.
Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7:

Hành trình về với mẹ - Bài 3: Marin và những câu chuyện liệt sỹ hồi hương

Thứ Năm, 24/07/2014, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Nguyễn Xuân Liên và thầy giáo Lý Quang Nhân khi trò chuyện cùng tôi thường hay nhắc đến Trung tâm Marin, nhắc đến cô gái mang tên Hằng với một tình cảm rất đặc biệt,  trìu mến. Và những ai trong cả nước quan tâm đến vấn đề tìm kiếm người thân- liệt sỹ bị thất lạc, đều biết đến Marin, biết đến Hằng. Marin chính là tên viết tắt của Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ với trang web nhantimdongdoi.org, còn Hằng là Phó giám đốc. Từ khi hình thành, Marin trở thành người bạn đồng hành của hàng nghìn gia đình thân nhân liệt sỹ.

>> Bài 2: Ngày về cuốn nhật ký thép của người con đất Cảng

>> Bài 1: Ông Liên "khùng" và ngày về của một liệt sỹ miền Nam sau 40 năm

Trang web nhantimdongdoi của Trung tâm Marin.
Trang web nhantimdongdoi của Trung tâm Marin.

Tôi gặp Ngô Thị Thúy Hằng tại thành phố Đồng Hới những ngày cuối tháng sáu qua sự kết nối của ông Nguyễn Xuân Liên, khi Hằng vừa kết thúc chuyến làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị quay ra.

Hằng bảo: “Mục đích chuyến đi lần này của Marin là đề nghị các ngành liên quan ở Quảng Trị khớp nối và điều chỉnh lại thông tin chính xác trên bia mộ cho 25 liệt sỹ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9, trong đó có 6 liệt sỹ quê quán Quảng Bình!”.

Ngô Thị Thúy Hằng sinh năm 1976, khi đất nước thống nhất trọn năm, khi nỗi đau, mất mát do bom đạn vơi dần. Nhưng có một nỗi đau khác lớn hơn, âm ỉ, rưng rức, lặng lẽ ẩn sâu sau những vùng, miền... là nỗi đau của hàng nghìn gia đình thân nhân liệt sỹ bị thất lạc. Chính bản thân Hằng, gia đình Hằng trọn nỗi đau đó khi người bác ruột liệt sỹ chống Pháp không biết nằm lại ở nơi nào của Tổ quốc.

Nhiều lần cô gái trẻ Ngô Thị Thúy Hằng lặn lội đi tìm mà vẫn bặt tin. “Làm gì cho mình và cho mọi người trong việc tìm kiếm thông tin liệt sỹ, tìm mộ người thân?” - Câu hỏi cứ ám ảnh lấy Hằng - “Trong khi đó, ngoài kênh thông tin chính thống của Nhà nước, hàng nghìn gia đình vì nóng lòng tìm kiếm liệt sỹ đã nhờ đến các nhà ngoại cảm để rồi chuyện thấy người thân của mình thì ít mà vấn đề tiêu cực, dở khóc dở cười ngày một nhiều thêm”.

Năm 2004, Ngô Thị Thúy Hằng cùng 8 sinh viên khoa Toán-Tin, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập trang web nhantimdongdoi.org, một trang web hoạt động tự phát dưới hình thức diễn đàn cung cấp thông tin về liệt sỹ. Tháng 3-2007, Trung tâm quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sỹ và người có công ra đời cũng do Hằng khởi xướng, chính thức tham gia vào các đợt quy tập, tìm kiếm liệt sỹ tại Quảng Trị.

Tháng 11-2012, Trung tâm quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sỹ và người có công được đổi tên thành

Phần mộ liệt sỹ Ngô Xuân Quế, quê quán xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 mà Ngô Thị Thúy Hằng phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Trị đang điều chỉnh thông tin.
Phần mộ liệt sỹ Ngô Xuân Quế, quê quán xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 mà Ngô Thị Thúy Hằng phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Trị đang điều chỉnh thông tin.

Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (viết tắt là Marin) thuộc Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, Bộ Tư pháp, do Đại tá Nguyễn Quốc Hưng làm Giám đốc, Ngô Thị Thúy Hằng giữ chức Phó Giám đốc điều hành.

Mục đích của Marin là chung tay cùng Đảng, Nhà nước xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sỹ thông qua tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các gia đình liệt sỹ trong việc tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sỹ và phần mộ liệt sỹ.

Hằng tâm sự với tôi: “Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, cả nước có 1,1 triệu liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện tại Marin thành lập một ngân hàng thông tin đầy đủ về 900.000 liệt sỹ và các phần mộ liệt sỹ an nghỉ tại 3.000 nghĩa trang toàn quốc. Mười năm kể từ ngày hình thành, Marin đã cung cấp thí điểm phần mộ liệt sỹ cho 1.000 gia đình ở tỉnh Nghệ An.

Cung cấp danh tính 900.000 liệt sỹ đầy đủ mọi thông tin về trường hợp hy sinh, nơi hy sinh, quê quán, cấp bậc, chức vụ, ngày hy sinh... và 300.000 phần mộ liệt sỹ đã được quy tập tại hai địa chỉ: nhantimdongdoi.org và lietsivietnam.org. Khớp nối thành công thông tin còn thiếu trên bia mộ cho hơn 250 liệt sỹ đang an nghỉ tại Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Phước...”

“Và điều bản thân em cũng như tập thể nhân viên Marin tâm huyết bao nhiêu năm trời là đã áp dụng công nghệ số lưu trữ thông tin và tri ân các anh hùng liệt sỹ để thực hiện thành công dự án xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ Việt Nam trực tuyến”. “Thêm một liệt sỹ được xác nhận nhân thân, trở về với gia đình là bớt đi một phần khổ tâm, cắn rứt của người thân, dòng họ, xã hội. Chúng ta bước thêm một bước mới trên con đường “góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh”, như tiêu chí Marin đặt ra từ những ngày đầu sơ khai cách đây 10 năm” - Hằng chia sẻ.

Phó giáo sư, tiến sỹ Văn Thị Kim Cúc, giảng viên khoa Tâm lý, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, con gái liệt sỹ Văn Đình Nhã (quê quán Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) kể: “Bố tôi mất, giấy báo tử ghi hy sinh tại mặt trận phía Nam. Mười năm trước tôi và gia đình đi tìm mộ, đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, thấy phần mộ bố đó nhưng không dám chắc khi trên bia mộ chỉ ghi đúng ngày tháng năm hy sinh, còn tên lót không trùng khớp, không có nguyên quán.

Trong mười năm, tôi chỉ quay lại một lần, cứ muốn khẳng định đó là bố, những vẫn sợ. Lỡ sai, nhầm lẫn, mình lại làm khổ thêm cho một gia đình khác. Thông qua Trung tâm Marin, đối chiếu thông tin từ giấy báo tử, dữ liệu Marin có, so sánh với thông tin từ Bộ Quốc phòng cung cấp, vị trí sơ đồ chôn cất thực tại... Sau mười năm, tôi và gia đình mới thanh thản nhận bố”.

Câu chuyện bà Văn Thị Kim Cúc kể khi bà cùng với Ngô Thị Thúy Hằng vào làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị những ngày cuối tháng 6 vừa rồi. Trong chuyến đi này, Marin còn khớp nối thành công thông tin đầy đủ trên bia mộ cho 24 liệt sỹ khác.

Câu chuyện về liệt sỹ Phạm Văn Từ, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình được gia đình tìm thấy tại tỉnh Quảng Nam cũng là một hành trình gian nan, vất vả. Liệt sỹ nhập ngũ năm 1968, khi còn học lớp 10. Sau năm 1975, không thấy anh trở về, gia đình khăn gói đi gõ cửa các cơ quan liên quan tỉnh Ninh Bình để hỏi thì hay tin Phạm Văn Từ đã hy sinh. Thông tin trên giấy báo tử chỉ ghi vẻn vẹn: liệt sỹ Phạm Văn Từ, chiến sỹ đơn vị P2, hy sinh ngày 20-12-1969 tại mặt trận phía Nam. Chính những thông tin quá ít ỏi, mù mờ này mà hành trình tìm mộ của gia đình gian nan lại càng gian nan hơn.

Đại diện Trung tâm Marin trao hài cốt liệt sỹ Mai Văn Nùng cho gia đình tại tỉnh Thanh Hóa.
Đại diện Trung tâm Marin trao hài cốt liệt sỹ Mai Văn Nùng cho gia đình tại tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 8-2013, em trai liệt sỹ Từ là Phạm Đức Khiết đến gõ cửa Trung tâm Marin. Qua tra cứu tại nguồn dữ liệu hơn 900.000 hồ sơ liệt sỹ, Marin thấy trong danh sách liệt sỹ tỉnh Ninh Bình lưu trữ tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình có tên liệt sỹ Phạm Văn Từ trùng khớp thông tin nhân thân, ngày nhập ngũ nhưng nguyên quán lại là thị trấn Nho Quan, khác với Khánh Cường, Yên Khánh ghi trên giấy báo tử. Tiếp tục truy cứu Trích lục hồ sơ quân nhân tại Bộ Quốc phòng, Marin xác định chắc chắn đây là liệt sỹ Phạm Văn Từ cần tìm, cần điều chỉnh lại thông tin nguyên quán chính xác là Khánh Cường, Yên Khánh.

Trích lục hồ sơ quân nhân ghi rõ: liệt sỹ Phạm Văn Từ thuộc đơn vị E31, F2, Quân khu 5; nơi hy sinh: thôn 2, Phước Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; ngày hy sinh: 1-9-1969 (chứ không phải ngày 20-12-1969, như trên giấy báo tử). Từ trích lục hồ sơ quân nhân, Marin đối chiếu nguồn thông tin thực tế các phần mộ liệt sỹ an nghỉ tại 3.000 nghĩa trang trong toàn quốc mà Trung tâm có được để rồi tìm thấy liệt sỹ Phạm Văn Từ tại phần mộ số 25, hàng 1, lô A, nghĩa trang liệt sỹ xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước. Qua một hành trình dài gian nan, với cách làm khoa học, chính xác của Trung tâm Marin, liệt sỹ Phạm Văn Từ nay đã về với  gia đình, quê hương mình.

“Đừng nói mà hãy làm!” - đó là lời đúc kết của Ngô Thị Thúy Hằng cùng các bạn trẻ tại Marin đang hàng ngày đồng hành trong cuộc tìm kiếm mộ liệt sỹ, Hằng bảo: “Mỗi phần mộ tìm thấy không chỉ niềm vui từ thân nhân gia đình mà còn là hạnh phúc bản thân, không thể nào cân, đong, đo, đếm được khi quyết định chọn cho mình con đường đi riêng để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc”.

Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ- Marin có địa chỉ tại: Phòng 801, nhà N4B, Khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Marin hiện tại đang thực hiện các dự án: phổ biến kiến thức tìm liệt sỹ; trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sỹ trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin trên bia mộ; xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ Việt Nam trực tuyến. Những ai quan tâm đến hoạt động của Marin hãy truy cập vào hai địa chỉ: nhantimdongdoi.org và lietsivietnam.org.

Ngô Thanh Long

Bài cuối: Trả lại đúng tên anh trên mộ chí