.

"Đàn bà đi biển mồ côi một mình"

Thứ Bảy, 05/12/2015, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Còn nhớ cách đây tròn 5 năm, tôi đến vùng biển Quảng Phúc (Ba Đồn) khi cả mảnh đất này đang quằn quại trong nỗi đau bởi biển đã cướp đi của họ những người đàn ông trụ cột. Hôm nay, trở lại mảnh đất này, nỗi đau dường như đã lắng lại trong những đôi mắt thẳm sâu của những người phụ nữ miền biển. Và vui sao, nụ cười đã tỏa rạng trên những gương mặt sạm đen vì nắng, gió và mặn mòi vị biển. Tạm gác lại những đau đớn, nổi nênh của phận người phụ nữ “kẻ biển”, họ kể tôi nghe chuyện những chuyến tàu vươn khơi.

 

Bà Phạm Thị Vẽ vẫn giữ mãi những giấy khen của một thời tham gia vận chuyển lương thực phục vụ chiến trường miền Nam.
Bà Phạm Thị Vẽ vẫn giữ mãi những giấy khen của một thời tham gia vận chuyển lương thực phục vụ chiến trường miền Nam.

Ở cái xóm Xuân Lộc, phường Quảng Phúc này, nhiều phụ nữ chọn gắn bó với kiếp đời ngư phủ hiển nhiên như cái cách họ chọn lấy chồng nghề biển. Và với họ, sự lựa chọn nào cũng mang đến nhiều khổ nhọc như nhau.

Những năm chống Mỹ, vùng biển Xuân Lộc có hàng chục người phụ nữ vươn khơi, bám biển, vừa để tham gia đánh bắt hải sản, vừa vận chuyển lương thực phục vụ chiến trường miền Nam.

Và hiển nhiên, chuyện những nữ thuyền trưởng như bà Phạm Thị Vẽ, Nguyễn Thị Ninh, Nguyễn Thị Xuân... điều khiển cả một con thuyền buồm lớn ngày ngày lênh đênh trên biển không phải là chuyện hiếm gặp. Chính những “bóng hồng” trên biển xanh ấy đã góp phần làm nên một vùng quê “lũy thép bờ bắc sông Gianh”.

“Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”-Câu ca dao đượm buồn ấy dường như vận cả vào cuộc đời của nhiều người phụ nữ vùng biển như bà Phạm Thị Vẽ, 76 tuổi, nhưng cũng ngót nghét hơn nửa thế kỷ bà dong thuyền ra khơi. Chuyện phụ nữ đi biển ở mảnh đất này không phải chuyện hiếm nhưng gần trọn cuộc đời gắn bó với sóng gió như bà quả là hiếm gặp.

Sinh ra ở vùng Quảng Đông, nên thuở son rỗi, bà cũng dăm ba lần lên thuyền vượt sóng vươn khơi. Gọi là đi cho biết! Thế mà, run rủi làm sao, bà yêu và lấy một người đàn ông vùng biển, rồi chắp nối cuộc đời mình với biển cả quê chồng. Đến giờ, người Xuân Lộc vẫn kể cho nhau nghe chuyện bà Phạm Thị Vẽ tự dong buồm, lái thuyền về đến tận bờ khi chồng chẳng may bị thương trên biển và dù trước đó, bà chưa hề biết gì về kỹ thuật lái thuyền. 

Ngày đã trôi về phía cũ. Nhưng ở cuối con dốc cuộc đời, người phụ nữ miền biển ấy vẫn hoài niệm về những tháng ngày xa xôi. Những giấy khen, bằng khen của cách đây gần nửa thế kỷ vẫn được bà giữ gìn cẩn thận. Đôi bàn tay gầy guộc với những vết nhăn đan chằng chịt cứ vuốt mãi những tờ giấy đã úa vàng, mục nát nhưng là bằng chứng duy nhất về một thời vẻ vang trên biển. “Đàn bà đi biển mồ côi một mình”-bà bảo thế và đời bà cũng cô đơn như thế! Không con cái, đến người chồng để tựa nhờ lúc nhọc mệt cũng bỏ bà ra đi quá sớm.

Cả một đời lênh đênh với sóng gió, đến lúc vào bờ thì người phụ nữ ấy chẳng có nỗi một mảnh đất “cắm dùi”. Đứa cháu họ hàng xa thương tình cho bà mượn tạm rẻo đất nhỏ ngay phía bên cửa sông để dựng nhà. Trong không gian chật hẹp của căn nhà tạm bợ ấy, bà đang trải qua những ngày cuối đời trong tột cùng nỗi cô đơn. Những lúc thấy não lòng, bà lại muốn được dong thuyền ra biển bởi với người phụ nữ ấy, chỉ có biển cả mênh mông mới vỗ về dùm bà những trống vắng tuổi già.

Ông Nguyễn Đình Phảo (69 tuổi) có gần 25 năm làm cán bộ thôn Xuân Lộc này nên ông có thể kể vánh vách những cái tên phụ nữ làm nghề kẻ biển nơi mảnh đất cuối dòng Gianh. Trong câu chuyện bên bờ sông lộng gió, ông Phảo khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng, chỉ có những người đàn bà Xuân Lộc mới rành rẽ ngón nghề đi biển, bởi ở nhiều vùng biển khác, người ta kỵ phụ nữ lên tàu, coi đó như vận xui xẻo.

Vậy mà nơi đây, phụ nữ không chỉ coi tàu cá là nhà, mà là cái nghiệp để gắn bó trọn đời mình. “Âu cũng vì cuộc mưu sinh”-ông Phảo gật gù. Mà đúng thật như lời ông, hầu hết những người phụ nữ đi biển chúng tôi đã gặp đều khó nghèo dẫu họ muôn đời bám biển, bằng lòng với biển và trao gửi cả cuộc đời, sinh mạng mình cho biển. Chuyện đời họ kể đôi khi cũng chát mặn như nước mắt và mặn mòi vị biển.

Chiều trên cửa Gianh vàng vọt nắng và đông đúc thuyền bè. Những con thuyền nằm tựa vai nhau như thể muốn “lấy lại sức” sau những chuyến vượt sóng dài ngày. Khi phần đông những người đàn ông tụm năm, tụm bảy chuyện trò, nghỉ ngơi dưỡng sức thì những người phụ nữ vẫn miệt mài sửa soạn, dọn dẹp lại con thuyền, chuẩn bị lương thực phẩm cho chuyến vươn khơi mới. Những đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ nhưng nụ cười bao giờ cũng nở trên môi mà trong cuộc chuyện trò, chúng tôi gọi đó là những nụ cười lấp lánh nắng trên sông.

Bởi dẫu khổ cực là thế, biển đầy bão giông là thế nhưng đã là một phần máu thịt của họ, là buồn vui, sướng khổ trọn đời. Điều đó có lẽ đúng với chị Hoàng Thị Xuân-người phụ nữ 44 tuổi nhưng đã có gần 30 năm dong thuyền ra khơi. Chèo con thuyền thúng chở chúng tôi ra thăm thuyền cá của mình ở tít giữa sông, người phụ nữ ấy khéo léo điều khiển con thuyền lướt nhẹ trên mặt sông lộng gió. Khi chúng tôi tỏ vẻ e dè, chị động viên: “điều khiển thuyền ni đã nhằm nhò chi em, chị còn tự lái được tàu đánh có công suất vài chục CV nữa tề”. 

Với những người phụ nữ miền biển, biển cả đã ăn sâu vào máu thịt.
Với những người phụ nữ miền biển, biển cả đã ăn sâu vào máu thịt.

Và đúng như lời chị nói, lên đến thuyền, người phụ nữ ấy mạnh mẽ lái con thuyền chạy một vòng quanh cửa sông trước những ánh mắt trầm trồ ngưỡng vọng của những người khách phương xa.

Chị bảo, 15 tuổi đã lên thuyền vượt sóng. Rồi lấy chồng, đẻ liên tù tì bốn đứa con, cứ nghĩ sẽ yên phận lên bờ nhưng rồi đi riết cũng thành quen, ở nhà lại thấy chộn rộn chân tay. Vậy là chỉ trừ những lúc sinh đẻ, con dại ốm đau chị mới chấp nhận lên bờ, còn lại cứ quanh năm bám biển, kể cả những khi bụng chửa vượt mặt. “Mà cũng tại cái khó, cái nghèo em ạ. Mình không đi thì lại tốn tiền thuê “bạn” thuyền. Mà đi thì lại có thêm người chăm lo việc hậu phương như cơm nước, sắp xếp trên tàu”, chị Xuân cười hiền.

Gọi là lo “việc hậu phương” nhưng các ngón nghề trên biển như thả lưới, buông câu, lái thuyền... chị đều rành rẽ cả. Tàu thuyền nhỏ nên mỗi bận đi lâu nhất cũng chỉ chừng 6 -7 ngày, nhưng đó cũng là cả một thử thách lớn đối với người say sóng như chị. 30 năm rồi, lần nào bước chân lên thuyền cũng cứ nôn nao, cồn cào gan ruột nhưng một khi đã thành cái “nghiệp” thì phải suốt đời đa mang.

Giờ thì cả cái xóm Xuân Lộc này cũng chỉ còn vỏn vẹn vài ba người phụ nữ đi biển. Cái chất phác, mộc mạc vốn sẵn của người phụ nữ vùng biển pha cả cái sóng, cái gió của những tháng ngày lênh đênh trên biển nên trông họ mạnh mẽ, sắc sảo hơn hẳn! Nghề đi biển cũng phập phùng như cái cách họ đón sóng điện thoại trên biển xa, bữa đầy ắp, bữa cạn kiệt. Nhưng dẫu vậy, với những người phụ nữ “cưỡi sóng, vượt gió” ở vùng quê này, biển đã ăn sâu vào máu thịt, vào tâm can.

Họ yêu biển và bằng lòng với biển, dù bằng cách này hay cách khác để sống tiếp với nghề thì một khi biển còn thủy chung cùng người thì người vẫn mãi nặng lòng và gắn bó cùng biển.

Ghi chép của Diệu Hương