.
Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7:

Hành trình về với mẹ - Bài 1: Ông Liên "khùng" và ngày về của một liệt sỹ miền Nam sau 40 năm

Thứ Ba, 22/07/2014, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cả nước có 1,1 triệu liệt sỹ. Trong số đó nhiều người chưa tìm thấy tên, thấy tuổi, thấy quê hương. Các anh, các chị nằm lại trên khắp chiến trường, trong 3.000 nghĩa trang cả nước cùng một cái tên chung nhói lòng “Liệt sỹ chưa biết tên”. Với riêng Quảng Bình “đất lửa”, các anh, các chị đến, sống chiến đấu rồi hy sinh. Đất Quảng Bình ôm trọn vào lòng. Sau ngày thống nhất non sông, từ Quảng Bình đã có không ít những liệt sỹ tìm về được quê hương. Tháng 7, tấm lòng người đang sống khôn nguôi ray rứt: “Có bao giờ quên được đồng đội ơi/ Mộ phần các anh ở nhiều vùng đất nước/ Dẫu những mộ phần chúng tôi chưa tìm được/ Đất nơi nào cũng là đất quê hương”. Và tôi... cơ duyên cho chứng kiến những chuyến trở về với mẹ của những người nằm xuống trên quê hương Quảng Bình.

Bến phà Xuân Sơn, bến phà Long Đại (Quảng Ninh) và bến phà Thác Cóc (Lệ Thủy) là 3 trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến đường 15 từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quan (Quảng Trị). Khi đường 20- Quyết Thắng chọc thủng Trường Sơn thông sang Lào, bến phà Xuân Sơn càng có vai trò cực kỳ quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ đường 15 lên đường 12A vượt khẩu; từ đường 15 đến đường 20 sang Khăm Muộn (Lào). Đế quốc Mỹ tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm khống chế phà Xuân Sơn. Tham gia bảo vệ phà gồm bộ đội công binh Lữ 249, TNXP, dân quân du kích địa phương...

Để phà Xuân Sơn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, máu của hàng trăm anh hùng liệt sỹ hòa cùng sắc đỏ nước sông Son. Và câu chuyện tôi kể, xin tri ân đến một người con quê Bến Tre, hy sinh trên bến phà Xuân Sơn vào trưa ngày 16-5-1968. 40 năm sau, ông mới tìm được đường về quê mẹ.

Liệt sỹ tên Nguyễn Chí Phán, quê quán xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cán bộ miền Nam tập kết. Ông Phán từng được cử đi học tại Trường quân sự tại Liên Xô, sau đó về làm cán bộ giảng dạy tại Trường đào tạo sỹ quan công binh. Những năm 1967-1968, tại bến phà Xuân Sơn, đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng một loại vũ khí mới phong tỏa dày đặc trên dòng sông Son gây cho ta nhiều thiệt hại về người và phương tiện, bom từ trường. Năm 1967, ông Nguyễn Chí Phán được Ban chỉ huy Lữ đoàn công binh 249 cử vào phà Xuân Sơn nghiên cứu thực tế để tìm ra cách phá bom từ trường.

Đưa liệt sỹ Nguyễn Chí Phán về với quê hương Bến Tre sau 40 năm.
Đưa liệt sỹ Nguyễn Chí Phán về với quê hương Bến Tre sau 40 năm.

Đồng đội liệt sỹ Nguyễn Chí Phán kể lại rằng: Vào cái ngày định mệnh đó, ông với một cán bộ công binh cùng đơn vị đã tháo thành công một quả bom từ trường, ghi hết tất cả các thông số kỹ thuật cẩn thận vào sổ nhật ký rồi nhưng ông bảo thấy thiêu thiếu một chi tiết nào đó. Tiểu đội công binh trực phà đang chuẩn bị giờ cơm trưa trong một chiếc hang kế bên sông Son, cách bến phà khoảng chục mét, hai cán bộ công binh được mọi người yêu cầu nghỉ tay vào ăn cơm. Chỉ chút khoảng khắc... tiếng nổ xé toang không gian khô khốc nắng khét mùi bom đạn.

Đồng đội, nhân dân xã Sơn Trạch làm lễ an táng hai liệt sỹ nơi nghĩa trang của xã. Sau nhiều lần cất bốc, quy tập hai người thất lạc nhau, liệt sỹ Nguyễn Chí Phán về Nghĩa trang Ba Dốc nhưng tên lót thì bị thay đổi từ Nguyễn Chí Phán thành Nguyễn Thế Phán. Ông nằm nơi Nghĩa trang Ba Dốc với đồng chí, đồng đội hàng ngang, hàng dọc đều tít tắp như phút giây điểm danh trước giờ bước vào trận đánh... cứ thế... cứ thế, thời gian vút trôi qua 40 năm.

Và ở phía miền Nam, có hai người phụ nữ ngày ngày ngóng tin chồng, tin cha mà vẫn bặt vô âm tín nếu họ không gặp được ông Nguyễn Xuân Liên ở Quảng Bình. Mọi người biết đến ông với cái biệt danh ông Liên “khùng”. Khùng vì đang yên ấm cùng gia đình tại Hà Nội, ông bán hết nhà cửa, tài sản vào Quảng Bình phục dựng lại nguyên trạng một ngôi làng thời chiến tranh chống Mỹ tại Vực Quành (xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới). Khùng! khi ngày ngày trên chiếc xe máy cà tàng ông tìm đến tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh Quảng Bình ghi chép hết tất mọi thông tin liệt sỹ rồi gửi cho trang web nhantimdongdoi.org, gửi Đài  Tiếng nói Việt Nam, gửi đến các Sở Lao động - Thương binh - Liệt sỹ khắp nước có người hy sinh tại Quảng Bình... Con số liệt sỹ ghi chép trong dữ liệu ông Liên “khùng” lên đến 4.300 địa chỉ. Hàng trăm người trong số ấy qua “nhịp cầu tri ân” của ông Liên “khùng” đã tìm về với gia đình, người thân, quê hương bản quán.

Thông tin về liệt sỹ Nguyễn Chí Phán được ông Liên “khùng” gửi cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Tình cờ trong chương trình phát sóng “Nhắn tìm đồng đội” tháng 11- 2007, bà Lữ Thị Tùy, 63 tuổi, trú tại phường Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), vợ liệt sỹ Nguyễn Chí Phán nghe được. Thời khắc đó, sau này bà Tùy viết lại trong bức thư gửi cho ông Nguyễn Xuân Liên: “Thông tin đọc trên sóng vô tuyến tất cả đều trùng khớp với giấy báo tử, hy sinh tại phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày hy sinh 16-5-1968. Quê quán xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, chỉ sai có tên đệm từ “Chí” sang “Thế”.

Chị Nguyễn Thị Thắm, con gái duy nhất của liệt sỹ đưa bố về với quê hương.
Chị Nguyễn Thị Thắm, con gái duy nhất của liệt sỹ đưa bố về với quê hương.

Nhưng dù thế nào đi nữa qua Tết Nguyên đán, gia đình sẽ tìm ra Quảng Bình”. Ông Nguyễn Xuân Liên đem khớp những thông tin mình và bà Tùy cung cấp với thông tin lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh... tất cả trùng khớp. Cái tên đệm bị sai trong quá trình quy tập đưa ông  Nguyễn Chí Phán từ nghĩa trang liệt sỹ xã Sơn Trạch về Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền, từ quê hương của nữ tướng Nguyễn Thị Định gắn với phong trào “Đồng khởi” giai đoạn 1959-1960, ông Nguyễn Chí Phán tạm biệt gia đình, quê hương cùng đồng đội xuống tàu tập kết ra miền Bắc. Xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ còn lắm chông gai và lâu dài, nhằm đào tạo ra một thế hệ cán bộ quân đội trình độ giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến trường, cấp trên cử ông Phán sang đào tạo tại Liên Xô. Trở về nước, ông tham gia giảng dạy tại Trường đào tạo sỹ quan công binh.

Liên tục gặp thất bại trên khắp chiến trường Đông Dương, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh ra miền Bắc, tập trung đánh phá hủy diệt các tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam bằng các phương tiện, vũ khí tối tân và hiện đại nhất lúc bấy giờ. Từ năm 1967 trở đi, đế quốc Mỹ sử dụng bom từ trường cùng với thủy lôi, bom nổ chậm... phong tỏa tại các cửa sông, cửa biển, bến phà, đường sá tại miền Bắc, trong đó có tuyến lửa Quảng Bình. Bom từ trường ngập bến phà Xuân Sơn, hoạt động chi viện trên các tuyến đường qua 12A, đường 20, đường 15 bị đình trệ. Để tìm ra cách phá bom từ trường hiệu quả, ông Nguyễn Chí Phán được điều động vào Quảng Bình rồi anh dũng hy sinh trưa ngày 16-5-1968.

Bà Lữ Thị Tùy quê gốc ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ông bà gặp nhau, nên duyên chồng vợ nơi đất Bắc. Ngày ông lên đường vào Quảng Bình, bà Tùy đang mang giọt máu của ông trong bụng, vẫn chưa biết trai hay gái. Sau này bà Tùy sinh con gái, được 7 tháng thì nhận giấy báo tử gửi về báo tin ông mất. Người con của hai ông bà tên Nguyễn Thị Thắm, bây giờ đã 57 tuổi. Năm 2008, thân nhân trong gia đình liệt sỹ Nguyễn Chí Phán đến Quảng Bình. Họ cùng ông Nguyễn Xuân Liên và một số CCB Lữ đoàn công binh 249 đi thăm chiến trường xưa- phà Xuân Sơn nơi ông hy sinh vào một ngày tháng 5 nắng rát. Họ xin phép tỉnh Quảng Bình được đón người chồng, người cha trở về quê hương sau một chuỗi hành trình đằng đẳng 40 năm tìm kiếm, đợi chờ trong nước mắt, trong mòn mỏi.

Liệt sỹ Nguyễn Chí Phán về đến quê hương An Thới đúng 0 giờ ngày mùng tám tháng giêng năm Mậu Tý, nhằm ngày 14-2-2008 sau 54 năm ông xa quê và 40 năm ngày ông hy sinh trên đất lửa Quảng Bình. Những ngày tháng 7 này, tôi trở lại thăm phà Xuân Sơn một thời lửa đạn, nay bến xưa hoang hoải ngập trong cỏ dại ngùi ngùi.

Sông Son an bình, nước ngát xanh in bóng dáng núi vào lòng. Tôi nhờ người chèo đò sang phía bờ bắc, nơi ngày xưa liệt sỹ Nguyễn Chí Phán và người đồng đội hy sinh khi cùng nhau mở bom từ trường. Đó là một vòm hang sát cạnh sông Son, nay bị đá chèn kín miệng. Ông lái đò thì ra là con trai của cụ Nguyễn Văn Thới, nguyên Đại đội phó dân quân du kích xã Sơn Trạch khi xưa, nay khuất núi. Biết tôi đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ an nghỉ nơi bến phà Xuân Sơn, ông phụ tôi thắp lửa.

Tháng 7... khắp dải đất hình chữ S thân thương, hoa và nhang thơm triệu triệu người dân Việt kính cẩn dâng lên các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngô Thanh Long

Bài 2:  Ngày về cuốn nhật ký thép của người con đất Cảng