.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 6: Đá Tây-"Thành phố" đảo chìm

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Cánh lính Trường Sa không biết từ lúc nào gọi vui Trường Sa Lớn là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa, riêng Đá Tây là “thành phố” của những đảo chìm. Sau khi rời đảo Đá Lát, Tàu 561 tiếp tục hành trình thẳng tiến đến Đá Tây.

>> Kỳ 5: Đá Lát-Bản tình ca trên sóng

>> Kỳ 4: Lên đảo

>> Kỳ 3: Trên biển

>> Kỳ 2: Lên đường

>> Kỳ 1: Hội ngộ

13 giờ ngày 12 tháng 1: Thủy triều xuống thấp lộ rõ cả khu vực đảo Đá Tây mênh mông  san hô phía trước mui tàu. Nước cạn, Tàu 561 thả neo cách đảo non cây số. Đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Hải quân, trưởng đoàn công tác quyết định ngày hôm sau mới để anh em phóng viên lên đảo bằng xuồng chuyển tải.

Tết sớm trên điểm đảo Đá Tây B.
Tết sớm trên điểm đảo Đá Tây B.

Điểm đảo đầu tiên cánh phóng viên chúng tôi đến là Đá Tây B, sóng biển mạnh đến độ trùm cả lên xuồng CQ, người trên xuồng đều ướt sũng nước biển. May trước đó Ban chỉ huy Tàu 561 đã phát cho mỗi phóng viên một bao ni-lon đặc dụng chống thấm nước, các phương tiện tác nghiệp đều cho hết vào trong bao. Đón khách ngay nơi chân sóng, những người lính đảo dạn dày sương gió, nụ cười rạng rỡ trên môi, cẩn thận dắt tay từng phóng viên từ xuồng CQ lên đảo an toàn.

Tết sớm đã đến với những người lính biển trên quần đảo Trường Sa, tôi bắt gặp không khí ấm cúng của Tết ngập tràn trên toàn điểm đảo Đá Tây B. Ngay phía trước bia chủ quyền, lính đảo đang cùng nhau gói bánh chưng, xa hơn chút về phía góc đảo mấy cậu lính trẻ phân công nhau người tìm đá, người lấy củi, kê nồi, nhóm bếp chuẩn bị nấu bánh.

Lạ! Lời của một người lính dội vào lòng những vị khách viếng thăm làm ai cũng nao lòng: “Các anh, các chị cố gắng nán lại với lính đảo chúng em, đợi bánh nấu xong dâng lên bàn thờ Bác, thờ các anh hùng liệt sỹ rồi cùng thưởng thức xem bánh chưng ở đảo hương vị gì khác đất liền”. Tôi có cái cảm xúc thật lạ vì đáng nhẽ, quà tết đất liền phải dồn hết cho đảo xa. Nay đảo xa lại dành hết tình cảm cho đất liền... Không giấu hết cảm xúc dâng trào, mấy phóng viên nữ mắt đỏ hoe!

Thượng úy Lâm Văn Mạnh, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây B báo cáo nhanh với Trưởng đoàn công tác Bùi Đình Dương cùng cánh phóng viên: “Thưa thủ trưởng, năm 2015 là một năm điểm đảo Đá Tây B gặt hái rất nhiều thành công, ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sỹ phối hợp với các điểm đảo còn lại cùng Trạm hải đăng Đá Tây bảo đảm an toàn cho toàn tuyến hàng hải thuộc phạm vi đảo; cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ hậu cần cho tàu cá ngư dân... Trong năm 12 cán bộ, chiến sỹ Đá Tây B được khen thưởng”.

Chiến sỹ Nguyễn Văn Tuyên, sinh năm 1995, quê quán huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình nói với tôi: “Cháu ra đảo tròn một năm rồi! Tết trên đảo ấm tình đồng đội, vui lắm! Đêm giao thừa có hái hoa dân chủ, dạ hội văn nghệ mang đặc trưng chất lính biển. Sau đó cán bộ, chiến sỹ tập trung trước ti-vi đợi giây phút chuyển giao giữa năm cũ, năm mới, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới! Rưng rưng chú ạ! Nhớ đất liền, nhớ ba mẹ, nhớ quê hương, lại tự nhủ mình cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, như Tổ quốc tin tưởng trao cho những người lính đảo”.

Trên điểm đảo Đá Tây B, tôi đi tìm đồng hương Quảng Bình. Sau một hồi suy nghĩ, Trung úy Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên điểm đảo bảo: “Không có anh ạ!”. Đang bâng khuâng giữa biển trời, sóng nước Trường Sa, tôi nghe những lời thơ vọng lại. Trung úy Nam tự hào: “Ông lính già Đá Tây B mà cánh lính chúng tôi gọi là nhà thơ Trường Sa đó anh”. Người lính già hay thơ- Trung tá Chu Văn Khuê, quê quán huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ra Đá Tây B 21 tháng, có 2 cái tết trên Đá Tây B, trong vòng 4 tháng sáng tác được 170 bài thơ về lính, về biển đảo Trường Sa, về tình đồng chí, đồng đội.

 Điểm đảo Đá Tây B.
Điểm đảo Đá Tây B.

Đứng nơi vọng gác tiền tiêu, người lính đảo - nhà thơ tóc bạc trắng gần hết đầu vui chuyện: “Mình vừa ngâm bài thơ có tên “Cái Tết Trường Sa” mới viết khi nghe tin đoàn công tác vào thăm đảo”. Tiếng thơ ông nhè nhẹ cuộn vào sóng biển, len vào lòng người... sảng khoái, lạc quan: “Năm nay đón Tết Trường Sa/Cán bộ, chiến sỹ một nhà vui chung/Thi đua khí thế hào hùng/Cùng nhau đón Tết chúc mừng an khang/Chúc nhau bảo vệ biển trời/Thi đua chung sức người người lập công...”.

Ngày 14 tháng 1: Tiếp tục lên điểm đảo Đá Tây C vào buổi chiều, biển bắt đầu xấu đi, nhiều phóng viên không chịu nổi sóng ở lại Tàu 561. Đoạn đường từ Tàu 561 tới Đá Tây C dài gấp ba lần đến Đá Tây B. Trên điểm đảo Đá Tây C, những câu chuyện lính làm tôi xúc động mãi suốt quãng đường quay về Tàu 561.

Cậu lính trẻ Lương Tú Ngọc, sinh năm 1994, quê quán huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ra Đá Tây C tháng 9-2014, cậu có một cái Tết để đời với đồng đội giữa sóng nước Trường Sa. Lương Tú Ngọc kể: “Em vào quân ngũ chỉ kịp ngỏ lời yêu với bạn gái tên Lê Thị Trang ở quê nhà. Ngày lên đường, cô ấy nhắn nhủ em cố gắng phấn đấu cho bằng trang lứa, đồng đội, nhất định đợi em về. Ra đảo, em nỗ lực phấn đấu... cái Tết đầu tiên giữa biển khơi, lúc gần giao thừa, chỉ huy gọi đúng tên em bảo cầm máy điện thoại, cho phép em gọi về chúc Tết gia đình. Hạnh phúc lắm! Nói chuyện với Trang, cô ấy bảo rất tự hào vì  có người yêu là bộ đội Trường Sa”.

Món quà cho tôi, cho đất liền, cho Quảng Bình - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam là lá cờ Tổ quốc mà Thượng úy Đặng Đình Hạnh, Chính trị viên điểm đảo Đá Tây C trao cho tôi. Lá cờ ấy ngày ngày vẫn hiên ngang, kiêu hùng tung bay trên biển đảo Trường Sa. “Là tấm lòng của người lính nơi đầu sóng ngọn gió gửi trọn niềm tin tất thắng trước thềm xuân mới”- Thượng úy Đặng Đình Hạnh bồi hồi.

Thanh Long

Kỳ 7: Ngôi nhà chung của ngư dân trên biển