.

5 năm với bấy nhiêu ngày...

Thứ Sáu, 12/07/2013, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Một lần, sau chuyến công tác tại hai xã miền núi Tân - Thượng Trạch, tôi chia sẻ mấy tấm hình lên trang mạng xã hội. Bạn, một người xa quê comment rằng, khâm phục quá, thân gái dặm trường... "Ồ không, bạn nhầm rồi, chặng đường gian khổ ngày xưa ấy, giờ ta đã có thể ung dung đi bằng xe hơi xịn. Buổi sáng xuất phát tại thành phố Hoa Hồng, chiều muộn, ta đã có thể ngắm hoàng hôn trên sông Nhật Lệ...", tôi trả lời! Tôi chắc bạn sẽ hỏi, rằng ai đã làm nên điều kỳ diệu ấy? Là trên 18 vạn người dân Bố Trạch, với ánh sáng từ Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bạn à...

"Ra đời trong bối cảnh đất nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy nông nghiệp làm bàn đạp để thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ và thương mại cùng quá trình hội nhập quốc tế là điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho nông nghiệp, nông dân chuyển dịch theo hướng hiện đại...", đấy là phần mở đầu trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Bố Trạch.

Vâng, nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Năm năm ấy, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã chung lưng đấu cật, tranh thủ mọi thời cơ để vượt qua khó khăn, thách thức. Các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm được xây dựng và lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả như: chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, đề án phát triển cao su tiểu điền, chăn nuôi, kiên cố hóa kênh mương, cứng hóa đường giao thông nông thôn... Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo nên "cú hích" mạnh mẽ, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn Bố Trạch.

Đồng xanh ở Phong Nha.
Đồng xanh ở Phong Nha.

Để minh chứng cho sự đổi thay ấy, xin liệt kê ra đây một vài số liệu so sánh mốc thời gian năm 2008 với năm 2013: thu nhập bình quân đầu người từ 9,6 triệu đồng/người/năm tăng lên đạt xấp xỉ 19 triệu đồng; giải quyết việc làm cho hơn 19.300 lao động; tổng sản lượng lương thực tăng trên 1.000 tấn, đạt mức 47.000 tấn; diện tích cây cao su tiểu điền từ 5.344 ha, đến nay là 7.620 ha với trên 3.000 ha đang cho hàng ngàn tấn "vàng trắng" mỗi năm; từ 20 trang trại đã tăng lên thành 60 trang trại chăn nuôi và 473 trang trại tổng hợp; chương trình Sind hóa đàn bò tăng gấp 4 lần, từ 7% lên 28%; tăng gấp đôi số giống cấp 1 đầu tư cho sản xuất với trên 300 tấn...

Cùng với những con số nêu trên là sự đổi thay thấy rõ của bộ mặt nông thôn Bố Trạch. Không còn nữa những con đường bụi mù trong ngày nắng và lầy lội ngày mưa. Thay vào đó là những con đường rải nhựa, đường bê tông thẳng tắp chạy về tận từng thôn xóm. Điện, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa xã, thôn... khang trang và quy củ. Lên rừng xuống biển, nông dân Bố Trạch thỏa chí vẫy vùng. Vàng trắng miền tây, của ngon vật lạ phía biển Đông mênh mông bát ngát, đồng bằng dẫu không không ngút xa tầm mắt, thẳng cánh cò bay nhưng đã đem lại những mùa vàng bội thu trên quê hương. Đời sống của đồng bào dân tộc các xã vùng cao Tân – Thượng Trạch cũng đã bước sang trang mới với những khởi sắc mới đáng tự hào...

Nhưng có lẽ, đổi thay lớn nhất chính là bản thân mỗi người nông dân hôm nay. Tự tin, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, họ đã và đang góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đi vào cuộc sống. Suốt 5 năm qua với trên 1.800 ngày, họ đã đổi mới tư duy, sáng tạo và không ngừng nỗ lực vì sự đổi thay của quê hương. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM mới trong hai năm vừa qua, họ đã để lại những dấu ấn đẹp. Không còn nữa sự thụ động, e ngại, mà thay vào đó là tinh thần làm chủ, ý thức rằng bản thân, gia đình, cộng đồng chính là những người chủ của nông thôn mới, cũng đồng thời là đối tượng hưởng lợi...

Sáng tạo trên đồng ruộng.
Sáng tạo trên đồng ruộng.

Từ ý nghĩ đó, nông dân Bố Trạch đã tích cực chung tay xây dựng NTM. Những công trình hạ tầng khang trang, sự thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững... chính là tấm gương phản ánh sự nỗ lực của nông dân Bố Trạch trong sự nghiệp xây dựng NTM hôm nay. Không ồn ào, khoa trương, người dân lặng lẽ hiến đất để mở rộng đường, hồn nhiên góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng của xóm, thôn...

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của gần hai năm trước. Đấy là khi được Ban biên tập phân công viết bài cho số báo Xuân 2012 với đề tài NTM. Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu, tôi quyết định về Hoàn Trạch, một trong 7 xã điểm của Bố Trạch trong phong trào xây dựng NTM. Thời điểm ấy, khái niệm NTM chưa thực sự phổ biến như bây giờ. Thế nhưng tại Hoàn Trạch đã có hàng nghìn hộ gia đình thi đua hiến đất để mở rộng đường đạt chuẩn NTM. Định bụng viết về một cá nhân điển hình của địa phương, tôi liền trao đổi với một đồng chí cán bộ xã để lấy thông tin.

Sau khi nghe tôi đặt câu hỏi, rằng cá nhân nào điển hình nhất trong phong trào xây dựng NTM của địa phương, anh cán bộ nọ suy nghĩ một lúc rồi trả lời "Cả xã tôi ai cũng là điển hình!". Câu trả lời khiến tôi vô cùng băn khoăn và thoáng bực mình bởi ý nghĩ rằng anh cán bộ nọ thiếu tinh thần hợp tác. Thế nhưng sau quá trình tìm hiểu, tôi đã phải thừa nhận rằng anh nói đúng bởi hàng nghìn hộ dân Hoàn Trạch đều là những điển hình trong phong trào xây dựng NTM. Và "Ra ngõ gặp điển hình" là tiêu đề bài viết của tôi về những người nông dân Hoàn Trạch hưởng ứng phong trào xây dựng NTM trong những ngày khởi đầu ấy...

Bê tông hóa đường nông thôn.
Bê tông hóa đường nông thôn.

Ngày mới nhắc chuyện cũ chỉ để khẳng định thêm một lần nữa về quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống bằng sự nhanh nhạy, chủ động và sáng tạo, đầy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi một người dân Bố Trạch.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bố Trạch là địa phương có nhiều mô hình hay cho các huyện bạn học tập. Khi cây cao su đã khẳng định được vị thế của mình trên đồng đất quê hương, người nông dân vẫn tiếp tục khám phá, tìm tòi thêm hướng đi mới. Đó là cây ớt đang dần có chỗ đứng sau ba mùa ra hoa kết trái.

Có nông dân chỉ sau một mùa thu hoạch đã sở hữu hàng trăm triệu đồng từ loại cây mới mẻ này. Cánh đồng mẫu lớn là tương lai gần của cây ớt trên đồng đất Bố Trạch, hứa hẹn những vụ mùa bội thu, đồng nghĩa với sự xuất hiện của những "triệu phú nông dân", một khái niệm mới mẻ và đầy ý nghĩa. Là những ngư dân Đức Trạch không chỉ bằng lòng với ngư trường truyền thống mà tiếp tục đầu tư, trang bị tàu to, máy lớn để vươn đến tận những ngư trường xa như vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa... đánh bắt hải sản, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương...

Còn nhiều nữa những đổi thay trên quê hương Bố Trạch sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cái được đã rõ, nhưng để Nghị quyết tiếp tục phát huy sức mạnh, các cấp lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại và thiếu sót trong quá trình thực hiện. Đó là ở nơi này, nơi kia, cán bộ còn quan liêu, vì lợi ích cá nhân mà chưa thực sự phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.

Chuyện về đảng viên nọ không chịu giải tỏa mặt bằng để xây dựng đường NTM trong khi tất cả người dân trong khu vực đều hưởng ứng nhiệt tình, cần phải bị lên án và nghiêm túc kiểm điểm để làm gương và chấn chỉnh. Đó còn là sự chạy đua để kịp tiến độ trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM mà ở xã A, xã B... chưa thực sự chú trọng đến chất lượng của chương trình. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp chưa thực sự vững chắc, nhiều địa phương còn loay hoay tìm lối ra.

Trong quá trình xây dựng NTM nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung còn chú trọng nhiều đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà đó đây vẫn còn nhiều dấu hỏi về bài toán bên A - bên B đầy tế nhị. Tiềm năng du lịch chưa được phát huy đúng mức, tình trạng phá rừng vẫn còn tiếp diễn, nội bộ chưa thực sự đoàn kết... cũng là những tồn tại, hạn chế mà Bố Trạch cần tập trung khắc phục để tiếp tục đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống...

Vâng, 5 năm với bấy nhiêu ngày... Tin tưởng rằng, với quyết tâm và những bài học sâu sắc rút ra sau hơn 1.800 ngày nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bố Trạch sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả mới, góp phần mang lại diện mạo tươi đẹp cho quê hương.

                                                                  Ngọc Mai