.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 5: Đá Lát-Bản tình ca trên sóng

Thứ Tư, 20/01/2016, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 10-1-2016, tàu 561 thả neo tiếp cận phía ngoài vùng biển đảo Đá Lát. Vào lúc bình minh, thủy triều rút xuống, đảo Đá Lát phơi mình ra trên biển là một vùng đá san hô mênh mông chạy dài từ bắc vào nam. Ấy vậy khi mặt trời lên quá tầm ngọn sào, Đá Lát chỉ còn lại khu nhà nổi tựa con tàu hiên ngang trên sóng biển.

>> Kỳ 4: Lên đảo

>> Kỳ 3: Trên biển

>> Kỳ 2: Lên đường

>> Kỳ 1: Hội ngộ

Ảnh 10 : Đá Lát, đảo hiên ngang trên chân sóng.
Đá Lát, đảo hiên ngang trên chân sóng.

Sóng bắt đầu chuyển mạnh hơn, tăng dần lên cấp 5, cấp 6. Trong điều kiện sóng to, gió lớn như vậy. Ban chỉ huy Tàu 561 quyết định đưa đoàn công tác lên đảo Đá Lát bằng xuồng CQ.

13 giờ chiều 10-1-2016: Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, đồng hương Quảng Bình sau khi hết ca trực lái tàu 561, được giao nhiệm vụ điều khiển xuồng CQ đưa chúng tôi vào Đá Lát. Anh dặn dò chúng tôi cẩn thận từng chi tiết nhỏ nhằm bảo đảm độ an toàn tuyệt đối khi ngồi trên chiếc xuồng CQ bé nhỏ tựa chiếc lá giữa muôn trùng đại dương.

Đảo Đá Lát trấn giữa cửa ngõ tây nam của quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo chìm xây dựng nhà cao chân “đội sóng” sớm nhất do đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy. Các tàu Hải quân 611, 712 triển khai công binh thực hiện. Nhà trên Đá Lát hoàn thành ngày 20-2-1988.

Tôi còn nhớ hôm ở Trường Sa Lớn, ngồi uống nước trà với thiếu tá Trần Văn Dũng, kỹ sư Nguyễn Văn Kháng đều đồng hương Quảng Bình đi bảo vệ và xây dựng biển đảo quê hương, tình cờ gặp đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, người từng 9 lần đón Tết cổ truyền nơi tuyến đảo Trường Sa.

Đại tá Đỗ nhớ lại: “Trong 9 cái tết để đời, đầy nghĩa trọn tình ở Trường Sa, tôi vẫn nhớ nhất khi đang làm Đảo trưởng đảo Đá Lát. Năm 1988, lính hải quân chúng tôi dùng thùng phi đổ bê tông, đặt kết cấu cột vào giữa rồi thả xuống biển thành hình hài gian nhà tạm. Tiếp tục lát sàn nhà bằng những tấm ghi lỗ, che mái tạm. Cán bộ, chiến sỹ ăn ở, sinh hoạt trong một không gian chật hẹp như thế.

“Tết trên đảo Đá Lát không khác mấy với đất liền, ngoài này lính đảo tựa vào nhau thành một khối không thể tách rời. Chúng em có đồng đội, đồng chí, vui xuân, đón Tết cổ truyền và động viên nhau chắc tay súng canh giữ biển đảo tiền tiêu”.

Nhớ nhất là chuyện bát ăn cơm, mỗi người lính được trang cấp một cái bát sắt, nhỡ có ai làm rơi xuống biển, xem như chờ lần sau cấp lại. Gian khổ thế nhưng anh em lính luôn động viên nhau vượt khó, bảo vệ vững chắc biển đảo. Đá Lát bây giờ dù vẫn còn muôn trùng gian khó, vẫn tốt hơn trước đây rất nhiều”.

Cuộc sống, sinh hoạt lính đảo Đá Lát và tất cả tuyến đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa gặp hai khó khăn lớn nhất: nước ngọt và rau xanh. Thượng úy Đoàn Văn Hiến, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết: “Một năm, Trường Sa duy nhất hai mùa. Mùa khô, trồng rau rất tốt vì ít có sóng biển, các loại mồng tơi, rau muống, cải bẹ xanh, rau dền, sâm đất... tại vườn rau thanh niên trồng trong khay nhựa composite, đất mang từ đất liền ra, phát triển rất tốt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo có đủ rau xanh để luộc, nấu canh và ăn lẩu cá nhưng lại thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Nước sinh hoạt đều trông cậy vào “giếng trời”.

Mùa khô nào giông nhiều, xem như lính đảo tích trữ đủ nước. Nước ngọt từ đất liền ra rất hạn chế. Ngược lại, vào mùa mưa, bộ đội có đầy đủ nước ngọt thì sóng to, gió lớn. Sóng biển nhiều cơn trùm kín đảo, nước biển làm rau xanh làm cháy rụi. Lại phải trồng rau lại từ đầu”.

Lính đảo Đá Lát vui câu chuyện tăng gia, cải thiện bữa ăn lính hàng ngày. Đại úy Nguyễn Kiên Giang, quê quán huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ra Đá Lát tháng 7-2015 bảo: “Trong năm 2015 cánh lính chúng tôi đánh được gần 700 tạ cá, trồng 824kg rau xanh các loại và gần 200kg thịt lợn... Bữa ăn lính hàng ngày cải thiện đáng kể. Đời sống tinh thần cán bộ, chiến sỹ được quan tâm nhiều hơn. Đảo trang bị ti-vi thu tín hiệu vệ tinh Vinasat đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin trong nước và thế giới. Sóng điện thoại nối dài từ Trường Sa Lớn, chỉ cần bấm số di động, quê hương đã gần kế bên...”

Hàng tết cho Đá Lát theo đoàn công tác cùng những người lính mới tăng cường cho đảo theo xuồng CQ cập bến, cánh lính cũ trên đảo ra tận mép sóng vỗ tay reo mừng. Mừng lắm chứ! Khi giữa muôn trùng sóng cả, tết sớm đến cận kề. Tết dành cho Đá Lát có hai chú lợn trên tạ, nếp, lá dong, lạt tre, một cây quất nho nhỏ, bánh kẹo... và thứ không thể thiếu là đất mùn đất liền đưa ra cho lính đảo trồng rau.

Nơi chân sóng... lính đảo Đá Lát tiếp khách bằng những bản tình ca đậm sắc lính, những lời thơ lay động lòng người: “Chưa bao giờ em biết giữa đại dương/Biển có lúc dỗi hờn đến vậy/Sóng trùng trùng xô đau ghềnh đá ấy/ Bão tố giăng đầy vây kín nơi đây... Em đâu biết rằng nơi anh đứng phong ba/Biển mặn hơn vì máu bao người đã ngã/Để bình yên nơi quê hương là đường khuya anh vất vả/Rát mặt mưa dày canh bóng thù xa/Em đâu ngờ rằng công anh vác đá xây Trường Sa/Để dựng lên bao ngôi nhà giữa biển/Những thuyền rồng là tàu anh thẳng tiến/Ra giữ miền biển đảo quê hương...”.

Trên đảo Đá Lát, trung úy Nguyễn Văn Minh, người xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh nhận ra tôi qua chất giọng Quảng Bình nằng nặng át cả tiếng sóng. Anh bảo: “Mình đóng quân ở Đá Lát tết này đúng tròn hai năm. Bây giờ được quay trở lại đất liền. Gắn với nghiệp lính, đi miết ở Trường Sa, mỗi năm về phép chỉ 40 ngày. Tất cả gánh nặng gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái đều giao hết cho vợ”.

Ảnh 11 : Lính đảo Đá Lát chăm sóc vườn rau.
Lính đảo Đá Lát chăm sóc vườn rau.

Tôi chứng kiến cuộc tao ngộ giữa hai chàng lính hải quân, một giữ đảo tròn một năm hai ngày- trung sỹ Nguyễn Tuấn Anh (Diễn Châu, Nghệ An) và chiến sỹ Đặng Xuân Ninh (Giao Thủy, Nam Định), theo tàu 561 tăng cường cho đảo, chặng đường xa, biển động, sóng dài, vẫn còn say sóng. Tuấn Anh động viên bạn: “Cố lên, bạn ạ! Ai lần đầu ra Trường Sa, đến Đá Lát đều chẳng thế, cứ rũ người, rồi quen dần thôi. Nắng cháy, gió to, sóng lớn, bão tố... sẽ tôi rèn dần, vững vàng như cây phong ba ngay ấy mà!”. Quả thật! những người lính Trường Sa, những người lính trên đảo chìm Đá Lát, ai cũng đen sạm, rắn chắc lại, mặn mòi biển.

“Thêm một cái tết xa nhà, xa đất liền, các anh các chị hỏi có buồn không, nhớ nhà không. Lính chúng em trả lời thật, rất thật buồn chứ, nhớ gia đình chứ!”- Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ”- “Tết trên đảo Đá Lát không khác mấy với đất liền, ngoài này lính đảo tựa vào nhau thành một khối không thể tách rời. Chúng em có đồng đội, đồng chí, vui xuân, đón Tết cổ truyền và động viên nhau chắc tay súng canh giữ biển đảo tiền tiêu”.

17 giờ ngày 10-1-2016: Đại tá đoàn trưởng Bùi Đình Dương thông báo thời gian thăm đảo Đá Lát đã hết, cần phải quay lại tàu 561 trước khi mặt trời lặn. Vừa mới quen nhau, cảm nhận chút ấm áp tình quân dân nơi đầu sóng ngọn gió lại phải chia tay. Lính trên đảo Đá Lát xuống tận mép sóng bắt tay cánh phóng viên báo chí chẳng muốn rời xa.

Chiếc xuồng CQ nổ máy kẻ thành một đường thẳng ngang qua trước mặt đảo. Đá Lát xa dần cuối sóng, hình ảnh cuối cùng tôi lưu lại được trong khung máy ảnh là những cánh tay đưa cao lên, cao lên vẫy chào từ biệt.

Thanh Long

Kỳ 6: Đá Tây-"Thành phố" đảo chìm