.

Bên kia cầu Quảng Hải - Bài 2: "Lên" thị xã-niềm vui và nỗi lo

Thứ Tư, 23/07/2014, 12:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 20-12-2013 Chính phủ ban hành Quyết định số 125/NQ-CP thành lập thị xã Ba Đồn. Đây là bước ngoặt lớn trên con đường xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Theo quyết định của Chính phủ, 9 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch và xã Quảng Hải thuộc thị xã Ba Đồn. Quả là vui bởi sau một đêm, người dân 10 xã vùng Nam bỗng thành dân thị xã. Vui thế, nhưng nỗi lo vẫn canh cánh bên lòng mỗi người dân nơi đây.

>> Bài 1: Một vùng đất khó

“Nắng” lên trên vùng đất khó

Trước khi điều chỉnh địa giới, huyện Quảng Trạch nằm ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình, là một huyện có quy mô lớn của tỉnh với diện tích tự nhiên 61.388,5ha và 210.738 nhân khẩu (tính đến ngày 31-12-2011) và 34 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Huyện có tiềm năng phát triển kinh tế, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Ba Đồn bao gồm: thị trấn Ba Đồn và phần mở rộng (5 xã Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Phúc thành 5 phường) đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV, có tốc độ phát triển đô thị hóa cao và 10 xã (Quảng Văn, Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Tân, Quảng Thủy, Quảng Sơn) với thế mạnh tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Các địa phương còn lại vẫn giữ nguyên địa giới hành chính như trước đây, thuộc huyện Quảng Trạch.

Có thể nói việc thành lập thị xã Ba Đồn là tiền đề pháp lý cho việc thiết lập bộ máy tổ chức quản lý theo mô hình đô thị, tạo điều kiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Vùng đất bên kia cầu Quảng Hải.
Vùng đất bên kia cầu Quảng Hải.

Theo đó, đây là một điều kiện thuận lợi đối với Quảng Hải và 9 xã vùng Nam sông Gianh. Ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết thêm: Trước đây, huyện Quảng Trạch có 34 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi chia tách, thị xã Ba Đồn có 16 đơn vị hành chính cấp xã, như vậy phạm vi quản lý hẹp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của UBND thị xã, UBND các xã, phường sâu sát hơn. Công việc cán bộ cần giải quyết có phần giảm hơn so với trước, nên sẽ chú trọng, quan tâm đến đời sống của người dân.

Hơn nữa, khi thành lập thị xã thì sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đô thị nhằm giải quyết được những vấn đề đang “nóng”, tạo việc làm cho người dân, xây dựng cở sở hạ tầng... Thí dụ như trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm UBND thị xã Ba Đồn đề ra là: Tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển TTCN-ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015; Tích cực kêu gọi các dự án đăng ký vào sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, khôi phục các làng nghề truyền thống (như làng nghề mây xiên Quảng Văn); Phát huy hiệu quả dự án nuôi tôm công nghiệp Quảng Hải, xây dựng các công trình trên địa bàn, nhất là Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A, điện nông thôn...

Những nỗi lo khi “lên” thị xã

Bên cạnh niềm vui “lên thị xã”, người dân Quảng Hải và 9 xã vùng Nam sông Gianh cũng lắm nỗi lo. Theo ý kiến lãnh đạo của nhiều xã thì các thủ tục hành chính như nhập khẩu, tách khẩu... đã ảnh hưởng nhiều đến người dân. Trước đây, khi chưa chia tách huyện thì các thủ tục nhập khẩu, tách khẩu đều được tiến hành ở công an xã. Nhưng khi lên thị xã thì theo Luật Cư trú, người dân phải lên Công an thị để giải quyết. Điều đó đã ảnh hưởng nhiều đến công sức, tiền bạc, thời gian của người dân khiến họ lo lắng, đặc biệt là những người dân sống xa khu vực trung tâm.

Một vấn đề khác mà nhiều người dân 10 xã vùng Nam sông Gianh (tính cả Quảng Hải) còn băn khoăn là những chế độ đối với vùng được hưởng chính sách xã khó khăn. Khi chưa tách huyện, cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên ở các xã khó khăn như Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Hải, Quảng Văn... đều được hưởng chế độ 116 đối với xã khó khăn. Học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí. Đối với học sinh THPT được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực xã khó khăn. Nay thuộc thị xã sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Anh Thêm, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc tâm sự: Qua nắm bắt tâm lý chung, người dân rất vui và phấn khởi khi các xã vùng Nam sông Gianh được "lên" thị xã. Song bên cạnh niềm vui cũng còn nhiều lo lắng như sợ sẽ bị cắt các chính sách ưu tiên trước đây.

Giải đáp nỗi lo trên, ông Đoàn Minh Thọ, Chánh Văn phòng UBND thị xã Ba Đồn cho biết: Các cán bộ, giáo viên vẫn được hưởng chế độ 116 như trước đây và các chính sách đối với xã khó khăn vẫn được duy trì thực hiện.

Người dân xã Quảng văn vẫn giữ nghề truyền thống nón lá.
Người dân xã Quảng văn vẫn giữ nghề truyền thống nón lá.

Anh Dương Ngọc Tú, Tổ trưởng tổ Hành chính-Tổng hợp, Phòng Giáo dục- Đào tạo thị xã Ba Đồn cho biết thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 06/2014/TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Trong đó có những chính sách ưu tiên áp dụng cho học sinh xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 theo quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Như thế, sau khi thuộc thị xã, chế độ học hành cho học sinh của những xã khó khăn vẫn không có gì thay đổi đến hết năm 2014.

Tiếp xúc với nhiều người dân vùng Nam, chúng tôi vẫn thấy hiện hữu trên khuôn mặt họ bao nỗi ưu tư. Nhiều người suy tính: Trên thực tế, 10 xã vùng Nam sông Gianh vẫn còn nhiều xã khó khăn, đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông. Khi "lên" thị xã, điều kiện sống và sinh hoạt cũng như thu nhập của người dân chưa có gì thay đổi nhưng mọi khoản đóng góp, giá cả, thuế, phí... sẽ tăng theo khung giá mới áp dụng cho khu vực thành thị. Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, việc chi phí mọi mặt phải tăng thêm trong khi thu nhập không tăng đã khiến nhiều người dân các xã khó khăn phải suy nghĩ và canh cánh nỗi lo là điều dễ hiểu.

Đang vui với chuyện hôm nay, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Mai Trung Kiên bỗng trầm hẳn xuống: Nền kinh tế chung đang khó khăn nên chuyện làm kinh tế ở các xã vùng nam sông Gianh càng bức bối. Người dân ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên khó để phát triển kinh tế. Nghe đâu, có dự án quy hoạch bãi rác thị xã nằm ở thôn Thọ Hà (thôn Thọ Hà tách biệt với xã bởi sông Rào Nan), nếu như vậy sẽ kéo theo dự án cầu được xây dựng, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được triển khai...

Trên nấc thang mới “lên” thị xã, mặc dầu vẫn chưa thay đổi rõ nét và còn lắm những khó khăn nhưng người dân nơi đây với bản lĩnh kiên trung, chịu thương chịu khó vẫn kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng trên mảnh đất này.

Nguyễn Lê Minh