.

Bên kia cầu Quảng Hải - Bài 1: Một vùng đất khó

Thứ Ba, 22/07/2014, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Những nhịp cầu vững chãi, hoành tráng mang tên Quảng Hải nối liền đôi bờ sông Gianh khi hiền hòa, lúc dữ dội. Phía bên kia cầu là một vùng đất phải gánh chịu biết bao khó khăn, khắc nghiệt của địa hình, thời tiết, thiên tai... nhưng vượt lên tất thảy là sự hồi sinh, vươn lên của con người và mảnh đất nơi đây.

Vùng đất ấy là những miền quê được bao quanh bốn bề mênh mông sông nước hay những làng xóm thu mình dưới dãy núi đá trùng điệp. Đây vốn là một vùng đất khó bởi địa hình khá phức tạp, vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, sông suối và giáp biển, thường xuyên phải chống chọi hạn hán, bão lũ.

Qua sông vẫn phải lụy đò

Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, 9 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch (Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Tân, Quảng Thủy, Quảng Sơn)  và ốc đảo Quảng Hải (khi chưa chia tách huyện) là một vùng biệt lập giao thông đi lại rất khó khăn. Mặc dù cách thị trấn Ba Đồn hơn 2km nhưng để tiếp cận, bắt nhịp cùng sự phát triển của thị trấn là một điều không thể. Vấn đề đi lại còn nan giải nói gì đến chuyện phát triển kinh tế - xã hội. Người dân muốn qua sông phải lụy đò. Mùa nắng đã vất vả, còn về mùa mưa lũ thì muôn trùng gian khó.

Cũng chính vậy, mà vùng đất nơi đây chịu nhiều mất mát, tang thương. Biết bao vụ chìm đò đã cướp đi sinh mệnh của những người dân vô tội. Hẳn người dân Quảng Hải nói riêng và người dân Quảng Bình nói chung sẽ không bao giờ quên vụ chìm đò ngày 25-1-2009 (30 Tết Kỷ Sửu) đã làm 42 người thiệt mạng. 5 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau mất đi người thân vẫn hằn sâu trong kí ức người ở lại.

Sau vụ chìm đò, phải đến cuối năm 2009 cầu Quảng Hải mới thi công gấp rút và đưa vào sử dụng. Niềm vui bắt đầu khi cầu được khánh thành. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt bởi nhiều nhánh sông nên hiện nay, các thôn trong nhiều xã bên kia cầu vẫn phải lụy đò. Có thể kể đến như thôn Hà Sơn, Thọ Hạ thuộc xã Quảng Sơn; thôn Đông Thành, Minh Hà, Tân Định, Cồn Nâm xã Quảng Minh...

Bà Trần Thị Hoa (thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn) chia sẻ: Người dân ở đây rất khổ vì không có cầu đi lại. Đặc biệt vào mùa mưa lũ người dân phải thấp thỏm, lo sợ chuyện đi học của con em trong thôn, rồi khi ốm đau, bệnh tật phải đi bệnh viện cấp cứu... Mong muốn lớn nhất của bà con ở đây là có cầu bắc qua sông Rào Nan để người dân yên tâm sản xuất và sinh sống. Mong ước ấy cũng là mong ước chung của nhiều người còn phải chịu cảnh lụy đò ở nhiều xã vùng Nam.

Nơi đây... “rốn lũ”

Nằm bên dòng sông Gianh, từ bao đời nay người dân 10 xã vùng Nam sông Gianh xem lũ lụt như một phần tất yếu trong cuộc sống. Hằng năm, người dân phải sống chung với bão lũ và hậu quả nặng nề của thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.

Người dân thôn Hà Sơn (Quảng Sơn) muốn qua sông phải lụy đò.
Người dân thôn Hà Sơn (Quảng Sơn) muốn qua sông phải lụy đò.

Chính vì vậy, việc sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nơi đây rất bấp bênh. Người dân phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Chị Phạm Thị Hiền (thôn La Hà Tây, Quảng Văn) tâm sự: Cả gia đình tôi sống dựa vào bốn sào ruộng. So với vụ đông - xuân thì vụ hè - thu năng suất lúa thấp hơn vì nắng hạn kéo dài, sau đó là mưa lũ ngập úng. Tôi phải nuôi thêm con lợn, con gà để tăng thu nhập nhưng nếu lũ lụt xảy ra thì nhiều lúc mất trắng. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, mấy đứa con phụ giúp gia đình may nón. Mỗi ngày, cả gia đình 4, 5 người cùng may nón cũng chỉ được 50 nghìn đồng. Nếu trông cậy vào mấy sào ruộng thì không đủ cho con cái học hành.

Không chỉ riêng gia đình chị Hiền mà nhiều gia đình ở đây cũng  rất khó khăn. Bởi đây là vùng rốn lũ, sản xuất nông nghiệp không ổn định. Người dân phải xoay xở tìm đủ kế sinh nhai, bấp bênh theo con sóng như ngư dân ở xã Quảng Văn, Quảng Hải.., lao tâm khổ tứ theo rừng như nhiều nông dân ở xã Quảng Sơn, Quảng Tiên, Quảng Minh... Ngoài ra, những thanh niên trong độ tuổi lao động phải ly quê, vào miền Nam làm ăn hay đi xuất khẩu lao động nước ngoài ...

Ông Nguyễn Văn Ninh (thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh) trầm ngâm suy nghĩ, rồi nói: Đa phần đàn ông, thanh niên trai tráng đều đi rừng. Trong làng, giờ chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ em. Cuộc sống người dân đã vất vả vậy mà còn phải gánh chịu nhiều thiên tai. Nói xong, ông nhìn ra cánh đồng trơ trọi, khô khốc, ánh mắt đượm buồn...

Còn nhiều xã khó khăn

Quảng Minh, Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Hải là những xã khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ - TTg về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn của Chính phủ ban hành. Quảng Văn là một xã cồn bãi, diện tích đất tự nhiên 431,82 ha có 5.849 nhân khẩu (số liệu năm 2012). Vấn đề nổi cộm nhất của xã hiện nay là thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Ông Trần Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho biết: Để có nước sinh hoạt, người dân xã Quảng Văn phải hứng nước mưa. Một số gia đình có điều kiện thì dùng giếng khoan.

Tuy nhiên, nước giếng khoan bị nhiễm phèn nặng, chỉ dùng được trong sinh hoạt hằng ngày như tắm, rửa.. chứ không dùng để ăn uống. Nhưng do thời tiết nắng hạn kéo dài không có mưa nên người dân phải mua nước ngọt ở các thuyền bán trên sông với giá cao. Một số gia đình sống ven sông thì mỗi m3 nước giá 150 nghìn đồng, còn nhiều gia đình sống xa bờ sông thì mỗi m3 nước có giá 250 nghìn đồng. Thậm chí, nhiều người dân không thể mua được nước vì công suất máy bơm thấp không thể dẫn nước đến những hộ dân sống xa bờ sông. Bên cạnh đó, nước phục vụ sản xuất cũng là một vấn đề nan giải của xã. Đất sản xuất nông nghiệp của xã là 115,53 ha. Vụ hè - thu năm nay, toàn xã thiếu nước tưới phục vụ sản xuất”.

Thiếu vốn đầu tư là một bài toán khó tìm lời giải trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội của các xã vùng Nam, đặc biệt là với những xã khó khăn, điển hình như xã Quảng Minh. Ông Hoàng Minh Hiệu, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho hay: Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp, tuy nhiên, đất sản xuất nông nghiệp ít (mỗi khẩu được 7 thước đất ruộng), mương máng nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu.

Do không chủ động được nguồn nước nên một số thôn gặp khó khăn, riêng thôn Minh Tiến chỉ sản xuất được vụ đông - xuân nhờ vào nguồn nước “trời cho” còn vụ hè - thu không gieo trồng được vì không có nước. Những tuyến đường thôn, xóm quá chật hẹp, chỉ mới đầu tư xây dựng trục đường chính, những tuyến đường ngang chưa có. Số lượng người dân và con em trong xã học xong chưa có việc làm khá nhiều. UBND xã mở các lớp dạy trồng nấm, đan lát, mây tre... nhằm giải quyết việc làm cho người dân trong xã. Tuy nhiên, các lớp học nghề chỉ dừng lại ở khâu học, chưa được thực hành vì thiếu vốn.

Hiện nay, các xã khó khăn trong vùng vẫn dựa vào nguồn vốn từ những đề án, chương trình... trong đó điển hình là Đề án thực hiện thí điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội giảm nghèo và phòng, chống thiên tai các xã bãi ngang, cồn bãi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24-5-2011. Hơn ai hết, chính quyền địa phương, nhân dân trong vùng luôn mong muốn sẽ có những dự án như vậy đến với những xã khó khăn nơi đây.

Quanh năm phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm con người ở vùng đất này lam lũ, nhưng nó cũng khiến cho họ trở nên dẻo dai, mạnh mẽ và có một sức sống phi thường. Và mạch nguồn sự sống cho mảnh đất, con người nơi đây được tiếp thêm khi cây cầu Quảng Hải vươn dài nối nhịp, kéo vùng đất khó gần lại với trung tâm huyện thị.

Nguyễn Lê Minh

Bài 2: “Lên” thị xã - niềm vui và nỗi lo