.

Hành trình về với mẹ - Bài 2: Ngày về cuốn nhật ký thép của người con đất Cảng

Thứ Tư, 23/07/2014, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1968, tại một xóm nghèo ven thị xã Đồng Hới có một đại đội pháo cao xạ từ miền Bắc hành quân vào Nam. Họ đóng quân trong xóm. Ngày đó, xóm nghèo có cậu học trò tên Lý Quang Nhân mới học cấp hai rất say mê đọc sách. Trước khi đại đội tiến sâu vào phía chiến trường, Chính trị viên đại đội tìm Nhân, trao cho cậu một cuốn nhật ký bìa bọc vải bảo: “Cháu giữ lấy, các chú đi B chẳng biết sống chết thế nào. Đây là cuốn nhật ký đồng đội chú vừa hy sinh. Sẽ có ích cho cháu vì trong đó chứa đầy chất thép. Sau này hòa bình, cháu cố gắng tìm cách trao lại cho gia đình người đã khuất…".

>> Bài 1: Ông Liên "khùng" và ngày về của một liệt sỹ miền Nam sau 40 năm

Di ảnh liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng.
Di ảnh liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng.

Một ngày tháng 7, trong ngôi nhà nhỏ nằm gần cầu vượt đường sắt, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, cậu học trò năm nào bây giờ là thầy giáo Lý Quang Nhân, giáo viên Trường THCS số 1 Nam Lý cho chúng tôi xem bản sao cuốn nhật ký thép của tác giả - liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng. Ông cho biết: “Bản gốc, tôi đã trực tiếp trao lại cho gia đình liệt sỹ Hùng rồi!”. Như khơi đúng dòng xúc cảm, ông giáo bắt đầu kể về cuốn nhật ký, về liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, về hành trình long đong dài quá nửa đời người mới được trở về với thân nhân liệt sỹ...

Thông qua cuốn nhật ký, chúng tôi biết Lưu Mạnh Hùng, cấp bậc hạ sỹ quan, pháo thủ số 4, Đại đội 3, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 282 pháo cao xạ. Anh cũng như thế hệ thanh niên cùng thời ra trận, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc với một tinh thần lạc quan diệu kỳ xen lẫn chút lãng mạn cách mạng. Nhiều người trong số họ nằm lại tại các chiến trường, thế hệ sau này biết họ sống, chiến đấu, suy nghĩ như thế nào trước lúc hy sinh đều qua những cuốn nhật ký: nhật ký Nguyễn Văn Thạc, nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Kỳ Sơn, nhật ký Lê Binh Chủng...

Riêng Lưu Mạnh Hùng, từng trang nhật ký của anh chứa đầy chất thép với hàng loạt trích dẫn chính xác những câu nói của các vĩ nhân, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước và thế giới: Các Mác, Ăng Ghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Puskin, Lev Tolstoy, Axtoropxki, Tố Hữu, Xuân Diệu, Quang Dũng, Tế Hanh... Mở đầu cuốn nhật ký, anh viết: “Người chiến sỹ cách mạng chẳng khác nào người vượt đại dương trong mưa bão, đi chịu đựng không hề xuýt xoa run rẩy mới tới được chân trời nắng ấm”.

Đi B... chiến trường ngày càng ác liệt với mức độ đánh phá dày đặc của không quân Mỹ, giữa ranh giới cái sống và cái chết, Lưu Mạnh Hùng ví cuốn nhật ký như người bạn tri giao, để tự động viên, khích lệ mình: “Hùng ạ! Cần vững vàng hơn và rắn rỏi hơn nữa vì đời sống hằng ngày nó có theo ý muốn của chúng ta đâu. Nếu ta không biết mang ý chí của ta chiến thắng nó thì ta sẽ qụy ngã và đưa đến cho ta những sự việc mà ta không muốn. Tuổi trẻ chúng ta còn dài, đời chúng ta rất trẻ, xã hội ta ngày một đi lên tươi thắm hơn, hạnh phúc hơn...”. 

Khi nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lưu Mạnh Hùng sáng tác những vần thơ có thép: “Nghe lời Cha: Cho dù nắng cháy thịt da/ Hun bỏng nòng súng thép/ Hay những cơn mưa gió rít/ Với những chặng đường xa/ Con vẫn vui với những bản hùng ca. Nghe lời Cha: Con muốn là Thánh Gióng/ Vút bổng trời cao kéo quạ Mỹ lật nhào. Nghe lời Cha: Con muốn là viên gạch/ Xây nên nhiều nhà máy, lò cao. Nghe lời Cha: Con muốn là dòng nước/ Chảy theo kênh tưới mát ruộng vườn/ Con muốn là viên đạn thép bọc đồng/ Hay là viên đạn phá/ Nhằm thẳng quân thù còn sáng rực không trung. Nghe lời Cha: Trái tim con với quân thù là đá/ Với nhân dân con là cả tình thương...”

Thầy giáo Nhân trao lại cuốn nhật ký cho ông Lưu Phong Sắc  sau 45 năm ở lại với đất lửa Quảng Bình.
Thầy giáo Nhân trao lại cuốn nhật ký cho ông Lưu Phong Sắc sau 45 năm ở lại với đất lửa Quảng Bình.

Lưu Mạnh Hùng viết về quê hương, lời thơ liệt sỹ để lại làm bằng, nhờ đó sau này ông giáo Lý Quang Nhân cùng những người tâm huyết theo dấu mà tìm được gia đình liệt sỹ: “Bãi biển Đồ Sơn phải không anh? Hay cửa Nam Triệu nước biển xanh/ Gió thổi, sóng cồn, phi lao lượn/ Ngắm biển nơi đây nhớ quê mình/ Quảng Bình hải cảng cách bao xa/ Gần xa đâu cũng nước non nhà/ Mà sao đây vắng thuyền qua lại/ Thiếu tiếng còi tàu lúc vào ra/ Tôi hiểu lắm rồi biển yêu ơi/ Hạm tàu của giặc để ngoài khơi/ Tháng ngày câu pháo vào ven biển/ Làm bẩn hàng dương, đục biển trời”...

Liệt sỹ hy sinh trong một trận đánh tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh ngày 26-5-1968. Và đây là câu chuyện thầy giáo Lý Quang Nhân tìm thông tin về liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng qua cuốn nhật ký, ông kể: “Kỷ vật của liệt sỹ được tôi cất giữ, đồng hành cùng tôi vào đại học, về công tác tại Quảng Trị, Quảng Bình. Thời gian tính từ khi anh Hùng mất, đến khi cuốn nhật ký về với gia đình tại Hải Phòng đúng 45 năm. 45 năm, chất thép ở đó nuôi dưỡng tâm hồn tôi và cả một thế hệ như chúng tôi, những người đọc qua nhật ký. Tôi đọc cho học sinh nghe những dòng chữ thép giúp các em hiểu hơn về một thời hoa lửa, có những người sống với lý tưởng, hoài bão lớn lao, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng”

Nhớ lời người chính trị viên đại đội năm xưa, thầy giáo Lý Quang Nhân tìm mọi cách xác minh quê hương liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng: “Tôi tìm xuống Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội đề nghị giúp đỡ, viết thư gửi Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội Hải Phòng vì tôi khẳng định chắc chắn liệt sỹ Hùng quê ở Hải Phòng nhưng bặt vô âm tín. Ngày 14-7-2013, tôi nhờ thầy giáo phụ trách tin học của trường đăng tải thông tin kèm một số hình ảnh về cuốn nhật ký trên các trang mạng: nhantimdongdoi.org, haylentieng.vn, trianlietsy.vn...

Bốn ngày sau 18-7, tôi nhận một cuộc điện thoại của cô gái tên Hằng. Hằng giới thiệu Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (viết tắt là Marin), người đồng sáng lập ra trang web “Nhắn tìm đồng đội” tại địa chỉ nhantimdongdoi.org. Cái quan trọng nhất, ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua là Hằng bảo từ dữ liệu lưu trữ của Marin, đã khớp nối thành công và tìm được gia đình liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng”.

Hạnh phúc đến đầy bất ngờ với ông giáo Lý Quang Nhân, được sự giúp đỡ của Marin, ngày 18-7- 2013, ông trân trọng mang cuốn nhật ký từ thành phố Đồng Hới xuôi ra Bắc. Ngày 23-7, sau 45 năm lưu lạc, kỷ vật liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng trở về với gia đình tại phường Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Ông Lưu Phong Sắc, 86 tuổi, bố liệt sỹ nghẹn lời trong giây phút đón nhận kỷ vật của người con trai.

Từ đây, thông tin về liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng sáng tỏ qua lời kể ông Lưu Phong Sắc: “Hùng sinh năm 1945, anh cả trong gia đình gồm 6 anh chị em. Học hết lớp 5, Hùng tham gia thanh niên xung phong, sau đó về làm công nhân tại Sở Thủy lợi Hải Phòng. Tháng 4-1965, Hùng giấu gia đình viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày lên đường, mẹ Hùng dúi vào tay con ít tiền nhưng Hùng nhất khoát: bố mẹ an tâm, con có quân đội lo. Bố mẹ ở nhà ráng nuôi các em ăn học nên người. Hết chiến tranh, con lại về phụng dưỡng bố mẹ. Nó ra đi mãi mãi vào cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc như thế đó!”.

Nghĩa trang liệt sỹ xã An Ninh, nơi liệt sỹ Hùng an nghỉ.
Nghĩa trang liệt sỹ xã An Ninh, nơi liệt sỹ Hùng an nghỉ.

Cũng từ hành trình trở về của cuốn nhật ký thép, công việc tìm nơi an nghỉ liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng bắt đầu xúc tiến bắt đầu từ trận đánh không cân sức giữa Đại đội anh với hàng chục máy bay Mỹ tại xã An Ninh sáng ngày 26-5-1968. Mộ Lưu Mạnh Hùng hiện tại nằm ở nghĩa trang liệt sỹ xã An Ninh.

Tôi tìm gặp mệ Xệu (tên thật là Trần Thị Đáp, mọi người gọi mệ theo tên con trai đầu là Xệu) 94 tuổi, ở thôn Kim Nại. Mệ Xệu nguyên cán bộ phụ nữ xã An Ninh, người trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của Lưu Mạnh Hùng và đồng đội. Sau đó cũng chính một tay mệ chăm sóc, hương khói 4 phần mộ liệt sỹ trong trận đánh này.

Nhắc lại câu chuyện đau thương 46 năm về trước, mệ Đáp không cầm được nước mắt: “Sáng đó, chị em phụ nữ đang gặt lúa thì thấy từng đàn máy bay Mỹ đến cắt bom vào trận địa pháo cao xạ. Các loại súng phòng không, súng bộ binh của quân ta đồng loạt đáp trả. Chừng 12 giờ trưa thì địch rút quân. Mệ cùng mọi người chạy lên nhà thôn thì chứng kiến một cảnh rất thương tâm, chú Khang, chú Cảnh (người Hà Tây) đã chết. Chú Hùng bị thương vào cổ, mọi người tập trung băng bó nhưng cũng không qua khỏi. Chú Duy (người Nam Hà) chuyển xuống bệnh viện 112 đóng tại Hoành Phổ, 3 ngày sau thì mất. Xã An Ninh tổ chức an táng cho các chú ấy chu đáo lắm. Và mệ được địa phương cử ra chăm sóc 4 ngôi mộ ấy mà!”.

“Đau lòng lắm! Nhắc lại trường hợp chú Hùng, mệ thấy có lỗi với gia đình, với hương hồn chú ấy. Hòa bình, 3 liệt sỹ Khang, Cảnh, Duy đều tìm về với quê hương. Ngày quy tập đưa chú Hùng lên nghĩa trang xã, mệ dặn với mọi người: mộ ni là mộ chú Hùng Hải Phòng, bây viết tên viết tuổi đánh dấu lại cho đàng hoàng không khéo thì bị thất lạc đó. Dặn dò kỹ rứa mà... Khi mệ chạy lên nghĩa trang, hỏi mọi người cái tiểu chú Hùng mô, mọi người ngơ ngác kiếm tìm. Hàng trăm tiểu sành xi măng sắp hàng giống nhau tăm tắp... mấy người đưa chú Hùng lên ai nấy cúi đầu, không nghe lời mệ đánh dấu thì biết tìm Hùng ở  mô. Mệ đắng nghẹn, khóc rưng rức... Nằm nơi nghĩa trang thôn tên tuổi đàng hoàng, nay về nơi ở mới, chỉ một chút vô tâm thôi mà thành vô danh... Hùng ơi!”.

Không ai bảo ai... những người thân liệt sỹ Hùng không nỡ trách cứ chi mệ. Chỉ có mệ tự vấn lương tâm... lại trách  mình. Một nén hương thắp chung cho các liệt sỹ an nghỉ tại nghĩa trang xã An Ninh. Lời mệ Trần Thị Đáp với vọng: “Hùng ơi! Con không về được với gia đình. Nhưng con nằm lại với Quảng Bình, ở đây còn có mẹ. Thì nơi mô trên đất nước Việt Nam ni cũng là đất mẹ phải không con!?”

Ngô Thanh Long

Bài 3: Marin và những câu chuyện liệt sỹ hồi hương