.
Kỷ niệm 52 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2013):

Đau cùng nỗi đau - Bài 1: Câu chuyện của người trong cuộc

Thứ Bảy, 10/08/2013, 09:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Cao Thắng, từng là một người lính, bây giờ đang giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/Dioxin tỉnh tâm sự với tôi rằng: “Mặc dù Quảng Bình không thuộc phạm vi bị rải thảm chất độc hoá học, nhưng cũng giống như các địa phương khác ở miền Bắc, trong kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp thanh niên, thanh nữ lên đường ra mặt trận. Sau hòa bình, hàng nghìn người trong số họ trở về với đời thường và tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới, không tiếng súng nhưng chẳng kém phần khốc liệt- cuộc chiến với CĐDC/Dioxin và hậu quả kinh hoàng do nó gây ra”.

Di chứng của CĐDC/Dioxin kéo dài, dai dẳng từ người trực tiếp tham gia chiến trận đến đời con, và bây giờ là đời cháu, chắt của họ. 52 năm sau ngày thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961- 10-8-2013), cộng đồng xã hội, những người có lương tri, chúng ta cùng đồng hành, cùng chia sẻ, cùng đau với nỗi đau của NNCĐDC.

Ngày 11-5-1961, sau khi nhận chức tổng thống Mỹ, Jonh Kennedy phát biểu trước Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ: "... Để ngăn chặn cộng sản xâm lược miền Nam Việt Nam, chúng ta quyết định dùng chất diệt cỏ và các kỹ thuật tân kỳ khác để kiểm soát các đường bộ và đường thuỷ dọc biên giới Việt Nam...". Từ lời tuyên bố này, Nhà Trắng chính thức bật đèn xanh cho cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngày 10-8-1961, máy bay quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam dọc theo đường 14 từ Kon Tum đến Đắc Tô, thảm họa da cam chính thức bắt đầu.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và tặng quà cho cháu Đào Hữu Tâm, nạn nhân CĐDC tại thôn 2 xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và tặng quà cho cháu Đào Hữu Tâm, nạn nhân CĐDC tại thôn 2 xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới.

Chúng tôi nêu lên một số sự kiện nổi bật của cuộc chiến hóa học chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam để thấy hết sự khốc liệt đối với nhân dân Việt Nam và cả lực lượng đồng minh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam.

Trong hơn 10 năm thực thi chiến dịch Ranch Hand (1961- 1971) đã có 19.905 phi vụ máy bay tham gia và trên 21 triệu gallons (tương đương gần 80 triệu lít) các loại chất độc được rải, trong đó 61% là chất da cam chứa 366 kg dioxin. Phạm vi ảnh hưởng của chiến dịch Rand Hand bao trùm trên một diện tích rộng lớn: 32/46 tỉnh, thành ở miền Nam nằm trong khu vực chịu tác động của chất độc; 80% diện tích rừng bị khai quang trên 2 lần; 11% diện tích rừng bị khai quang trên 10 lần; 3.185 thôn, làng, bản bị tàn phá... Dioxin là chất cực độc trong các loại chất độc. Nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào nguồn nước uống thì có thể giết chết 8 triệu người dân trong một thành phố.

Chất độc da cam làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân. Với tỉnh Quảng Bình, thống kê cho thấy có khoảng 10.000 nạn nhân. 80% nạn nhân CĐDC hiện tại trên 60 tuổi; từ 14% đến 18% trong số họ đã chết. 34% nạn nhân là phụ nữ, những người chịu nhiều đau khổ nhất, không những tàn tật, bệnh hoạn mà còn đau đớn hơn trong sinh nở, nhiều người không được hưởng thiên chức và hạnh phúc làm mẹ. 18% gia đình có cả vợ lẫn chồng là nạn nhân, họ gặp muôn vàn khó khăn, bên cạnh việc mất sức lao động, họ còn đau đáu lo cho con cái một khi bản thân chết đi.

Đến nay CĐDC/Dioxin di chứng đến thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4. Nhiều đứa trẻ sinh ra dị hình, dị dạng, bại liệt, tâm thần... không thể tự đứng trên đôi chân của mình; 85% các gia đình nạn nhân có  2 đến 4 trẻ dị tật,  3% hộ gia đình nạn nhân có tới trên 5 cháu tật nguyền.

Máy bay Mỹ thực hiện phun rải chất độc hóa học trong chiến dịch Ranch Hand (1961 - 1971) - Ảnh tư liệu.
Máy bay Mỹ thực hiện phun rải chất độc hóa học trong chiến dịch Ranch Hand (1961 - 1971) - Ảnh tư liệu.

Ông Cao Thắng nhìn nhận: sau ba năm kể từ ngày thành lập, Quỹ NNCĐDC/Dioxin vận động được 6.787 triệu đồng. Các cấp hội sửa chữa và làm mới 35 ngôi nhà trị giá 995 triệu đồng; trao 180 suất học bổng; tặng 3.151 suất quà trị giá 1.014 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất 125 triệu đồng; cấp 145 xe lăn, xe lắc... Hiện tại đang tiến hành xây dựng hai trung tâm bán trú phục hồi chức năng và đào tạo nghề cho NNCĐDC tại thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Trạch với số tiền trên 3.148 triệu đồng... Toàn tỉnh có 6.707 đối tượng NNCĐDC được hưởng chế độ của Nhà nước.

Cùng chung nỗi đau da cam, nhưng mức độ hỗ trợ chỉ mới dùng lại ở thế hệ con cái của những người trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, trong lúc đó CĐDC đã di chứng đến đời cháu, thậm chí đến đời chắt của họ.

Tôi đã gặp một gia đình mà nỗi đau da cam xuyên suốt đến bốn thế hệ như thế tại xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), gia đình bà Hoàng Thị Thanh. Ông Nguyễn Bích, chồng bà Thanh là TNXP từng tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Ông Bích mất cách đây 23 năm về trước vì một căn bệnh lạ. Bà Thanh có 9 lần sinh nở và giữ lại được 7 người con. Tất cả đều là NNCĐDC. Con trai đầu tên Ngọ, 47 năm nay sống trong vô thức; Nguyễn Thị Định (sinh năm 1967); Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1970), lúc sinh ra bình thường, lên 7 tuổi sức khoẻ yếu dần rồi mất không biết nguyên do; Nguyễn Luân (sinh năm 1971); hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Thị Lĩnh (sinh năm 1975); Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1976) cũng bị chết do bệnh tật và người con trai cuối là Nguyễn Trang (sinh năm 1977).

CĐDC/Dioxin từ ông Nguyễn Bích di chứng cho các con, ngoài hai người đã chết thì Nguyễn Ngọ bị tâm thần; Nguyễn Thị Lợi bị sứt môi; Nguyễn Thị Lĩnh thường xuyên lên cơn choáng, hay ngất xỉu; Nguyễn Luân, Nguyễn Trang sức khoẻ yếu, hay đau ốm... Nguyễn Thị Định lấy chồng sinh 5 người con, chỉ giữ được 2. Con gái chị Định là Trương Thị Hiền, sinh năm 1980. Hiền lập gia đình, đứa con đầu lòng thể trạng yếu, nằm bất động.

Ba người con gái của anh Lê Thanh Đức (xã Đức Trạch) bị nhiễm CĐDC nằm bán thân bất toại hàng chục năm nay.
Ba người con gái của anh Lê Thanh Đức (xã Đức Trạch) bị nhiễm CĐDC nằm bán thân bất toại hàng chục năm nay.

Như vậy, nếu tính từ đời ông Nguyễn Bích cho đến đời con của chị Hiền, CĐDC đã di hoạ qua 4 thế hệ... có nỗii đau nào bằng. Nguyễn Thị Điểm có đứa con trai tên Hoàng Văn Đức, 14 tuổi, thần kinh không vững vàng, suốt ngày đi lơ ngơ. Nguyễn Thị Lĩnh sinh con trai đặt tên Nguyễn Hưng Yên, năm nay 6 tuổi, bị hở hàm ếch, thiểu năng trí tuệ, không nói được.

Từ Phúc Trạch, tôi lại ngược lên xã Nam Hóa (huyện Tuyên Hóa) ghé thăm gia đình ông bà Nguyễn Doãn Phúc, Nguyễn Thị Thanh. Ông Phúc nguyên bộ đội pháo binh, tham gia chiến đấu tại các chiến trường đường 9- Khe Sanh (Quảng Trị) và Tây Nguyên. Hai ông bà có với nhau cả thảy 8 người con trong đó 4 người bị nhiễm CĐDC, 2 con Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1981) và Nguyễn Thị An (sinh năm 1989) sống đời sống thực vật với ông bà hơn 15 năm thì chết.

Hai người còn lại Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1985) và Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1993) sống lay lắt qua ngày, tay chân co quắp, gương mặt vô hồn. Ông Phúc bảo rằng: "Không biết lúc nào hai đứa sẽ bỏ vợ chồng tôi mà đi đây. Dù biết mất mát lớn đó, nhưng e rứa lại sướng hơn cho chúng nó. Chứ sống mà không ra sống, không ra người ri, khổ vợ chồng già, lại tội nghiệp chúng hơn".

Một cuộc điều tra do Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Quảng Bình chủ trì triển khai tại 128 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố cho thấy toàn tỉnh có 1.077 NNCĐCD thế hệ thứ hai (đời con) và 470 nạn nhân thế hệ thứ ba (đời cháu). Phạm vi điều tra chỉ dừng lại ở đó, tuy nhiên nếu tiếp tục mở rộng thì sẽ có nhiều đối tượng là thế hệ thứ tư (đời chắt) bị di chứng. Trong 470 nạn nhân thế hệ thứ ba, có 108 đối tượng bị thần kinh, dị tật hệ vận động, teo cơ tay chân, dị hình dị dạng, sống đời sống thực vật... hoàn toàn mất khả năng tự lo cho bản thân.

Từ kết quả của cuộc điều tra này và sự trao gửi của những người trong cuộc, chúng tôi tiếp tục chuỗi hành trình về với những NNCĐDC thế hệ thứ ba, dù là NNCĐDC nhưng cho đến nay vẫn chưa hưởng được chế độ của nhà nước, trở thành một gánh nặng cho những người thân thích.

                                                                Ngô Thanh Long

                                                                 Bài 2: Tuổi già, phận mỏng