.

Gió mới...

Thứ Sáu, 01/01/2016, 15:40 [GMT+7]
(QBĐT) - Nhắc đến Lệ Thủy, hẳn nhiều người sẽ hình dung ngay đến những cánh đồng thẳng cánh cò bay, quê hương của những làn điệu hò khoan làm say đắm lòng người, nơi có lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập trên sông Kiến Giang với quy mô hoành tráng nhất tỉnh...
 
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, bởi vùng quê “gạo trắng nước trong”, “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” này còn chứa đựng tiềm năng du lịch hết sức phong phú ít nơi nào có được khi quy tụ được những điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều loại hình khác nhau như du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái…
 
Và, khi tiềm năng ấy được đánh thức sẽ như một luồng gió mới thổi vào mảnh đất, con người quê lúa, làm thay đổi nhận thức phát triển kinh tế để “vẽ” nên bức tranh chứa đựng nhiều gam màu sáng.
Trải biết bao thăng trầm, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn vẹn nguyên nét thanh bình.
Trải biết bao thăng trầm, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn vẹn nguyên nét thanh bình.
Từ thành phố Đồng Hới, trong cái rét ngọt của những ngày Đông, chúng tôi về thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Hàng chục năm qua, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu về nơi vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam được sinh ra.
 
Trải qua bao thăng trầm, nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn nét thanh bình, tĩnh lặng. Ngôi nhà hiện nay được xây dựng lại từ năm 1977, ngay trên nền ngôi nhà cũ từ những năm đầu thế kỷ XX, đúng như nguyên mẫu ban đầu. Căn nhà nhỏ ba gian, hai chái lợp ngói, mái hiên được lợp bằng lá cọ, cửa bức bàn - kiểu điển hình của những ngôi nhà ở làng quê Lệ Thủy từ xa xưa. Ngôi nhà được bao bọc bởi một màu xanh của cây lá, có những cây do chính tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng mỗi lần về thăm quê.
 
Ông Phùng Thành, một cựu chiến binh đến từ thành phố Hồ Chí Minh khi thăm nhà Đại tướng tâm sự: “Tôi đã biết đến Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu qua các phương tiện truyền thông và đây là lần đầu tiên tôi cùng những đồng đội được đến thăm. Tôi mong muốn các thế hệ con, cháu mình được chứng kiến ngôi nhà gắn với tuổi thơ của Đại tướng, để các cháu thêm yêu đất nước, quê hương mình”.
 
Tháng 10-2013, nước mắt của hàng triệu người con đất Việt đã rơi khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng. Kể từ giờ phút ấy, ngoài địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi yên giấc ngàn thu của Đại tướng thì ngôi nhà lưu niệm, nơi “chôn nhau cắt rốn” của Người ở quê nhà An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy đã trở thành “địa chỉ đỏ” hướng bước chân tìm đến của hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
 
Cùng đi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Bảo, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy giới thiệu với giọng nói không giấu nổi niềm tự hào: “Không chỉ có Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quê hương Lệ Thủy còn có chùa Hoằng Phúc, một trong những ngôi chùa cổ tồn tại hơn 700 năm qua ở xã Mỹ Thủy đang trong giai đoạn phục chế, tạo dựng. Và khi hoàn thiện, đây sẽ là địa chỉ hứa hẹn thu hút rất đông du khách thập phương tìm đến với loại hình du lịch tâm linh”.
 
Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục gọi là chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trạch (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy. Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy nguồn sử liệu nào xác nhận rõ chùa được khởi dựng từ đời nào. Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, chùa Hoằng Phúc từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng.
 
Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh phá hư hỏng nhưng vẫn bảo tồn được nhiều hiện vật quý. Đến năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cho chùa Hoằng Phúc. Và hiện tại, công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc đang được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng.
 
Đến thời điểm hiện tại, huyện Lệ Thủy đã quy hoạch xong các điểm du lịch gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng Bàu Sen; Khu du lịch sinh thái và suối nước nóng Bang; Khu nghỉ dưỡng Tân Hải; Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Chùa Hoằng Phúc... tạo một vành đai du lịch khép kín, hứa hẹn là điểm dừng chân của du khách Bắc-Nam.
 
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện trăn trở: “Một trong những mắt xích làm nên giá trị độc đáo của vành đai du lịch khép kín chính là Suối nước nóng Bang thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 60km. Đây là điểm du lịch huyện đã kêu gọi đầu tư từ lâu nhưng cho đến nay trên thực tế vẫn chưa tìm được nhà thầu phù hợp với tiêu chí phát triển du lịch của huyện. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ tạo ra một mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe tại đây”.
Phối cảnh chùa Hoằng Phúc sau khi hoàn thành việc phục dựng, tôn tạo.
Phối cảnh chùa Hoằng Phúc sau khi hoàn thành việc phục dựng, tôn tạo.
Toàn cảnh khu vực suối nước nóng Bang là một vùng đồi núi xanh tươi rộng lớn trên 70ha. Mọi du khách khi đặt chân đến nơi đây đều có một cảm nhận đặc biệt với con suối ngoằn nghoèo uốn lượn, dòng nước khoáng chảy thành dòng như vô tận, vừa lộ thiên, vừa bí hiểm. 
 
Điểm đặc biệt ở đây chính là dòng nước khoáng càng đi lên đầu nguồn nhiệt độ càng cao, lên đến 1050c, bốc toả hơi nước mờ ảo như những làn khói hư thực của chốn bồng lai. Nguồn nước chứa nhiều chất Canxi, Clorua, Sunphát... của suối nước nóng Bang có tác dụng chữa các bệnh về hô hấp, tuần hoàn, khớp, bệnh ngoài da, thận, tiết niệu, thần kinh... rất hiệu nghiệm.
 
Ông Lê Văn Hoành, một du khách đến từ thành phố Đồng Hới cho biết: “Cứ mỗi dịp cuối tuần, gia đình tôi lại cùng nhau đến suối nước nóng Bang. Không chỉ được đắm mình trong dòng nước nóng có tác dụng chữa bệnh mà thiên nhiên, cảnh vật nơi đây còn giúp chúng tôi tạm quên đi những nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày. Tôi nghĩ nếu nơi này được đầu tư một cách bài bản và khoa học, đầy đủ các loại hình dịch vụ đi kèm như cơ sở hạ tầng, nơi nghỉ dưỡng, ẩm thực... thì nhất định sẽ thu hút rất nhiều người tìm đến”.
 
Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân Lệ Thủy, tin tưởng rằng, khi tiềm năng du lịch của địa phương được “đánh thức” sẽ như một luồng gió mới thổi vào mảnh đất, con người quê lúa, làm thay đổi nhận thức phát triển kinh tế để “vẽ” nên bức tranh chứa đựng nhiều gam màu sáng.
 
Nguyễn Hoàng