.

Nà Lâm xa ngái

Thứ Bảy, 20/04/2013, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Đổ xuống hết dốc Cồ sâu thăm thẳm là đến thung lũng Nà Lâm. Trưa nắng rát, giữa bốn bên núi non cao vời vợi, ánh mắt chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà sàn bé nhỏ nằm thưa thớt. Võ Thành Đồng, Xã đội trưởng xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh)- người dẫn đường bảo: “Đó, bản Nà Lâm đó, Nà Lâm xa ngái!”.

Đời bản, đời người

Từ trung tâm xã Trường Xuân, chúng tôi theo con đường đầy bụi xuyên giữa thung lũng Rào Trù, chiến khu xưa của huyện Quảng Ninh trực chỉ bản Nà Lâm. Núi non ngày trước hữu tình là thế nay trơ tróc, nham nhở vì bị các doanh nghiệp khai thác đá phục vụ cho nhu cầu xây dựng. Xe ô tô chở đá chạy suốt ngày nên bụi mù mịt. Qua hỏng Rào Trù, đến bản tái định cư Cây Trai, đi chừng 5km nữa đã thấy Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân với những ngôi nhà ngói nhỏ nằm san sát dọc đường.

“Từ đây vào với bản Nà Lâm non chục cây số- Võ Thành Đồng bảo thế- Nhưng đường sá hiểm trở, dốc cao, suối sâu. Mấy năm ni có doanh nghiệp Hồng Đức thực hiện dự án trồng cao su tại thung lũng Nà Lâm, họ san ủi đường sá nên mùa hè có thể đi xe máy, nhưng mùa đông thì bó tay. Ngày trước, bà con dân bản mỗi khi cần ra xã phải lội bộ mất gần ngày trời, nên chi nói Nà Lâm xa ngái cũng chẳng sai”.

Quãng tầm giữa trưa, chúng tôi đổ xuống dốc Cồ, bản Nà Lâm hiện ra trước mặt. Dân số của bản chỉ vẻn vẹn 12 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều với 40 nhân khẩu gốc gác tận xã Trường Sơn. Mà thung lũng Nà Lâm hiện tại thuộc địa giới hành chính của xã Trường Sơn, cách nhau bởi con dốc Chà Rù tầm “quăng rạ”. Chỉ có con người do xã Trường Xuân quản lý. Nhập nhằng thế cho nên sống trong thung lũng Nà Lâm đất đai trù phú rộng đến 300ha mà dân bản lại thiếu đất sản xuất. Duy nhất tại Nà Lâm, đồng bào vẫn đang duy trì phương thức canh tác “chặt- đốt- cốt- trỉa”, làm lúa rẫy trên những sườn núi, cứ vài ba mùa rẫy lại đi tìm chỗ đất mới, mấy năm sau mới quay trở lại rẫy cũ, cứ thế quay vòng.

Đường vào bản Nà Lâm.
Đường vào bản Nà Lâm.

Bản Nà Lâm có đôi vợ chồng già làng Hồ Xe, Hồ Thị Kiệt mà chúng tôi được nghe kể rất nhiều mỗi lần lên công tác tại xã Trường Xuân. Già Hồ Xe sinh năm 1947, em trai của ông Hồ Kim Lô, nguyên đại úy, Đồn phó Đồn biên phòng Làng Mô, xã Trường Sơn. Bà Hồ Thị Kiệt là người Kinh, gốc gác xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy). Nếu không được bà “bật mí” cho biết vậy thì chúng tôi “bé cái lầm”, vì nhìn vẻ bề ngoài bà hoàn toàn giống với một phụ nữ Vân Kiều thực thụ. Rất tiếc, khi chúng tôi đến bản, già Hồ Xe đã lên rừng đặt bẫy từ sáng sớm.

Bà Hồ Thị Kiệt kể rằng: “Ông mệ gặp nhau tại chiến khu Rào Trù vào năm 1966, lúc đó chiến tranh chống Mỹ đang vào hồi ác liệt lắm. Theo ông đi phục vụ kháng chiến khắp một dãy núi rừng Trường Sơn, sau đó thì về định cư tại bản Nà Lâm. Thời gian lâu lắm rồi, đầu óc người già như mệ không nhớ nổi tuổi đời của bản”.

Vợ chồng già Hồ Xe có với nhau tám mặt con, mất hai còn sáu, trong đó có bốn trai, hai gái. Con gái đi lấy chồng xa, con trai ở lại cùng bố mẹ tại Nà Lâm. Gần một nửa số hộ của bản là đại gia đình của già Hồ Xe với ba thế hệ quây quần. Bốn con trai già Hồ Xe hiện tại đều làm cán bộ. Nhắc đến các con, bà Hồ Thị Kiệt rất tự hào: “Cả nhà đều làm cán bộ hết mà, cách mạng lắm”. Hồ Hữu là Bí thư chi bộ bản, Hồ Mót làm Trưởng bản, Hồ Quang là đại biểu HĐND xã và Hồ Chót là Bí thư Đoàn thanh niên của bản.

Biết khi mô thoát nghèo...?

Trong ngôi nhà sàn khang trang nhất bản, Bí thư chi bộ Hồ Hữu vừa rót nước cho khách vừa bùi ngùi tâm sự vậy. Cách trở về mặt địa lý, giao thông đi lại khó khăn, người Nà Lâm có thể ví như sống “một chốn hai quê” khi chính quyền hai xã Trường Xuân và Trường Sơn và cả huyện Quảng Ninh chưa thống nhất với nhau một giải pháp nào hiệu quả nhất để đồng bào “an cư, lạc nghiệp”.

Cây sắn và đậu xanh, những cây trồng chính  của đồng bào Vân Kiều bản Nà Lâm.
Cây sắn và đậu xanh, những cây trồng chính của đồng bào Vân Kiều bản Nà Lâm.

Sống mấy chục năm trên đất của mình, bỗng một ngày, khi đồng bào cầm cái cuốc, con dao ra phát rẫy trồng sắn, trồng lúa thì bị người lạ ngăn lại không cho làm. Họ trưng ra bản đồ quy hoạch, quyết định cấp đất của UBND tỉnh rằng đất này đã được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hồng Đức để triển khai dự án trồng cao su (chúng tôi sẽ đề cập đến câu chuyện này trong một bài viết khác cụ thể hơn). Về lý, đồng bào thua. Về tình, đồng bào ngậm ngùi... Đơn kiến nghị gửi ra xã, xuống huyện, đến tỉnh, đồng bào dài cổ chờ, nhưng kết cục không đâu vào đâu. Đất vẫn bỏ hoang cho cỏ dại mọc, đồng bào vẫn chịu cảnh nghèo.

Năm 2006, già Hồ Xe mua ống nhựa dẫn nước từ khe Mít cách bản hơn cây số về quyết tâm cải tạo vườn nhà, đào ao nuôi cá và trồng lúa nước. Trưởng bản Hồ Mót nhớ lại: “Hồi đó, gần 3 sào lúa nước của ông mệ tốt lắm, năng suất được cán bộ nông nghiệp huyện đánh giá đạt gần 45 tạ/ ha. Dân bản mừng, xem đây thực sự là hướng thoát nghèo. Đùng cái, đường ống vỡ, nước không đủ dùng cho sinh hoạt lấy mô tưới cho đồng ruộng. Qua năm 2008, ông mệ bỏ hoang đến tận bây chừ”.

Hỏi: “Rứa hiện tại, bà con sinh sống bằng gì?”. Hồ Hữu trả lời: “Thì lên rừng đặt bẫy kiếm con thú, bán đổi gạo; rồi trồng lúa rẫy, sắn, đậu xanh. Rừng Nhà nước cấm, đồng bào rất có ý thức bảo vệ rừng, nên không có chuyện chặt phá, khai thác gỗ lậu mô. Lo cái ăn chừng 6 tháng, thời gian còn lại nhờ vào trợ cấp gạo của cấp trên. Tài sản quý nhất của toàn bản là 20 con trâu bò”.

Nhưng một thứ tài sản quý giá khác mà bản Nà Lâm có: đó là 6 học sinh hiện đang trọ học tại xã Trường Xuân, trong đó có em Hồ Văn Quân, học lớp 6 tại Trường dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh. Quân học giỏi, chăm ngoan, từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi năm học 2011- 2012; đoạt giải khuyến khích giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh dân tộc nội trú cấp tiểu học toàn tỉnh lần thứ nhất. Vì đường sá đi lại khó khăn, cách trở, học sinh bản Nà Lâm đi học phải ở trọ và một năm chỉ về nhà hai lần vào dịp Tết và nghỉ hè. “Tương lai mong bọn trẻ thoát ly ra ngoài, may răng đổi đời được, chứ quay về bản, lại giống như cha ông chúng thôi, nghèo vẫn hoàn nghèo”- Hồ Hữu chia sẻ.

Lại đứng trên dốc Cồ, ngắm thung lũng Nà Lâm trải rộng ra bên dưới, xanh an bình, trù phú. Nhớ lời Hồ Hữu gửi trao khi chia tay như một thông điệp day dứt lòng người: “Cho đồng bào đất... may ra đồng bào hết đói nghèo!”.

                                                                                       Ngô Thanh Long