tôi đã làm được. Bên cạnh việc mô tả sự khốc liệt của trận chiến, những hình ảnh chiến thắng, thì yếu tố tuyến kịch được đổ dồn vào nhân vật. Đặc biệt là nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông phải trải qua một đêm mất ngủ để ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời, liên quan đến vận mệnh của đất nước: quyết định kéo pháo ra (để chuyển từ cách “đánh nhanh thắng nhanh” sang cách “đánh chắc, tiến chắc”). Đây cũng là một chi tiết vô cùng lãng mạn trong vở diễn. Và sự lãng mạn của đại tướng còn lan sang cả số phận của kẻ thù, là tướng Đờ - Cát, khi viên tướng này nói với nhân tình rằng “chiến thắng xong về Paris anh sẽ cưới em” nhưng điều đó đã không thực hiện được. Sự lãng mạn còn được thể hiện cả trong một bài hát về tình yêu của Pháp.

Dùng khẩu pháo thật trên sân khấu

 Đây là lần đầu tiên chúng tôi kết hợp giữa yếu tố sân khấu và điện ảnh trong một chương trình nghệ thuật lớn. Trong đó, sân khấu cũng không sắp đặt theo truyền thống và yếu tố điện ảnh được khai thác tối ưu với nhiều cảnh như thật. Có máu chảy, có bùn đất trong cảnh chiến sĩ “máu trộn bùn non”, không gian có cỏ cây, lá đất. Ngay cả pháo chúng tôi cũng dùng pháo thật, nặng đến 1,5 tấn. Nhưng khi pháo nổ, chúng tôi sử dụng tiếng động, đèn chớp và âm thanh để hỗ trợ.

Ê-kíp hùng hậu

Bên cạnh tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn là nhà văn Nguyễn Quang Vinh, chương trình còn có 4 đạo diễn phối hợp là NSƯT Ngọc Bình, NSƯT Trung Hiếu, Hoàng Giang Châu, Đào Quang... Diễn viên Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn viên Trịnh Mai Nguyên vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

 Với thời lượng 180 phút nhưng chỉ đến 2 phút cuối cùng là quan trọng nhất trong tác phẩm. Khi dựng kịch bản, tôi đã tâm huyết nhất với 2 phút này. Hai phút với những diễn biến quan trọng của lịch sử cũng như việc khắc họa hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó, trên sân khấu rợp cờ trắng đầu hàng, chợt vang lên tiếng kèn của giai điệu mở đầu bài hát chiến thắng Điện Biên. Sau đó là hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các sĩ quan bước ra. Một chiến sĩ chạy tới báo cáo: “Báo cáo, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng”. Toàn bộ diễn viên tràn lên sân khấu náo nức hoan hỉ vây lấy đại tướng. Trong khung cảnh đó, vang lên tiếng đọc thơ đồng thanh của trẻ em, rồi đến tiếng hát đồng dao của trẻ em với những câu:

“Bạc tóc đêm trắng
Nghĩ cách đánh hay
Nhân nghĩa tràn đầy
Tấm lòng đại tướng.
Tận trung với nước
Vằng vặc trăng sao
Với muôn đồng bào
Ông là chiến sĩ!
Mấy phen sóng gió
Chữ “Nhẫn” không mờ
Bến quê nắng tỏ
Tiếng dương cầm xanh...

Biết thua, biết thắng
Trăm tuổi rạng ngời
Thế kỷ cuộc đời
Điện Biên bao trận...”

 

Sau phát biểu của đại tướng, tất cả chúc đại tướng khỏe và tiếng hát đồng dao lại vang lên. Bài đồng dao không chỉ được vang lên nhiều lần trong vở diễn mà còn được lồng trong tiếng kèn Bài ca Điện Biên vang dội.

                                                                             Theo TT&VH

 

 

,
.
.
.