Cột mốc, đời người

Cập nhật lúc 10:03, Thứ Ba, 11/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Cũng như mọi lần, hôm nay khi con gà rừng chưa gáy, bà Hồ Thị Đăn đã thức dậy để nắm cơm cho Hồ Mút ăn đường. Bà biết rất rõ nơi ông đến cũng là đất mẹ. Dù nắng rát hay mưa dầm, cứ dăm bữa nửa tháng là Hồ Mút lại chống gậy  lên thăm cột mốc N11 trên tuyến biên giới Việt -Lào.

Gia đình Hồ Mút sinh sống ở bản Xòn,  một bản nhỏ của người Mày nằm sâu trong dãy Trường Sơn thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Mấy năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của Nhà nước và Bộ đội Biên phòng, đời sống của đồng bào ở đây đã thêm phần khấm khá.

Đồng bào được về ở bản mới, bát cơm, manh áo cũng tươm tất hơn, gia đình Hồ Mút có trong số đó. Và, như một sự tri ân, Hồ Mút đã tình nguyện là một người lính biên phòng không quân phục. Từ ngôi nhà sàn nhỏ bên suối của ông, muốn lên cột mốc N11 ở độ cao hơn 2500 mét phải mất gần một ngày đường, lội qua những dòng suối sâu, leo qua những con dốc dựng đứng.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm đó là một hành trình không đơn giản,  nhưng với Hồ Mút thì đã có sức mạnh ở bên trong, đó là tấm lòng dung dị mà chân thành của đồng bào Mày với quê hương, là niềm tin yêu của vợ, con và bà con dân bản dành cho ông. Gần nửa thế kỷ qua, gia đình đã quen với sự vắng mặt của ông, dân bản quen với hình ảnh ông cơm nắm, nước bình một mình ngồi thanh thản bên cột mốc. Còn trong sâu thẳm của trái tim mình thì Hồ Mút hiểu, khi cột mốc N11 còn đứng vững trên đường biên, nghĩa là bản làng của ông, gia đình của ông đang bình yên trong lòng Tổ quốc.

Hồ Mút và con trai Hồ Lê bên cột mốc N11. Ảnh: Minh Lợi
Ông Hồ Mút và con trai Hồ Lê bên cột mốc N11. Ảnh: Minh Lợi

Đưa mắt nhìn về phía góc trời biên giới - nơi ông đã từng gắn bó cuộc đời mình, già làng Hồ Mút mộc mạc như tấm lòng của người Mày: "Theo như lời Bác Hồ dặn, biên giới là bức phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc, già đang ở đây thì già có trách nhiệm cùng các con,  cháu bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc".
Những công việc Hồ Mút làm không có trong lịch công tác, không phân công, không phát động và thật đơn giản như: lau chùi, làm cỏ, phát quang xung quanh cột mốc, nắm tình hình thực trạng cột mốc để kịp thời báo cho Bộ đội Biên phòng biết  xử lý... Ông, một con người bình thường làm những công việc bình thường nhưng không phải ai cũng làm được.

Trong lòng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đồn Ra Mai, ông thực sự là một người đồng đội mẫn cán và đáng tin cậy.  "Gần năm mươi năm nguyện gắn bó với đường biên, cột mốc, cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên cương Tổ quốc, già làng Hồ Mút là tấm gương đáng để mỗi người học tập noi theo. Giờ đây, biết mình đã tuổi cao, sức yếu, già đang truyền lại cho con, cháu những công việc mà mình đã làm.

Chúng tôi nghĩ, thế trận biên phòng được vững chắc cũng chính là dựa trên sức mạnh tổng hợp của toàn dân..."- Thượng tá Hồ Quang Phúc, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ra Mai đã từng nói về Hồ Mút  như vậy.
Chuyến trở lại cột mốc lần này của già làng Hồ Mút cùng những người lính  biên phòng chúng tôi có thêm một thành viên mới, đó là Hồ Lê - người con trai út của Hồ Mút.

Tiếp nối phong tục đẹp của người Mày, Hồ Mút đang trao truyền lại cho Hồ Lê công việc mà ông đã trọn tâm, trọn ý suốt đời, cắm lên đường biên Tổ quốc thêm một cột mốc mới - cột mốc có trái tim và tấm lòng yêu quê hương đất nước. 

Chiều biên giới, cơn mưa rừng xối xả trắng cả núi rừng,  những con nước lớn bàng bạc đổ về suối Xòn chảy quanh bản nhỏ. Giữa bao câu chuyện  ấm áp của già làng Hồ Mút cứ mãi trào dâng trong tôi những cảm xúc đáng trân trọng.  Khi nơi biên cương xa xôi đã có những "cột mốc sống"  như cha con già làng Hồ Mút, Tổ quốc đã ở trong lòng nhân dân...

                                                                                            Minh Lợi

,
.
.
.