Chuyện những người cõng cột mốc lên non

Cập nhật lúc 10:16, Thứ Năm, 13/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Công ty TNHH XDTH Tấn Phát là một trong 5 doanh nghiệp được "chọn mặt" để làm nhiệm vụ đặc biệt: xây dựng cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào trong khuôn khổ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam- Lào. "Vẫn biết đấy là công việc đầy khó khăn, nhưng khi bắt tay vào việc mới hay còn... khó khăn hơn tưởng lúc đầu...". Đấy là tâm sự của anh Trang Hiếu Tuấn, Giám đốc công ty khi được hỏi về công việc nơi miền biên ải  lúc anh vừa "hạ sơn" sau mấy ngày "nằm gai, nếm mật" trên rừng...

Từ đầu năm 2010 đến nay, anh Tuấn đã có mấy chục chuyến đi để thực hiện nhiệm vụ được giao. Anh cho biết, để thực hiện xây dựng được một cột mốc, ít nhất phải có 4 chuyến đi. Mỗi chuyến đi có những nỗi vất vả khác nhau, nhưng nặng nề nhất là chuyến vận chuyển vật liệu từ dưới xuôi lên để xây dựng cột mốc. Để bảo đảm hệ thống cột mốc biên giới bền vững, việc xây dựng cột mốc phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ và bài bản.

Cột mốc được đặt trên bệ và nền bê tông cốt thép có độ dày và dài rộng theo quy định, để có được khối lượng bê tông đó phải vận chuyển lên điểm tập kết hơn 10 tấn vật liệu/ mỗi cột mốc. Khó khăn nhất là vận chuyển cột mốc. Bởi lẽ cột mốc nặng khoảng 300-500 kg (tùy loại), được đúc sẵn liền khối, không thể phân chia để nhiều người cùng vận chuyển như những thứ vật liệu khác. Đã thế, khi vận chuyển không được làm trầy, xước, thay đổi màu sắc... Còn đường lên cột mốc thì khỏi phải nói, dốc cao, lèn đá tai mèo, qua khe suối. Có khi đi bằng chân mà có khi lại đi cả bằng... tay. Chỉ một chút sơ sẩy là tai hoạ ập đến ngay. Có vị trí cột mốc đi bộ cả mấy ngày đường trong điều kiện thời tiết vùng biên giới mang màu sắc cả đông và tây Trường Sơn, nắng mưa thất thường...

Một việc khó nữa là không xác định được khoảng thời gian công việc khi thực hiện cắm mỗi cột mốc để lên kế hoạch cụ thể. Rồi Tuấn kể về chuyến đi tìm vị trí cột mốc 556 và 557. Đấy là vào giữa năm 2010, đoàn gồm cả mấy chục người, sau hơn 2 ngày trèo đèo lội suối đã đến được vị trí cắm mốc số 556. Làm xong các thủ tục về vị trí cột mốc này vào lúc quá trưa. Xác định trên bản đồ địa hình vị trí cột mốc số 557 cách chỗ đứng chân khoảng 1,5 km. Anh em trong đoàn tính toán, có thể khảo sát xong vị trí cột mốc 557 và "hạ sơn" trước khi trời tối. Thế nhưng sau mấy tiếng đồng hồ đến đúng vị trí cần tìm, công việc xác định ví trí cụ thể cứ kéo dài do chưa có sự thống nhất giữa ta và bạn.

Trời lúc này tối dần, cả đoàn người không thể đứng hứng gió trên đỉnh núi, hơn nữa ở đây không có nước để nấu cơm...Thế là đành phải quay về, lúc khác lại lên tiếp. Khi tụt xuống lưng chừng đỉnh núi trời vừa sẩm tối không thể đi thêm được nữa đành đóng quân lại. Công việc tiếp theo là nấu cơm, dựng lán trại tá túc qua đêm. Nhưng đến lúc soạn xoong nồi để nấu cơm mới tá hoả ra là nơi đây không có nước. Anh em toả ra 4 phương tìm mãi mới có được vài chục lít nước được chắt lọc trong các hang hốc tù đọng, nước có màu nước mắm do ngâm nhiều thứ lá cây. Không có cách gì khác đành dùng tạm để uống, nấu cơm... Bữa cơm nuốt khó trôi quá nhưng không cách nào khác anh em động viên nhau ăn để lấy sức ngày mai còn leo núi...

 

Vận chuyển cột mốc. Ảnh: V. P
Vận chuyển cột mốc. Ảnh: V. P

Việc lấy mặt bằng thi công cột mốc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những cột mốc không nằm nơi bình thường mà ở vị trí "đắc địa". Ví dụ như cột mốc số 524 mà đơn vị đang triển khai thực hiện là một ví dụ.

Nói đến cột mốc này, tôi nhớ lại lần hội đàm giữa hai Ban chỉ đạo cắm mốc hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn mấy tháng trước tại thành phố Đồng Hới. Tôi cũng đã nhìn thấy vị trí cột mốc khá đặc biệt này khi được anh Lê Đình Lân, Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 của tỉnh cho xem qua ảnh. Tại cuộc họp hai bên đã bàn bạc khá kỹ, có đưa ra tình huống phải xử lý bằng chất nổ, nhưng phương án này khó thực thi vì đây là vùng biên giới, phải thực hiện nhiều thủ tục cấp quốc gia mới có thể nổ mìn được.

Số là lúc trước cột mốc này cắm ngay trên một hòn đá to, có kích thước đến vài ba mét khối. Hòn đá này lại chồng lên một hòn đá khác có kích thước lớn hơn nữa. Cột mốc được cắm trên hòn đá to lớn nhưng nhìn vẫn có vẻ chênh vênh, không được chắc chắn lắm. Hơn nữa  theo chủ trương của dự án, cột mốc mới phải có nền, bệ, kích thước theo quy định cụ thể  như thiết kế. Vì vậy muốn cắm cột mốc mới phải "xử" các hòn đá này để lấy mặt bằng. Công việc "xử" các hòn đá này không ai khác là đơn vị thi công. Thế là đơn vị lại phải ghè nát hai hòn đá bằng phương pháp thủ công suốt cả tuần lễ... Đến nay công việc đã hoàn tất, có mặt bằng nghiêm chỉnh cho việc xây dựng cột mốc một cách vững chãi...

 Dù công việc trên vùng biên cương đầy khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn đều đặn thực hiện theo kế hoạch. Kể từ cột mốc đầu tiên vào tháng 5-2010  đến nay Công ty TNHH XDTH Tấn Phát đã hoàn thành 8 cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào, địa phận tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn. Các cột mốc do đơn vị thực hiện đều được đánh giá cao về chất lượng, thẩm mỹ. Theo kế hoạch, trong thời gian còn lại của năm 2011, đơn vị sẽ tiến hành cắm 2 cột mốc nữa. Công việc chuẩn bị đã hoàn tất, ngày lên đường để cắm mốc trên thực địa cũng đã được sắp xếp...

                                                                                                      Văn Hoàng

 

 

 

,
.
.
.