.

Làng trên núi

Thứ Sáu, 19/07/2013, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngôi làng tuổi đời chỉ mới hơn ba năm tuổi, cư dân của làng cũng chẳng phải người bản địa. Ngày lập làng, cắt rừng theo lối mòn đi bộ qua sáu con dốc cao, sáu con suối sâu. Lạ một điều… cho đến bây giờ làng vẫn chưa trở thành một đơn vị hành chính của xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) mà vẫn đang trực thuộc Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Quảng Bình. Ba năm xa làng, nay trở lại… thấy rất nhiều sự đổi thay.

Đi hết “quăng rạ” là đến làng

Một ngày đầu tháng sáu, tôi quyết định thực hiện chuyến “thượng sơn” lên với Làng TNLN Trường Xuân. Từ thành phố Đồng Hới đến trung tâm xã miền núi Trường Xuân gần năm chục cây số, đổ xuống dốc Ma Nang, đi hết thung lũng Rào Trù, chiến khu xưa của huyện Quảng Ninh, tôi bắt gặp một bà mế già người dân tộc Vân Kiều thăm rẫy về, gùi nặng trĩu sau lưng, dừng xe lại hỏi đường, mế bảo: “Con cứ đi... hết một quăng rạ sẽ đến!”.

Sống với đồng bào dân tộc thiểu số đã nhiều năm nên tôi biết một “quăng rạ” là bao nhiêu. Tôi chào mế, vặn cao tay ga cho chiếc xe máy trườn nhanh trên con đường lổm nhổm ổ voi, ổ gà.

Thực ra, ngày “khai hoang, lập làng” vào năm 2009, tôi có vinh dự được Tỉnh đoàn Quảng Bình mời. Nhưng hồi đó địa điểm chọn làm lễ khởi công chỉ cách khu tái định cư hồ Rào Đá non cây số, đi bộ mươi lăm phút thì đến. Bây giờ theo như bà mế Vân Kiều ấy nói, một “quăng rạ” là còn xa vời. Rất may, đường vào làng dù ổ voi, ổ gà nhưng không đến nổi tệ!

Một góc Làng TNLN Trường Xuân.
Một góc Làng TNLN Trường Xuân.

Đường đi khó, tư tưởng cũng chưa thông, tôi cứ băn khoăn liệu rằng cái Làng TNLN Trường Xuân này có giống như cái dự án trồng mía Cha Nòi xưa kia ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) hay Làng TNLN An Mã, phía tây huyện Lệ Thủy trước đây, “đầu voi đuôi chuột”... và chìm vào lãng quên dần dần. Chạm đất phía đầu làng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi trước mặt tôi trải rộng ra một màu xanh mát mắt. Trên nền màu xanh bình yên đó, điểm nhấn là từng cụm cư dân của làng với những ngôi nhà nho nhỏ lợp ngói khang trang.

Không hẹn trước, tôi vẫn gặp được “cố nhân” Đoàn Thanh Sơn, nay là Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Quảng Bình, trực thuộc Tỉnh đoàn Quảng Bình trong dãy nhà ngang kiên cố của Tổng đội. “Tưởng làng hoang sơ, chẳng mấy cư dân, không điện, không đường, không trường, không trạm... Bây giờ tận mắt thấy, mừng thay cho các anh”- Tôi nhận xét thay lời chào. Đoàn Thanh Sơn cười nhẹ: “Qua cái thời hàn vi, bộn bề khó khăn rồi đó anh. Nói thật, những ngày đầu tiên anh em trong Tổng đội lên lập làng, ba bề là núi non, chỉ mỗi con đường độc đạo ra trung tâm xã. Dù kiên gan, bền chí lắm cũng có đôi lúc chạnh lòng. Nhưng động viên nhau cố gắng để không phụ lòng tin của tỉnh,  của Trung ương đoàn, của Tỉnh đoàn giao phó. Hơn bốn năm lăn lộn với núi rừng Trường Xuân, đất không phụ  người, bắt đầu cho chút quả ngọt đầu mùa”- Sơn nói vui.

Dự án xây dựng Làng TNLN Trường Xuân do Tỉnh đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng số vốn 31 tỷ đồng, trên diện tích 1.363 ha. Mục tiêu nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế- xã hội; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, xây dựng kinh tế hộ gia đình trẻ bền vững; hình thành nên khu dân cư mới phía tây huyện Quảng Ninh. Làng sẽ trở thành một điểm sáng góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng thuộc khu vực biên giới; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên và nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Trường Xuân.

Cư dân mới của làng, bé Nguyễn Ngọc Gia Linh.
Cư dân mới của làng, bé Nguyễn Ngọc Gia Linh.

Sau 5 năm xây dựng và hơn 3 năm tiếp nhận cư dân, hiện tại làng đã có 39 hộ gia đình trẻ “an cư, lạc nghiệp”; 14 hộ gia đình khác đăng ký và nhận đất, nhận rừng nhưng chưa làm được nhà ổn định. Mỗi hộ gia đình khi nhập “hộ khẩu” tại làng được giao 4.000m2 đất ở và đất vườn; 2 ha đất trồng cao su và một số diện tích đất trồng rừng khác... Theo nhận định của một cư dân: “Với tài sản ban đầu như thế này, nếu có đồng vốn trong tay và chí thú làm ăn thì trong vòng năm bảy năm, chúng tôi sẽ không còn nghèo và mục tiêu làm giàu xích lại gần hơn”.

Cư dân...tình nguyện

Trương Tiến Thành, Đội phó Đội TNXP Làng TNLN Trường Xuân, quê phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới giải thích rất cụ thể cho tôi cách thức tuyển chọn các hộ gia đình lên với làng: “Tiêu chí đầu tiên đối với các hộ gia đình là tinh thần tình nguyện phải cao. Tình nguyện chịu mọi sự khó khăn, thử thách từ những ngày đầu làng mới hình thành với tài sản là “bốn không” (không điện, không đường, không trường, không trạm). Tình nguyện chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình mình, từ đó xây dựng làng trở thành một điểm sáng kinh tế- xã hội phía tây huyện Quảng Ninh. Tình nguyện gắn bó với làng dài lâu... Độ tuổi được xét chọn từ 18 đến 33. Đối tượng ưu tiên là con em của huyện Quảng Ninh, cá biệt có một số hộ đến từ các huyện khác”.

Thành chở tôi đi thăm một vòng đầu làng đến cuối làng, thấy cách thức phân bổ dân cư khá hợp lý. Vị trí của Làng TNLN Trường Xuân nằm giữa một thung lũng khá rộng kéo dài theo hướng đông bắc- tây nam. Trục đường chính chia đôi thung lũng làm hai phần và nhà cửa của các hộ dân  bám theo hai bên trục đường này. Mỗi hộ gia đình lên làng lập nghiệp ngoài diện tích đất vườn, đất rừng được cấp thì còn nhận thêm sự hỗ trợ 10 triệu đồng tiền làm nhà; 3 triệu đồng tiền khai hoang đối với một ha đất rừng; hỗ trợ từ 30 đến 40 triệu đồng để khoan giếng...

Trương Tiến Thành giải thích vì sao tiền hỗ trợ khoan giếng lại gấp nhiều lần tiền trợ giúp làm nhà: “Nguyên khu vực Làng TNLN Trường Xuân đứng chân là một vùng đá vôi hình thành và cố kết đã hàng triệu triệu năm. Kỳ tích của làng là đã tìm được mọi cách lách qua các vỉa đá vôi cứng và tìm thấy nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu. Nhưng mỗi giếng khoan độ sâu từ 40 đến 50 mét, vì vậy chi phí rất lớn”. “Hơn ba năm  thu hút, cư dân làng đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, tình nguyện gắn bó với làng. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục nhận thêm khoảng 10 hộ nữa”- Thành nhận định.

Những đứa trẻ đầu tiên của làng

Như đã nói, lên với Làng TNLN Trường Xuân hoàn toàn là người trẻ, trong số họ phần lớn đều lập gia đình. Một vài hộ có con trong độ tuổi đi học phải gửi lại cho người thân ở quê nhà vì hiện tại làng chưa có hệ thống trường TH và THCS. Trường mầm non xây dựng xong, dự kiến “chiêu sinh” vào đầu năm học mới 2013- 2014.

Trường mầm non của Làng TNLN chuẩn bị
Trường mầm non của Làng TNLN chuẩn bị “chiêu sinh” năm học 2013- 2014.

Tôi lên làng nhằm thời điểm các cư dân đang bắt tay vào khâu làm đất, đào hố, chuẩn bị cho vụ trồng cao su đầu tiên nên làng khá yên tĩnh. Trương Tiến Thành khoe rằng: “Trong ba năm khai hoang, lập làng, chúng tôi hạnh phúc nhất khi đón nhận 5 đứa trẻ ra đời, trong đó có 4 bé gái và 1 bé trai. Các cháu được xem như thế hệ thứ hai của làng đó anh!”.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm đối diện với trường mầm non, chị Nguyễn Thị Tuyên ra tận cửa đón tôi và Thành. Tuyên người Hà Tĩnh, bén duyên với anh Nguyễn Thái Bình ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới. Kết hôn xong nhằm lúc Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Quảng Bình thành lập, họ tình nguyện lên với Làng TNLN Trường Xuân. À! nếu tếu táo một chút, sau nay về già, vợ chồng Bình Tuyên có thể khoe với con cái rằng bố mẹ ngày xưa là những người “khai khẩn” ra cái làng này đó, tự hào không?

Ba năm chưa dài nhưng nhìn tổ ấm của họ thì “ra tấm, ra cám” lắm rồi. Vợ ở nhà buôn bán, chăn nuôi gà, lợn, bồ câu... chồng bám lấy 2 ha đất rừng lo vụ cao su đầu tiên. Tranh thủ sự giúp đỡ của bên nội, bên ngoại, vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng, đôi vợ chồng trẻ này quyết chí “làm ăn lớn”, gắn bó lâu dài với làng. Hạnh phúc Bình Tuyên càng được nhân lên khi cuối năm 2012, họ đón nhận đứa con đầu lòng ra đời- bé gái Nguyễn Ngọc Gia Linh.

Cách nhà chị Tuyên khoảng chừng cây số là gia đình anh chị Lê Văn Hòa (thôn Thu Thừ, xã An Ninh)- Trương Thị Phượng (xã Xuân Ninh). Anh chị chính thực trở thành cư dân của Làng TNLN Trường Xuân vào năm 2012. Cuối năm đó, hai người chào đón thêm một thành viên mới- bé gái Lê Kiều Trang. “Chúng tôi hạnh phúc lắm- chị Phượng xúc động- mấy đứa trẻ đầu tiên sinh ra ở làng nên ai cũng cưng, ai cũng thương, nhất là các anh chị trong Tổng đội. Cứ đi ngang qua nhà lại tạt vô nựng bé Trang một chút. Tất nhiên có con mọn trong hoàn cảnh hiện tại là khó khăn hơn so với các hộ gia đình khác, nhưng chắc chắn thuận vợ, thuận chồng thì sẽ vượt qua thôi!”.

Làng đã định hình giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, Đoàn Thanh Sơn níu kéo tôi ở lại bằng hình ảnh rất thơ: “Anh hãy khoan về xuôi, đêm ở làng, khi điện bật sáng, làng trở thành phố núi lung linh, huyền ảo. Ở lại nghe!”

                                                                   Ngô Thanh Long