.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 2: Lên đường

Thứ Sáu, 15/01/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Mười bốn giờ chiều ngày mùng 5-1-2016, Quân cảng Cam Ranh nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Các tàu 996, 936, 571, 561 tham gia chuyến công tác Trường Sa đã sẵn sàng trên cầu cảng cùng hướng ra biển lớn. Ngoài nhiệm vụ chính vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, quà tết từ đất liền ra cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tăng cường quân số thường trực cho các đảo thì 4 con tàu hải quân còn bảo đảm an toàn cho đội ngũ phóng viên báo chí tham gia đoàn công tác với khoảng thời gian dự kiến kéo dài đến 20 ngày.

>> Kỳ 1: Hội ngộ

Lễ tiễn đưa đoàn công tác diễn ra trang trọng, người đi, người ở lại quyến luyến không nỡ rời xa. Là vợ tiễn chồng, con tiễn cha, người yêu tiễn người yêu, bạn tiễn bạn... Tôi thấy trong mắt họ, dù có chút buồn thoáng qua khi người thân đi giữ đảo, nhưng đọng lại vẫn ngập tràn ánh lửa niềm tin.

Tôi gặp giữa hàng nghìn cảnh tiễn đưa ấy là hình ảnh của gia đình thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Lữ đoàn 146 Hải quân. Vợ anh, trung úy Lê Thị Việt, Ban Hậu cần Lữ đoàn cùng hai con đang chia tay chồng trước khi anh ra đảo... Thiếu tá Sơn từng có hai lần xa vợ con công tác Trường Sa và lần này anh ra đảo Đá Lớn. Dù biết chồng mấy khi ở nhà, nhưng lần chia tay này, chị Việt vẫn không kìm được nước mắt. Dù cố giữ nụ cười động viên chồng, khích lệ con mà hai mắt vẫn đỏ hoe.

Chuẩn bị lên đường ra Trường Sa.
Chuẩn bị lên đường ra Trường Sa.

17 giờ, ngày 5-1-2016: Tàu 561 kéo ba hồi còi dài lưu luyến chào Quân cảng Cam Ranh, chào đất liền trực chỉ ra Trường Sa. Đội ngũ báo chí tham gia đoàn công tác đi cánh phía Nam gồm 33 phóng viên. Nhà báo có cấp hàm cao nhất là đại tá Tô Đình Kháng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Phóng viên có cái tên là lạ nhưng dễ nhớ là Thạch Sarase, Đài PT-TH Hậu Giang. Tàu 561 may mắn nhất khi có đến 9 phóng viên nữ đi cùng.

Tôi được Ban chỉ huy tàu phân về phòng B8 gồm 7 thành viên: Nguyễn Văn Dũng, Báo Tiền Phong; Lê Vĩnh Phong, Đài VOV đối ngoại; Đoàn Hữu Trung, Thông tấn xã Việt Nam; Lê Ngọc Hiển, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Phương Triều, Báo Quảng Ngãi và Nguyễn Ngọc Tú, Báo Gia Lai.

Rời khỏi Quân cảng Cam Ranh, Tàu 561 lừng lững tiến ra biển Đông. Biển yên, sóng lặng. Đêm dần buông xuống đại dương, đất liền sau lưng chỉ còn là một quầng sáng mờ nhạt. Đêm đầu tiên trên tàu, cánh phóng viên chúng tôi chỉ kịp làm quen sơ qua đồng chí trưởng đoàn, Ban chỉ huy tàu và những cậu tân binh trẻ măng tăng cường ra cho các đảo Trường Sa dịp Tết Nguyên đán 2016. Không ai bảo ai, nhưng nhìn sâu vào mắt nhau, chúng tôi thấy trong đó thoáng chút lo lo mà chẳng ai chịu thổ lộ trước. Lo không phải vì sợ sóng to, gió lớn; lo chẳng phải vì những hiểm nguy có thể sẽ đương đầu.

Ở đây chúng tôi lo vì nhiệm vụ đặt lên vai quá lớn: Khai thác thông tin như thế nào? Viết tin bài ra làm sao? Cách thức chuyển tin, bài về tòa soạn có thuận lợi hay không? Làm sao phản ánh nhanh nhất cho quê nhà cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa; sự quan tâm của đất liền dành cho Trường Sa thân yêu; không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc trên các đảo và những lời yêu thương từ đảo xa gửi về cho đất liền...

Đại úy thuyền trưởng Hoàng Đình Duyến giới thiệu cho cánh phóng viên những nét tổng thể về con tàu : Tàu 561 do Viện Khoa học và Công nghệ tàu thủy thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiết kế; nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đóng. Tàu có tải trọng trên  2.000 tấn với chiều dài 71mét, chiều rộng hơn 13 mét. Thủy thủ đoàn gồm 43 người, trong đó kíp quân y 12 người.

Hệ thống động lực trên tàu gồm 2 máy chính diesel tổng công suất 4.964 CV; 3 tổ hợp máy phát điện chính ba pha 380V/220V-50Hz  và một tổ hợp máy phát điện dự phòng ba pha cùng hệ thống làm mát bằng không khí. Vận tốc hành trình lớn nhất của tàu 561 đạt 16 hải lý/giờ; tầm hoạt động 2.500 hải lý. Tàu 561 có khả năng hoạt động liên tục trên biển 45 ngày đêm, chịu được sóng cấp 8, cấp 9 và sức gió giật cấp 10.

Tàu 561 được lắp các trang thiết bị thông tin liên lạc, khí tài hàng hải hiện đại thuộc thế hệ mới. Hệ thống thông tin liên lạc gồm máy thu phát sóng MF/HF công suất 1.000W và 1.500W; máy thu VHF; máy bộ đàm cầm tay; hệ thống truyền thanh chỉ huy; tổng đài điện thoại tự động; hệ thống thông tin truyền số liệu.

Ảnh 8 : Phút chia tay đầy cảm xúc của gia đình thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Lữ đoàn 146 Hải quân.
Phút chia tay đầy cảm xúc của gia đình thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Lữ đoàn 146 Hải quân.

Khí tài hàng hải có ra-đa dẫn đường với chức năng tự động tránh va ARPA tầm xa 96 hải lý; các loại la bàn điện, la bàn từ, máy định vị vệ tinh GPS, máy đo tốc độ, độ sâu, máy thu thời tiết Navtex; các hệ thống lái tự động, thiết bị tự động nhận dạng, hải đồ điện tử... Hệ thống trang thiết bị mặt boong đồng bộ, bảo đảm cho các hoạt động bốc xếp, vận chuyển và hoạt động dự phòng, phao xuồng hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp.

Là tàu bệnh viện, tàu 561 được thiết kế, bố trí hợp lý với hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến bậc nhất. Hệ thống gồm: phòng tiếp nhận bệnh nhân, phòng mổ vô trùng, phòng hồi sức cấp cứu, phòng hội chẩn, phòng điều trị răng, hàm, mặt, buồng chụp X-quang, buồng thiết bị giảm áp, 4 buồng điều trị bệnh nhân với 20 giường cùng kho thuốc. Trang thiết bị y tế có máy chụp X-quang cao tần, các máy siêu âm màu đa năng, điện tim, nội soi, xét nghiệm máu 18 thông số, xét nghiệm nước tiểu; các thiết bị giảm áp, gây mê, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật...

Riêng phòng mổ và phòng hội chẩn trang bị hệ thống truyền hình trực tiếp với Quân y viện 175 qua hệ thống vệ tinh Vinasat. Nhờ vậy, khi gặp các ca phẫu thuật phức tạp khi đang hoạt động trên biển, đội ngũ y bác sĩ tàu 561 có thể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ đất liền để xử lý kịp thời, an toàn.

Đêm đầu tiên trên biển, thuyền trưởng Hoàng Đình Duyến, Chính trị viên Dương Văn Đắc đến gõ cửa thăm tất cả các phòng ở của các phóng viên. "Hy vọng các nhà báo sẽ có một chuyến trải nghiệm đến với Trường Sa đáng nhớ và để đời”- Thượng úy Chính trị viên Dương Văn Đắc chân tình.

“Tàu 561 với vận tốc trung bình khoảng 10 hải lý/giờ. Chúng ta sẽ đến đảo Trường Sa Lớn vào sáng sớm ngày 7-1” - Thuyền trưởng Hoàng Đình Duyến thông báo.

Thanh Long

Kỳ 3: Trên biển