Sạt lở "nuốt" mất làng

Cập nhật lúc 10:15, Thứ Tư, 19/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong hai năm trở lại đây, mưa lũ đã gây sạt lở nhiều đoạn đường về xã Hóa Sơn (Minh Hóa). Nghiêm trọng hơn, sạt lở đã "nuốt" đi đất ở, đất vườn của người dân, khiến 11 hộ dân đã phải di dời, hàng chục hộ khác và trường học cũng đang sống trong cảnh lo âu thấp thỏm.

Nhiều đoạn đường "đau khổ"

Đường về Hóa Sơn (Minh Hóa) bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh xã Hóa Hợp đến hết thôn Tăng Hóa dài khoảng 13km. Ngay dưới chân eo Lập Cập đã có 1 điểm đá lèn lở xuống đường làm ảnh hưởng đến việc đi lại. Phía trên, còn có nhiều tảng đá to đã bị rạn nứt có nguy cơ lở tiếp. Qua hết eo này, chúng tôi đi trên con đường bê tông mới làm rất đẹp.

Tuy nhiên, những đồi cao phía bên phải đã có nhiều chỗ đất lở xuống đường, lấp mương thoát nước. Phía bên trái là vực sâu nên nguy cơ sạt lở cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngầm Bươm Bướm mới tu sửa lại nhưng mưa lũ đã làm sụt một hố dưới chân sâu khoảng 0,5 m, dài khoảng 3 m, rộng hơn 1 m. Và cả một đoạn đường bê tông dài trên 500 m từ ngầm kéo dài đến thôn Đặng Hóa cũng đang bị sạt lở tấn công. Nước lũ đã "ngoạm" trôi hàng nghìn khối đất đá, "ăn" sâu vào tới mép đường.

Ngầm hang Chinh bị mưa lũ chia cắt. Ảnh: Xuân Vương.
Ngầm hang Chinh bị mưa lũ chia cắt. Ảnh: X. V

Anh Nguyện, một người dân gần đó cho biết: "Trước đây, nước khe cách đường từ 10 đến 15m. Nhưng qua hai mùa mưa lũ gần đây, sạt lở đã tấn công vào tới con đường rồi". Trước đó, nguồn vốn của Trung ương đã đầu tư cho xã 6 tỷ đồng xây một bờ kè dài 500m, nhưng công trình mới chỉ thi công được khoảng 100 m móng của kè thì mùa mưa lũ đến.

Trong đợt lũ vừa qua, "thủy thần" đã cắt ngầm hang Chinh thành hai đoạn. Do ngầm này bị chia cắt nên hàng chục học sinh và người dân thôn Tăng Hóa muốn ra trung tâm xã phải đi qua một con đường vòng xa xôi, lầy lội. Em Đinh Thanh Hơn- học sinh lớp 8 Trường Tiểu học và THCS Hóa Sơn than thở: "Bữa trước, đường thông nên chúng em đạp xe đi học rất thuận tiện. Nay đường bị chia cắt rồi nên phải đi bộ đến trường trên con đường lầy lội vừa xa, vừa mệt nữa".

Đặc biệt khoảng 700m đường đi lại trong thôn Tăng Hóa dọc theo khe Dương Câu bị sạt lở cuốn trôi hoàn toàn. Bà Cao Thị Cánh, một người dân trong thôn thở dài: "Cách đây hai năm, phía trước nhà tôi có một con đường khá rộng rãi, ô tô và xe máy vẫn qua lại bình thường. Thế mà qua hai mùa lũ, nước đã cuốn trôi mất rồi. Chừ muốn ra trung tâm xã cần phải phá hàng rào qua vườn hàng xóm mới đi được".

Hàng chục hộ dân cần phải di dời

Theo thống kê của UBND xã Hóa Sơn, thôn Tăng Hóa có 80 hộ dân và một điểm trường đang cần phải di dời. Đầu năm 2011, Báo Thanh Niên đã hỗ trợ di dời được 11 hộ (mỗi hộ 30 triệu đồng). Hiện cả thôn còn 69 hộ, trong đó có 14 hộ cần phải được di dời khẩn cấp. Qua "mục sở thị", chúng tôi nhận thấy cả một đoạn sạt lở dài chạy theo bờ khe Dương Câu rất nghiêm trọng. Có nhiều chỗ, sạt lở đã tấn công vào tới sân nhà dân, có nhà thì cách 10 m, nhà thì cách 20m...

Riêng điểm trường mầm non, Trường tiểu học và THCS Hóa Sơn tại thôn chỉ cách điểm sạt lở chừng 30m. Sạt lở kéo dài khoảng 800m, rộng từ 10 đến 25m đã cuốn trôi vườn tược, đất ở khiến nhiều hộ dân phải sống trong cảnh lo âu thấp thỏm. Ông Đinh Minh Đức lo lắng nói: "Phải đi nơi khác thôi các chú ơi. Sạt lở vô tới sân nhà rồi, sợ lắm! Đợt lũ vừa qua, đất vườn nhà tôi cứ đổ ầm ầm xuống khe". Chỉ qua hai năm, sạt lở đã "nuốt" mất 1/3 diện tích đất vườn nhà ông (khoảng 1.500m2).

Sạt lở kéo dài hàng trăm mét ở thôn Tăng Hóa. Ảnh: Xuân Vương.
Sạt lở kéo dài hàng trăm mét ở thôn Tăng Hóa. Ảnh: X. V

Ông Cao Đắc- một người dân khác than vãn: "Nhà tui thì nghèo, nhưng cũng phải vay tiền để nhờ con cháu, bà con xóm giềng chuyển nhà gấp vì sạt lở". Ở thôn này, không chỉ người dân ở gần khe phải đối mặt với sạt lở mà còn 5 hộ dân khác cũng đang sống lo âu vì nguy cơ núi lở nữa.

Trước thực trạng nêu trên, chính quyền xã Hóa Sơn đã có kế hoạch đi dời dân đến xóm Nhà Cù, vùng Bắng - nơi có quỹ đất rộng lớn. Ông Đinh Hồng Tuyên- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trước mắt, xã đã trích ngân sách hỗ trợ cho 14 hộ dân trong diện di dời khẩn cấp mỗi hộ 2 triệu đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm tờ trình lên cấp trên xin thêm kinh phí".

Việc di dời hàng chục nhà dân đến nơi ở mới đang gặp nhiều khó khăn vì cần phải có kinh phí lớn, đường sá đi lại nhiều chỗ cũng không có. Mặt khác, phần lớn dân ở thôn Tăng Hóa đều thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, họ đang rất mong có thêm sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp và cả cộng đồng.

                                                                                                           Xuân Vương

,
.
.
.