Kỹ nghệ “tiễn” cò về miền cổ tích

Cập nhật lúc 10:02, Thứ Sáu, 21/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Cứ tưởng đồng loại của mình đang mải mê kiếm ăn trên cánh đồng, đàn cò sà xuống, nhưng đó chỉ là đàn cò xốp, làm mồi, và những chú cò tội nghiệp đã sập "lưới nhện" của những người bẫy cò. Với kỹ nghệ bẫy cò này, một vài năm nữa có lẽ, cò chỉ có thể còn... trong chuyện cổ tích?

* "Mồi" ngon, giá rẻ

Chợ Hoàn Lão (chợ trung tâm huyện Bố Trạch) mùa này có hẳn một hàng bày bán công khai mặt hàng "tươi sống" mà dân nhậu rất thích đó là cò. Theo ghi nhận, từ tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch) hàng năm, ở chợ Hoàn Lão mỗi ngày có hàng trăm con cò được tiêu thụ. Chợ buổi sáng đông đúc nhưng toàn là chị em phụ nữ, thoáng thấy mặt tôi người phụ nữ ngồi bên 3 chiếc lồng đựng đầy chim cò và mụ thợm (loại chim giống cò nhưng nhỏ hơn - PV) đon đả: "Chú mua một cặp về nhậu. Loại này mà rô ti, xáo măng lên nhậu "bắt" lắm chú à". Tôi chưa kịp trả lời thì một người đàn ông trung niên xuất hiện hỏi người phụ nữ: "Bao nhiêu một con rứa chị?". "25.000 đồng anh ạ!". Không cần trả giá, người đàn ông bảo chị bán cò lấy 5 con, đoạn quay qua phía tôi phân trần: "Có anh bạn vừa ở nước ngoài về. Tính ra chợ mua cái chi đặc sản về đãi bạn, gặp được lũ cò này. Loại này vừa sạch, vừa ngon, vừa rẻ".

 

Cò được bày bán tại chợ Hoàn Lão. Ảnh: Phương Lâm
Cò được bày bán tại chợ Hoàn Lão. Ảnh: Phương Lâm

Bắt chuyện với người phụ nữ bán cò, chị không ngần ngại cho biết, chị bán cò ở chợ Hoàn Lão đã được 3 năm nay nhưng mỗi năm chỉ được 3 tháng (tháng 7 đến tháng 10) vì những tháng khác không bắt được chim. Nguồn chim cò chị lấy ở những người làm nghề bẫy trên các cánh đồng ở các xã Trung Trạch, Đồng Trạch, Đại Trạch, Bắc Trạch, Thanh Trạch... với giá 20.000đồng/con, bán lại với giá 23 đến 25.000 đồng/con. "Được cái, loại hàng này có bao nhiêu cũng bán hết bấy nhiêu nên tui cũng kiếm được. Ngày trước chim cò còn nhiều, chỉ cần vài mối hàng là tui đã đủ chim bán rồi, nhưng bây giờ tui phải đặt 4 đến 5 mối mới có chim bán." - Người phụ nữ hồn nhiên kể.

* Kỹ nghệ bắt cò

Lần theo câu chuyện của người phụ nữ bán cò ở chợ Hoàn Lão, tôi tìm đường ra những cánh đồng. Mới thoáng qua, tôi cứ tưởng trên cánh đồng đang có hàng nghìn con cò đang mải mê kiếm ăn, đậu từng bầy trắng trời non nước. Lại gần chút nữa, tôi biết mình đã bị đánh lừa bởi đó chỉ là đàn cò giả làm bằng xốp làm mồi để nhữ cò thật. Hơn 9 giờ sáng, nhóm 3 người ở xã Trung Trạch bẫy được gần 20 con cò và mụ thợm. Bụi tre to đầu đường dẫn ra ruộng được nhóm chọn làm "đại bản doanh", ngồi dưới bóng tre vừa mát nhưng cũng để che mắt cò. Một đàn cò bay qua, một trong 3 người đàn ông nhanh tay cầm lấy sợ dây dài và giật liên hồi. Giữa đám cò xốp, có 3 - 4 cánh chim trắng đập cánh như muốn bay lên.

Đó là những con cò khỏe mạnh đã bắt được để làm mồi nhử bằng cách cắm một cọc tre ở giữa đám cò giả rồi cho thợm đậu lên đó. Con cò này bị buộc dây cước ở chân, kéo dài vào chỗ người ngồi... Đàn cò bay trên cao thấy vậy, tưởng đồng loại của mình đang kiếm ăn, chao liệng một vòng rồi sà xuống và dính vào "ổ nhện" của những người này. 5 con cò đã dính bẫy của họ.

 

Bẫy cò được  mồi bằng những con cò bằng xốp và rừng chông keo dính. Ảnh: Phương Lâm
Bẫy cò được mồi bằng những con cò xốp và rừng chông keo dính. Ảnh: Phương Lâm

Tôi cũng tất tả chạy theo và tận mắt quan sát cách bắt cò của họ thật công phu; là làm những con cò giả cắm thành đám trên ruộng theo mật độ thích hợp rồi cắm những que tre quệt đầy keo xen giữa các con cò giả. Nó như lớp chông tàng hình tua tủa chổng đứng. Khi lũ cò bay trên trời thấy có nhiều "bạn" ở dưới mà chao xuống nhập đàn thì đôi cánh của nó sẽ dính ngay vào lớp keo dẻo quẹo đó mà không thể bay được nữa. Sau khi bắt được cò, những tay thợ bẫy lập tức dùng chính lông cánh con cò khâu mắt chúng lại nhốt vào lòng vì sợ cò mổ mắt.

Theo những người bẫy cò, việc sử dụng keo để bẫy cò đã có "truyền thống" ở vùng này như một số người tự hào là nghề gia truyền. Nhưng ngày trước các cụ không hề nghĩ ra cách làm cò giả như bây giờ. Theo họ, nghề này xuất phát từ một vài xã của huyện Quảng Trạch vì họ mua keo ở ngoài đó. Keo được làm khá công phu, đầu tiên phải lên rừng lấy vỏ một thứ cây mang về giã nhỏ rồi chưng cất với nước cho đặc sệt làm sao để keo vừa dầm mưa, dầm nắng mà không mất độ dính thì mới bảo đảm chất lượng.

Càng ngày kỹ nghệ bẫy cò càng được cải tiến hết sức hiệu quả nhưng kinh nghiệm vẫn là số 1. Một người tên Ð. ra vẻ thận trọng khi nói về bí quyết tóm gọn được đàn cò: "Phải đoán xem hôm nay gió hướng nào thì sẽ cắm cò mồi như đang đứng ăn theo hướng đó và với mật độ vừa phải, không dày không thưa, nhất là phải chú ý cắm que tre dính keo chĩa theo hướng cò sẽ sà xuống. Cũng không nên cắm que dày vì cò sẽ dễ nhận ra".

* Chỉ còn…trong chuyện cổ tích

Đi dọc theo quốc lộ 1A, qua cánh đồng các xã Đại Trạch, Trung Trạch, Đồng Trạch, Bắc Trạch... mùa này  khó có thể đếm hết những "tổ" bẫy cò. Cò mồi ken dày,  mới đếm sơ qua đã gần 50 đám, bình quân mỗi đám trên dưới 100 con mà nhân lên sẽ thấy cò mồi trắng cánh đồng nhỏ. Mua một lon keo của mấy người từ Ba Đồn vô bán mất 30 nghìn đồng, mua xốp cho làm con cò giả hết 100 nghìn đồng nữa là họ có thể hành nghề. Và với số lượng hàng trăm "tổ hợp" và kỹ nghệ bẫy cò như vậy thì một điều không ai mong muốn (lẽ dĩ nhiên trừ những người bẫy cò) chắc chắn sẽ xảy ra: chỉ một vài năm nữa thôi cò chỉ còn... trong chuyện cổ tích.

Một cán bộ ở Hạt kiểm lâm Bố Trạch cho biết, từ năm 2009, trước tình trạng bẫy cò tràn lan, hạt đã tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình ra văn bản, phối hợp với chính quyền các xã cấm đánh bắt cò. Tuy nhiên, tình hình đến nay vẫn không cải thiện được. "Cũng khó cho lực lượng kiểm lâm vì giữa đồng không mông quạnh, hễ thấy người mặc áo quần kiểm lâm xuất hiện thì họ đã bỏ chạy. Tịch thu dụng cụ bẫy thì làm không xuể, mà những thứ rẻ tiền đó, thu rồi họ sắm lại và lại hành nghề như cũ" - anh cán bộ kiểm lâm nói.

                                                                                              Phương Lâm

 

 

 

 

,
.
.
.