.

Một thoáng Hàn Quốc - Kỳ 2: Cô dâu Việt ở xứ Hàn

Thứ Hai, 07/07/2014, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Mai Ngọc Hải, cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam tại Busan, Hàn Quốc cho biết những năm gần đây con trai Hàn Quốc có xu hướng ra nước ngoài tìm vợ ngày càng tăng, nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Phi-líp-pin, Thái Lan... Hiện tại ở Hàn Quốc có khoảng 50 nghìn cô dâu người Việt có chồng là người Hàn. Cuộc sống của gia đình chồng Hàn vợ Việt tương đối ổn định, hạnh phúc, tỷ lệ ly hôn rất thấp.

>> Kỳ 1: Người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

Trong thời gian ở Hàn Quốc chúng tôi được lãnh sự quán Việt Nam tại Busan, Hàn Quốc, tạo điều kiện cho thăm thành phố Jusu, cách xa thủ đô Seoul hơn 3 giờ đi tàu cao tốc. Thành phố này có quy mô nhỏ trực thuộc tỉnh Kangwon, một trong những  nơi có rất nhiều cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc.

Cô dâu đầu tiên mà chúng tôi gặp quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có tên Nguyễn Thị Quế. Cô và chồng tiếp chúng tôi trong ngôi nhà riêng khá xinh xắn. Người chồng nói được một ít tiếng Việt giao tiếp chào hỏi, còn cô nói tiếng Hàn khá thạo.

Cô kể: chồng của cô hiền lắm, lúc cưới cô ông chồng đã 42 tuổi, hơn cô 19 tuổi, cưới nhau sau một năm họ đã có một cháu bé gái rất xinh xắn. Việc cô được làm dâu ở xứ Hàn hoàn toàn do sự sắp xếp tình cờ của một trung tâm môi giới hôn nhân người nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Chồng của cô đã thông qua công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc, có được cô qua tấm ảnh và vài dòng giới thiệu sơ sài do công ty này cung cấp. Sau đó ông sang Vĩnh Long để làm các thủ tục kết hôn và tổ chức lễ cưới.

Ngày mới sang đây cô đã học sơ qua lớp tiếng Hàn 3 tháng do trung tâm môi giới hôn nhân đào tạo, nhưng cũng chỉ biết vài câu giao tiếp thông thường bằng tiếng Hàn, nhưng dần dần cô đã cố gắng tìm hiểu nên đến nay tự đi chợ, mua bán được với người địa phương mà không cần người trợ giúp. Cuộc sống của vợ chồng cô và đứa con gái 2 tuổi khá hạnh phúc, đầm ấm. Quế thổ lộ mỗi tháng từ tiền cô làm thêm và nhờ sự hỗ trợ của chồng nên đều đặn đã tiết kiệm được vài trăm đô (USD) gửi về phụ giúp gia đình.  

Một điểm vui chơi cuối tuần ở Busan.
Một điểm vui chơi cuối tuần ở Busan.

Quế cho biết, hầu hết các cô dâu Việt ở thành phố này đều thông qua công ty môi giới hôn nhân. Ở trong thành phố có công ty mai mối Sejang, do ông Cho Sou-yong, giám đốc, đã mai mối cho các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn và phụ nữ Việt trong suốt 16 năm qua. Thành phố có khoảng 300 cô dâu Việt sinh hoạt trong Hội người Việt tại thành phố; phần lớn các cô dâu đến từ khu vực miền Tây Nam bộ, nhiều làng con gái rủ nhau cùng sang đây lấy chồng, có gia đình 2 chị em gái, thậm chí có một gia đình ở thành phố Cần Thơ có 4 chị em gái đều làm dâu xứ Hàn, cùng ở trong thành phố này.

Thông thường trong các cuộc hôn nhân qua công ty mai mối, đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ Việt Nam thường trao đổi trước thông tin lý lịch với nhau. Sau đó, đàn ông Hàn Quốc tới Việt Nam chọn cô dâu. Nếu bố mẹ cô dâu chấp nhận cho họ cưới, cặp đôi sẽ tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn sau khi kiểm tra sức khỏe. Người đàn ông thường trở lại Hàn Quốc làm việc, còn cô dâu ở lại và đợi visa F-6 (visa dành cho vợ/chồng ngoại quốc), sau vài tháng mới sang. Số tiền mà chàng trai Hàn Quốc chi phí cho một cuộc hôn nhân khoảng 20.000-25.000 USD (tương đương 400-500 triệu đồng) tất cả đều thông qua công ty môi giới. Gia đình cô dâu chỉ nhận được một số rất ít trong đó, thông thường khoảng vài chục triệu đồng.

Ông Hải cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam tại Busan cho biết, đa số cô dâu Việt  thương yêu tôn trọng gia đình chồng, làm việc chăm chỉ, có nhiều cô dâu Việt khá thành đạt nơi đất khách quê người. Điển hình như cô dâu người Việt, Ngô Ngọc Lan năm nay 32 tuổi, cô đã có gia đình và một cậu con trai đáng yêu chuẩn bị vào lớp 1.

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, cô Ngô Ngọc Lan rất nhanh nhẹn và yêu thích học tiếng nước ngoài từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô quyết định tiếp tục theo ngành đã chọn thi vào khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Đại học quốc gia Hà Nội. Cô là một sinh viên rất năng động. Sau khi tốt nghiệp, cô được một công ty tại Hàn Quốc tuyển dụng với vị trí phiên dịch. Ngọc Lan thu xếp sang Hàn Quốc làm việc với nhiều háo hức và quyết tâm hết mình. Chính tại nơi đây cô đã gặp người bạn trai bản xứ hơn cô 5 tuổi. Anh rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên gặp một người Việt Nam, hơn nữa là một cô gái mới sang Hàn Quốc chưa lâu mà lại nói tiếng Hàn giỏi đến thế.

Rồi từ chỗ để ý, họ phải lòng nhau lúc nào không biết. Hai vợ chồng cô sống tại Gyong-san, nơi có rất nhiều người Việt sinh sống. Họ nhanh chóng chào đón sự ra đời của cậu con trai đầu lòng. Cô luôn cố gắng hết mình trong cuộc sống. Khi con trai lên 2 tuổi, cô bắt đầu đi làm lại như một thông dịch viên tại công ty Samsung.

Cô Ngô Ngọc Lan có được sự may mắn so với nhiều người phụ nữ Việt khác tại Hàn Quốc, không chỉ bởi cô có vốn tiếng Hàn giỏi, mà còn bởi được chồng và những người trong gia đình ủng hộ giúp đỡ rất nhiều. Cô đã tham dự kỳ thi tuyển do chính phủ Hàn Quốc tổ chức thi tuyển và đào tạo những người nước ngoài có đủ khả năng để làm việc như một cảnh sát và cô đạt được kết quả tốt, được nhận vào làm ở một đồn cảnh sát trong thành phố.

Qua câu chuyện với ông Hải được biết nhu cầu lấy vợ người nước ngoài của thanh niên Hàn ngày càng tăng. Lý do là con gái Hàn Quốc có xu hướng thích sống độc thân, tiêu chuẩn kén chọn người bạn đời rất cao, nên không phải chàng trai Hàn nào cũng đủ điều kiện để cưới cô vợ trong nước, nhất là các vùng nông thôn. Nơi mà các chàng độc thân Hàn Quốc kém may mắn trong nước nhắm đến là các cô gái Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan...

Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, năm 2013 có 20.637 đàn ông Hàn đã kết hôn với phụ nữ nước ngoài, trong số đó 6.586 là người Việt Nam. Cô dâu Việt Nam chiếm số lượng lớn thứ hai, chỉ thấp hơn cô dâu Trung Quốc đôi chút. Hiện tại số lượng cô dâu Việt tại Hàn Quốc với khoảng 50 nghìn người, phần lớn sống ở các vùng nông thôn, xa trung tâm các thành phố lớn.

Người Việt sống ở Hàn Quốc khá gắn bó, hầu hết ở các thành phố đều có tổ chức Hội người Việt Nam sinh hoạt. Vào các dịp lễ trọng bên quê nhà, dịp Tết Nguyên đán bà con người Việt thường tụ họp sinh hoạt văn hoá, văn nghệ và tổ chức liên hoan ăn uống khá vui vẻ, không khí đầm ấm.

Tổ chức giao lưu văn hoá tại Busan.
Tổ chức giao lưu văn hoá tại Busan.

Ông Hải cho biết thêm mới đây vào cuối tháng 5-2014, cộng đồng 3.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại khu vực phía Nam Hàn Quốc đã diễu hành tại quảng trường trung tâm thành phố Busan, trước cửa nhà ga Busan, phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam. Sau cuộc tuần hành, Ban tổ chức cũng đã cử đại diện gửi kháng nghị thư của Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc bằng bốn thứ tiếng Việt, Anh, Hàn, Trung tới Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Busan. Tại cuộc tuần hành, Ban tổ chức cũng đã tổ chức vận động quyên góp để gây quỹ ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa và thu được số tiền gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình vợ Việt chồng Hàn sống không hạnh phúc, tỷ lệ này khoảng 10%, tương đương như các cặp vợ chồng Hàn. Ông Hải cho biết chuyện vợ chồng không hạnh phúc ở nước nào cũng có. Riêng tại Hàn Quốc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vợ Việt chồng Hàn không hạnh phúc, trong đó nguyên nhân bao trùm là sự khác biệt về nền văn hoá và áp lực muốn kiếm nhiều tiền của người vợ để gửi về quê gây ra.

Thời gian qua báo chí 2 nước đã đăng tải nhiều vụ mâu thẫu vợ chồng, nhiều trường hợp bất hạnh của cô dâu Việt trên đất Hàn. Trong đó có trường hợp một cô dâu quê ở Hải Phòng, sinh sống tại quận Hongchon thuộc tỉnh Kangwon, đã bị người chồng Hàn Quốc sát hại. Nguyên nhân là ông chồng bị bệnh tâm thần nhẹ, không lấy được vợ trong nước, đã thông qua công ty môi giới  bỏ ra 20.000 USD để tìm vợ ở Việt Nam. Trong quá trình sinh sống đã phát sinh mâu thuẫn, bệnh tâm thần tái phát ông không kiềm chế được bản thân đã ra tay sát hại vợ, khi tỉnh lại thấy hối hận đã uống thuốc tự sát luôn.

Có rất nhiều trường hợp do bất đồng ngôn ngữ, vợ chồng không hiểu nhau nên cuộc sống không hoà hợp. Hoặc có nhiều trường hợp cô dâu bị áp lực từ phía nhà mình cho rằng lấy chồng Hàn Quốc phải có trách nhiệm gửi tiền về trợ giúp gia đình, trong lúc cô không kiếm được tiền, nên ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ chồng...

Để giúp các cô dâu Việt sớm hoà nhập cuộc sống, vừa qua Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc đã tổ chức nhiều lớp học bồi dưỡng kiến thức cho cô dâu Việt. Ông Hải cho biết, chi hội Busan đã mở được 12 lớp: học chữ Hàn, văn hoá Hàn, nấu ăn và các nghề phù hợp với phụ nữ...cho gần 3.500 lượt chị em người Việt tại đây, thời gian học vào các ngày chủ nhật trong 4 tháng liên tục. Sau các lớp học chị em tiến bộ rất nhiều, đa số đều xin được việc làm trong các cơ sở sản xuất tại địa phương. Nhờ vậy mà chị em có thu nhập ổn định, có điều kiện phụ giúp gia đình ở quê nhà trong nước, tình cảm vợ chồng gắn bó hơn.                          

Trọng Thái