.

Người làm đổi thay ở một vùng đất...

Thứ Sáu, 05/07/2013, 07:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn ông tôi bị ám ảnh bởi những năm tháng chiến tranh. Những con người bị giặc thù cướp đi một phần cơ thể trong cuộc chiến khốc liệt, họ được coi là nạn nhân chiến tranh, là người tàn tật... Nhưng với ông Hưng hình như chuyện ấy đã là quá vãng, bù lại sự mất mát, ông luôn sáng tạo để không chỉ tạo dựng cuộc sống khá giả cho gia đình mình mà còn làm được những điều lớn lao, diệu kỳ trên vùng đất khó...

Một góc xóm Rốôc.
Một góc xóm Rốôc.

Một ngày mát mẻ hiếm hoi giữa mùa hè, tôi cùng vài đồng nghiệp lại lên xã Xuân Hoá, huyện Minh Hoá quê hương của con người vượt lên số phận ấy. Chuyến đi là nhờ sự gợi ý của anh Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá, rằng ông Hưng vẫn khoẻ, dòng nước từ con kênh của nghị lực và ý chí vượt lên số phận ấy vẫn phát huy hiệu quả... Con đường vào xóm Rốôc được cán nhựa phẳng phiu.

Xóm Rốôc ngút xanh bên những cánh rừng, những nương lạc...Và tôi đã gặp lại con người bé nhỏ, tàn tật ấy, ông Đinh Xuân Hưng. Chỉ có điều nay không chỉ có hệ thống nước tưới, ông còn có nước sạch, có điện thắp sáng giữa núi rừng u tịch...

Hôm nay bên dòng nước mát lành không thể không nhắc lại những tháng năm gian khó. Câu chuyện làm chúng tôi bùi ngùi về số phận khá đen đủi của ông. Lên 9 tuổi, bom đạn đã cướp đi của ông cánh tay trái đến sát nách, thương tích đầy mình. Đấy là năm 1966, năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc khốc liệt đến man dại.

Ông nhớ lại, đấy là những năm tháng ông phải chống chọi với cái chết, thật sự hãi hùng, phải đi điều trị ở nhiều bệnh viện, hàng mấy tháng trời mới lành vết thương với nặng trĩu nỗi buồn tàn phế...Thế nhưng nhờ tình thân của những người ruột thịt cùng tình làng, nghĩa xóm đã giúp ông vượt qua năm tháng tuổi thơ buồn tủi...Lớn lên ông cũng có một gia đình đàng hoàng như mọi người. Và, nhờ trời ông có 6 người con, 4 trai 2 gái. Nhưng cuộc sống không yên ả, khi con cái lớn lên là gia đình ông nặng thêm chuyện cơm áo. Nỗi buồn trĩu nặng trong ông khi cơm vẫn chưa đủ no cho lũ trẻ sức ăn, sức chơi...

Trong khó khăn, cái khác của ông với bà con vùng cao là không cam chịu và điều đáng quý nữa là luôn nhìn thấy tiềm năng của vùng đất này. Chẳng thế mà ông là người tiên phong lên vùng đất hoang có cái tên thuở cha ông để lại gọi là xóm Rốôc này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông dựng lán trại bằng những thứ của núi rừng, rồi khai hoang, cuốc đất trồng cây. Từ trên triền núi có thể thấy Rôốc là một thung lũng đất đai khá bằng phẳng, xung quanh là núi cao. Ông Hưng nói đất đai ở đây khá tốt, trồng cây gì cũng được, nhất là lạc, đỗ... Nhưng khi mùa nắng đến thì tất cả đều khô khốc, đất cứng như đá, cuốc xuống toé lửa.

Nước sạch không tốn tiền ở gia đình ông Hưng.
Nước sạch không tốn tiền ở gia đình ông Hưng.

 Sau một vài mùa làm ăn, ông Hưng lại nghĩ, phải đi tìm nguồn nước. Có nước sẽ trồng lúa, sẽ tăng cao năng suất nhiều thứ cây trồng khác, thậm chí nuôi cá...Nói tóm lại, có nước sẽ tạo bước đột phá trên vùng đất này. Nếu là người dân Xuân Hoá, người làng Minh Xuân ý nghĩ ấy là quá xa lạ, gần như là không tưởng. Nhưng với ông Hưng thì không viễn vông chút nào bởi những khi đi chăn bò thơ thẩn trên núi ông đã tìm hiểu rất kỹ thế đất ở đây và phát hiện ra một điều rất thú vị, làm xuất phát điểm cho quyết tâm lớn của ông.

Đó là thung lũng ở dưới thấp mà khe suối phía trong kia lại chảy ở trên cao, có thể tự chảy tới được vùng đất ông đang sản xuất nếu  tạo được một con kênh... xuyên qua núi. Với những dự án đầu tư cấp huyện trở lên thì có lẽ đây là chuyện... nhỏ, nhưng đây là dự án cấp... ông "Hưng cụt" thì quả là vô cùng phức tạp. Ông Hưng cười nhắc lại chuyện khai sinh dòng kênh này. Từ ý tưởng đúng đến khi bắt tay vào thực hiện còn một chặng dài với bộn bề khó khăn. Ông vắt óc suy nghĩ nhiều tháng trời về việc xuyên thủng núi là bao nhiêu công, bao nhiêu tiền...

Để có "đồng minh", trước hết là thuyết phục gia đình mà "trung tâm khó khăn" là bà vợ về "dự án nước tưới". Vợ ông hiền lành nhưng cũng trực tính, cái gì chưa rõ ràng là không xong với bà. Việc ông trình bày dự án với bà không khó, bà vốn hiểu ông, ít học mà sáng dạ, bà ủng hộ ngay. Nhưng khi ông đòi bán đôi bò để lấy tiền làm đập là bà phản ứng quyết liệt. Không có bò, ai cày đất, chở phân...Chẳng lẽ ông, bà và mấy đứa nhỏ nai lưng ra cuốc đất. Nhưng rồi qua mấy đêm thuyết phục bà cũng thuận theo.

Tiếp đó là thuyết phục mấy hộ gia đình cùng làm ăn trên mảnh đất này. Nhiều người chỉ hiểu nôm na, tin ông mà nghe theo, bởi trong công việc ông rất tháo vát và hơn nữa kế sinh nhai thôi thúc họ phải có một chút "liều" khi cùng ông thực hiện "dự án" nước tưới. Có 5 triệu đồng từ bán đôi bò, cùng với những đồng sự tâm huyết, mọi việc diễn ra trong...lo âu, phấp phỏng.

Gia đình ông Hưng đã có điện dùng.
Gia đình ông Hưng đã có điện dùng.

Thời gian đi qua trong sự ngờ vực của những ai nhìn thấy mấy cha con ông Hưng và các đồng sự cặm cụi đào đào, cuốc cuốc...Nhưng đến một ngày của tháng 8 năm 1999, dòng nước mát lành phải vượt núi băng đồi với chiều dài hơn 1 km mương dẫn và cùng chừng ấy chiều dài kênh nội đồng để nước tự chảy vào những mảnh ruộng nứt nẻ ở xóm Rốôc. Niềm vui như vỡ oà. Nhưng lúc đó ông Hưng cùng mấy hộ gia đình chỉ kịp vuốt mồ hôi để tính chuyện trồng cây gì, nuôi con gì bù lại những khoản đầu tư quá sức vóc của người nghèo...

Có nước, những toan tính lâu nay bị kìm nén đã bừng dậy. Những ruộng lúa một vụ nâng lên 2 vụ, những chỗ thuận tiện ông đào ao thả cá, rồi ông trồng đậu cô ve, dưa chuột, mướp đắng...Từ đó đến nay gia đình ông duy trì 2 ha ruộng nước hai vụ, 5 sào ao cá, 1 ha cây màu, chuồng lợn hơn chục con...

Ông còn sắm cả máy xay xát, xe tải nhỏ và nhiều tư liệu sản xuất khác... Cùng với ông, 20 hộ gia đình có đất ở đây cũng đã hưởng lợi từ dòng nước mát lành này. Hỏi về thu nhập của gia đình, ông nói khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Một con số không nhỏ với những gia đình sản xuất nông nghiệp.

Sau mấy năm đưa vào vận hành, kênh mương đã xuống cấp. Ông Hưng nói để nạo vét định kỳ phải có kinh phí, ông đề nghị các hộ có diện tích đất sản xuất lớn trích ra một sào ruộng khô, một sào ruộng nước để làm đất kiểu 5% lấy tiền tu sửa kênh mương. Có lẽ đây lại là một sáng kiến nữa của ông để duy trì một cách bền vững hệ thống thuỷ lợi này.

Lúc chúng tôi lên đây vụ lạc đang kỳ thu hoạch, anh Đinh Xuân Khuệ cùng vợ đang nhổ lạc, hồ hởi nói: "Ông Hưng đã làm thay đổi cuộc sống và cung cách làm ăn ở đây". Còn ông Đinh Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hoá cho biết: "Ông Hưng là một tấm gương sáng, không chỉ tạo được cuộc sống khá giả riêng mình mà còn giúp đỡ nhiều người cùng vươn lên trong cuộc sống. Học ông Hưng, nhiều hộ gia đình khác ở địa phương đã ngăn khe suối dẫn nước về ruộng vườn tạo nên một bước chuyển biến quan trọng, hiệu quả trong xoá đói giảm nghèo".

Cuộc sống nơi đây đặt ra cho ông hay sự sáng tạo, năm 2010 ông lại đầu tư hơn 10 triệu đồng để dẫn nước sạch với đường ống hơn 800 mét từ sâu trong khe núi về dùng trong sinh hoạt. Tiếp đó ông đầu tư thuỷ điện nhỏ để làm bừng sáng lên ánh điện trên xóm Rốôc này...

Tạm biệt "Người đương thời" trên VTV năm nào, tôi hỏi ông ở tuổi 55 còn có những sáng kiến nào nữa? Ông cười, có chứ nhưng mà bí mật...

Văn Hoàng