Gặp người "rắn độc chào thua" ở đất Di sản

Cập nhật lúc 10:01, Thứ Sáu, 07/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Không hương đèn nhang khói, không thần chú u mê như kiểu ta thường bắt gặp ở những ông lang vườn, ông Nguyễn Văn Thành, thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch lặng lẽ chữa rắn độc cắn cho bà con chòm xóm, cứu người, làm phước...

 

Ông Nguyễn Văn Thành với thần dược trên tay. Ảnh: Thành Minh
Ông Nguyễn Văn Thành với thần dược trên tay. Ảnh: Thành Minh

* Thần dược?

Đang loay hoay dọn cửa hàng đợi khách, chị Nguyễn Thị Thêu ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, Bố Trạch bỗng thấy nhói ở cổ chân. "Hình như em bị rắn cắn anh ơi", chị Thêu với gọi chồng. Nhìn vết thương đang rỉ máu của vợ, anh Long hốt hoảng phập miệng ngậm vào vết thương của vợ hút lấy hút để, tay với sợi dây vải buộc chặt phần bắp chân. Ngoảnh lại, dưới tủ hàng chị Thêu đang dọn một con rắn lục sừng bằng ngón chân cái đang ngóc đầu phì lưỡi, anh Long tức tối đánh chết con rắn độc. Theo kinh nghiệm, anh mổ bụng con rắn lấy mật thả vào cốc rượu cho vợ uống rồi cùng anh đồng nghiệp chèo đò vượt sông định đưa vợ về trạm xá. Dọc đường, anh Nguyễn Ngọc Sơn, nhân viên bảo vệ của Trung tâm Du lịch văn hóa và sinh thái, người đi cùng với anh Long chợt nhớ ra: "Ghé vào đây thử xem". Lúc này chị Thêu bắt đầu thấy nhức và chân sưng to.

Sau vài giây xem xét vết rắn cắn, ông Nguyễn Văn Thành, người mà anh Sơn "ghé thử xem" băn khoăn: "Trời mưa như ri e không làm được". Nói vậy nhưng ông vẫn lặng lẽ ra sau góc nhà nhổ vào một nhánh cây củ trông như  củ hành, củ tỏi đoạn chạy sang mấy nhà hàng xóm "Phải kiếm ớt càng cay càng tốt". Có nắm ớt trong tay, ông Thành đem giã nát với hai "củ rắn" rồi bảo anh Long xoa đều đặn quanh chân của chị Thêu chỉ chừa miệng vết thương. Thoa xong ông bảo mọi người tháo ga rô ra...

Trước đó anh Nguyễn Sỹ Nam, nhân viên bảo vệ Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 cũng bị một con lục sừng cắn vào cổ chân. Mặc dù đồng nghiệp đã tiến hành sơ cứu, thắt ga rô kịp thời và chuyển về Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới nhưng cuối cùng anh Nam cũng phải mất gần hai tháng chiến đấu với tử thần tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới bảo toàn được tính mạng.

Tương tự, ông Bùi Viết Điểm nhân viên tại điểm du lịch suối nước Mọoc đang đêm cũng bị rắn lục sừng cắn phải ôm chân hoại tử lở loét, sưng như cột nhà cũng phải ngần ấy thời gian mới trở lại bình thường với dấu tích quanh vết thương như người bạch tạng. Qua đó có thể thấy chất độc cực kỳ nguy hiểm của loài lục sừng.

Trở lại với trường hợp chị Thêu, thấy nét mặt lo lắng của anh Long, ông Thành thản nhiên: "cứ tháo ra". Kỳ lạ thay, chỉ sau mươi phút nghỉ ngơi, chân của chị Thêu bắt đầu hết nhức và không sưng thêm. Trước những lời chắc cú của ông Thành, anh Long đưa vợ về theo dõi. Khoảng 2 tiếng sau khi bị rắn cắn, chị Thêu trở lại bình thường như không có gì xảy ra và lại tiếp tục bán hàng như thường lệ trước sự kinh ngạc của mọi người.

* Chỉ để giúp người

Hẹn mãi chúng tôi mới gặp được Nguyễn Văn Thành. Ông hiện là thợ nề bay vữa, quanh làng ai kêu gì làm nấy. Vòng vèo dẫn chúng tôi về nhà, ông Thành kể: Khoảng hai mươi năm trước, ông là dân đi trầm chính hiệu. Thời gian lang thang kiếm sống ông lưu lạc mãi tận Bualapha, tỉnh Khăm Muộn của Lào, nhờ tính tình hiền lành chịu khó làm ăn và có thể là cơ duyên gì đó, ông đã được người dân ở đây chỉ cho loại thuốc quý và bí quyết chữa rắn độc cắn.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn là bạn trầm với ông Thành nói thêm: Vào rừng sâu mà bị rắn độc cắn coi như đứt; đi với ông Thành là bọn tui tuyệt đối yên tâm". Mỗi lần vào rừng, ông Thành thường mang theo mình mấy "củ rắn" và nắm ớt tộc. Anh Sơn nhớ lại: "Không hiểu nổi, bọc hai lớp ni lông kín mít nhưng nó vẫn nảy mầm xanh mơn mởn". Có bảo bối trong tay, nhóm tìm trầm của ông Thành, ông Sơn không còn lo bị rắn độc cắn. Rất nhiều sơn tràng bị các loại rắn độc cắn đã thoát chết nhờ thần dược của ông Thành.

Việc ông Thành sở hữu "thần dược" củ rắn không khiến ông quá nổi tiếng. Hễ bị rắn độc cắn là người dân xã Sơn Trạch cứ tìm đến ông như một sự tự nhiên. Từ khi "gác kiếm" rời rừng ông Thành đã cứu không biết bao nhiêu người bị rắn độc cắn, xa có gần có. Trường hợp nặng nhất ông Thành còn nhớ là ông Xoẳn ở làng Na, xã Sơn Trạch. Ông Xoẳn bị rắn lục sừng cắn vào đầu gối chân "sưng to như cái thùng pháo sáng".  Gần một tuần sau, khi trạm xá "chê", gia đình mới đưa đến nhà ông lúc chân bệnh nhân đã tím đen, thịt thối rữa. Sau hai giờ xoa thuốc, độc rắn thoát ra, da chân co lại nhăn nheo và dần khô ráo. Mươi ngày sau thì ông Xoẳn đi cày.

 

Cây củ rắn. Ảnh: Thành Minh
Cây củ rắn. Ảnh: Thành Minh

Một trường hợp hợp bị rắn cắn nữa chúng tôi liên lạc được là anh Nguyễn Văn Trâm hiện công tác tại Phòng tư pháp UBND xã Sơn Trạch. Anh Trâm bị một con hổ phì "thơm" vào khuỷu tay. Sau hai tháng nằm viện nhưng vết thương vẫn nhiễm trùng đi nhiễm trùng lại, mủ xanh không ngừng chảy. Nghe tin, anh Trâm tìm đến và được ông Thành bôi củ rắn. Vết thương lành hẳn.

Theo ông Thành, củ rắn có thể chữa được gần như "tất cả các loại rắn tui đã gặp". Từ lục xanh; lục sừng đến hổ đất; hổ mang, thậm chí hổ chúa. Tuy nhiên, ông Thành cho biết thêm, đặc biệt hổ chúa chỉ bảo đảm cứu sống trong vòng 30 phút và người bị rắn độc cắn nên được sơ cứu kịp thời, đúng cách trước khi ông "ra tay" thì mới nhanh khỏi hẳn. Trường hợp chị Thêu là do anh chồng sơ cứu đúng bài.

Thấy tôi nhìn mấy nhánh lá yếu ớt lưa thưa của cây củ rắn, ông Thành lý giải: "Tui chỉ trồng cầm chừng không để mất giống chứ không dám nhân ra nhiều vì cây này rất độc, nếu không biết sau khi giã củ của nó mà đưa tay vào miệng thì chỉ còn nước đi làm... răng giả. Trẻ em không biết mà ăn củ rắn vào thì...". Khi chúng tôi hỏi nếu có ai xin về trồng? ông Thành cười hiền lành: Thân lắm thì cho nhưng chưa chắc tự chữa được, phải có bí quyết. Ví dụ như trời đang có sấm mà bôi vào thì chỉ như bôi củ hành, củ tỏi thôi.

Khi viết bài này tôi liên lạc với anh Long thì được biết: Vài ngày sau khi vợ bị rắn độc "đánh dấu", khi đã chắc được chữa khỏi, anh Long mới cùng vợ đến nhà ân nhân để nói lời cám ơn và biếu ông ít tiền nhưng ông Thành cương quyết từ chối, chỉ nhận lời uống với vợ chồng bệnh nhân mấy ly rượu: "Tui chỉ giúp".

                                                                                                 Thành Minh

,
.
.
.