.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 3: Trên biển

Thứ Hai, 18/01/2016, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm giờ sáng 6-1-2016, chúng tôi thức dậy theo hiệu lệnh tàu, cùng ùa ra cả mặt bong tàu 561 đón bình minh, chào ngày mới. Vậy là chúng tôi đã qua một đêm trên biển cả. Con tàu vẫn cứ lừng lững tiến về phía trước, xung quanh đại dương mênh mông, sóng chỉ vào độ cấp hai, cấp ba. Không thấy bóng dáng tàu đánh cá của ngư dân, thi thoảng chỉ bắt gặp những chiếc tàu vận tải lớn xuất hiện xa xa rồi cũng khuất dần về phía chân trời.

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 2: Lên đường

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 1: Hội ngộ

Tàu 561 là một con tàu quân y hiện đại vào hàng bậc nhất của Quân chủng Hải quân. Cánh phóng viên đi theo hướng nam may mắn hơn hướng bắc và giữa khi được đồng hành cùng con tàu này. Phương tiện di chuyển hiện đại, thời tiết đẹp (ít ra cho đến tận thời điểm này) nên chưa thấy phóng viên nào hay cánh lính mới tăng cường cho các đảo say sóng, bỏ cơm.

Cán bộ, thủy thủ đoàn theo sự bố trí của Ban chỉ huy tàu di chuyển hết cả ra hành lang, nhường các phòng ở ấm cúng cho khách.

Ảnh 10 : Công việc hàng ngày của các chiến sỹ trên tàu 561
Công việc hàng ngày của các chiến sỹ trên tàu 561.

Một ngày ở đại dương bắt đầu khá giản đơn, vì đang hành trình trên biển, không có sóng điện thoại nên chúng tôi không thể liên hệ với đất liền. Bữa sáng bắt đầu lúc 6 giờ. Ăn sáng xong, anh em phóng viên tản ra khắp tàu tìm đồng hương, tìm cánh lính biển bắt chuyện làm quen. 11 giờ 15 phút, ăn cơm trưa. Bữa tối lúc 18 giờ. Người bạn dễ chia sẻ tất cả các cảm xúc nhất với cánh phóng viên, những người đi biển không chuyên là chiếc ti- vi nối sóng từ vệ tinh Vinasat.

Thiếu úy Lê Nghiêm Nam, cán bộ quản lý Lữ đoàn 146 đi theo tàu, sau mỗi bữa cơm lại tìm đến các phòng phóng viên báo chí. Anh nhiệt tình hỏi thăm về chế độ ăn uống đã hợp lý hay chưa? Mọi người có hợp khẩu vị hay không? Cơm có đủ no? Hỏi thăm để cho nhà bếp điều chỉnh hợp lý. Thiếu úy Nam bật mí rằng: “Bếp trưởng tàu 561 nấu ăn “đỉnh nhất” Lữ đoàn, anh em tranh đấu mãi mới kéo được về”. Bữa cơm trên biển ngon đến lạ, có cá, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh... thay đổi nhau.

Kỷ luật trên tàu cấm sử dụng rượu bia nên dù có quen với phong cách sống từ đất liền, cánh phóng viên vẫn vui vẻ chấp nhận mặc dù bữa cơm tối đầu tiên trên tàu, mấy nhà báo cao tuổi vẫn thấy thiêu thiếu chút “cay cay”. Không rượu bia, chúng tôi ăn ngon miệng hơn, cứ học theo chế độ lính, đủ ba lần xúc, thức ăn hết món, không được lãng phí.

14 giờ chiều 6-1-2016: Họp đoàn công tác, đại tá đoàn trưởng Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Quân sự Lữ đoàn 146 quán triệt lại một lần nữa những nội dung của chuyến hải trình đến Trường Sa. Trên tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, anh mong muốn đội ngũ phóng viên báo chí khi tác nghiệp tại Trường Sa phải nghiêm túc tuân thủ theo mọi quy định trên đảo.

Một mùa xuân mới nữa lại đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, năm nào cũng vậy, Trường Sa đón Tết cổ truyền sớm hơn đất liền. Xuân mới, niềm tin mới, người lính đảo càng chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Cả nước đang hướng về Trường Sa... và chúng tôi gần 100 nhà báo phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí mọi miền như những cánh én mùa xuân đưa tin vui từ Trường Sa về với đất liền.

16 giờ chiều 6-1-2016: Tàu 561 đang đi giữa biển xanh, nắng vàng chợt nhiên một cơn giông ập đến bất ngờ. Bầu trời xám đen lại, mây sà xuống thấp, từng hạt mưa quất ràn rạt trên bong tàu. Giông biển đến bất ngờ và đi cũng bất ngờ. Qua hết vùng mây đen, tàu 561 lại tiếp tục di chuyển vào vùng biển sáng đầy nắng gió.

Đang trên hành lang ở phòng điều khiển, tôi chạy vào buồng lái tránh mưa. Ở đây, tôi hội ngộ với một người con quê hương Quảng Bình, thiếu tá Nguyễn Văn Quang đang điều khiển tàu 561. Thiếu tá Quang nhận ra tôi bởi tiếng Quảng Bình nằng nặng không lẫn vào đâu được. Anh bảo anh quê phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, đồng hương với anh hùng, liệt sỹ đảo Gạc Ma Trần Văn Phương. Anh hỏi tôi Báo Quảng Bình có ai tên Đoàn Tiến Hành không?

Ảnh 11 : Phút gặp gỡ đầy xúc động của những người lính trên cầu cảng đảo Trường Sa Lớn.
Phút gặp gỡ đầy xúc động của những người lính trên cầu cảng đảo Trường Sa Lớn.

Tôi trả lời có, hiện anh Đoàn Tiến Hành là họa sỹ trình bày báo. Thiếu tá Quang cười vui vẻ: “Gia đình mình bà con với anh Đoàn Tiến Hành”. Vậy là 20 ngày gắn bó với Tàu 561, tôi có đồng hương để tâm sự, chia ngọt sẻ bùi.

Thiếu tá Nguyễn Văn Quang sinh năm 1972, là con thứ hai trong gia đình có năm anh chị  em. “Năm 1994, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh lựa chọn được 40 người đào tạo đặc công nước ở Đoàn 126 (Ninh Thuận), mình là một trong số đó”- Thiếu tá Quang kể - “Đến năm 1996, biên chế về Trung đoàn 196 tàu ngầm, điều khiển Tàu B3-1 tải trọng 1.500 tấn. Năm 2011, khi tàu 561 hạ thủy ở Hải Phòng, mình trực tiếp đi nhận. Tàu 561 biên chế về Hải đội 411, Vùng IV Hải quân, mình về theo, gắn bó từ đó cho đến nay”.

Theo lời thiếu tá Quang: mỗi kíp trực lái tàu gồm 3 tiếng đồng hồ sau đó được nghỉ ngơi, 6 giờ sau thì trực lại, cứ luân phiên như thế trong suốt hải trình. Biển êm, tàu hiện đại, chuyển qua chế độ lái tự động, điều khiển cũng dễ dàng. Trường hợp biển động, sóng cấp 7, cấp 8, phải chuyển sang chế độ lái cơ. Người lái tàu phải căng mắt ra, gồng mình lên đưa tàu vượt sóng cả.

Đêm thứ hai trên biển trôi qua thật bình yên. Khi mọi người trên tàu chìm vào giấc ngủ muộn, Tàu 561 lặng lẽ lướt sóng trong màn đêm tĩnh mịch, chỉ nghe chút tiếng sóng âm âm vỗ vào thân tàu, đích đến Trường Sa Lớn. “Thủ đô” của Quần đảo Trường Sa càng ngày càng xích lại gần hơn.

Thanh Long

Kỳ 4: Lên đảo