Nhọc nhằn phu bốc vác

Cập nhật lúc 14:55, Thứ Tư, 05/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Ở tỉnh ta ước có hàng trăm người làm nghề bốc vác, không chỉ làm việc trong môi trường ô nhiễm, nặng nhọc mà còn luôn đối mặt với "tai nạn nghề nghiệp". Thế nhưng họ làm việc không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm, không có bảo hộ lao động, lại không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi. Do đó, khi tai nạn xảy ra, người lao động thiệt đơn  thiệt kép...

Những người cùng khổ

Phu bốc vác tập trung đông nhất tại các nhà máy xay xát lúa gạo, các doanh nghiệp, xí nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, các bến xe, bến tàu lửa. Tại mỗi điểm bốc vác có từ 10 đến 20 người ở độ tuổi từ 20 đến 60 tuổi, mỗi nhóm bốc vác có 1 người đứng đầu được gọi là đội trưởng. Ngoài công việc bốc vác, đội trưởng có trách nhiệm quản lý, phân bổ quân, nhận tiền công và chia chác cho anh em. Phu bốc vác làm việc lăn lộn vất vả, nặng nhọc nhưng tiền công lại có giá rẻ mạt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bốc gỗ có giá 50.000 đồng/m3 bốc lên, 40.000 đồng/m3 bốc xuống; lúa, gạo, xi măng có giá 16.000 đồng/tấn bốc xuống, 18.000 đồng/tấn bốc lên... Như vậy, muốn có 100.000 đồng thì phu bốc vác phải "cõng" trên lưng hơn 5 tấn hàng hoá. Điều thiệt thòi nhất đối với phu bốc vác là ngoài tiền công lao động, họ không được hưởng thêm một quyền lợi nào khác, kể cả khi bị tai nạn lao động xẩy ra.

Nhọc nhằn nghề bốc vác. Ảnh: Bùi Ánh.
Nhọc nhằn nghề bốc vác. Ảnh: Bùi Ánh.

Chúng tôi có mặt ở ga Đồng Hới gần 12 giờ trưa, hơn chục lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau, kẻ nằm người ngồi dưới gầm cầu Thuận Lý (Đồng Hới) đợi tàu chở hàng vào để bốc vác. Trò chuyện với chị Trần Thị Cảnh, 53 tuổi ở Bắc Lý, chị cho biết: trước đây chị làm việc ở một công ty xây lắp, vì làm ăn không hiệu quả nên công ty giải thể. Mất việc làm, chị cùng một số anh chị em đi phụ hồ kiếm sống, rồi làm bốc vác bây giờ trở thành phu bốc vác chuyên nghiệp. Nghề này bạc lắm! Hầu hết những người làm nghề bốc vác đều có gia cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp hoặc đã mất việc. Vất vả, mệt nhọc nhưng cũng chẳng ai dám bỏ nghề bởi không biết làm gì để kiếm sống.

Mới 38 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Dũng có thâm niên bốc vác lúa gạo đã 18 năm. Anh cho biết, đội bốc vác của anh có 10 người. Họ bốc lúa từ các nơi về xay xát, cho vào bao, chất thành từng cây cao đến nóc nhà kho, khi có khách mua thì vác gạo chất lên xe. Ngoài bốc vác chuyên nghiệp ở đây, đội quân của anh còn đi bốc hàng ở nơi khác. Những giọt mồ hôi mà hàng ngày những phu khuân vác như anh đổ ra thật nhọc nhằn, vất vả.

Tai nạn xẩy ra, người lao động thiệt đơn thiệt kép

Với một nghề lao động nặng nhọc nguy hiểm như nghề bốc vác thì chuyện xẩy ra tai nạn không thể tránh khỏi. Người nhẹ thì đứt tay, trầy da, người nặng gãy tay, chân, có nhiều người trở thành tàn phế suốt đời. Cái lo nhất nữa là bệnh tật đè lên theo tuổi tác do lao động nặng nhọc, hít nhiều bụi bặm. Hầu như ai đi khám bệnh không bị đau xương khớp cũng bị viêm phổi, viêm đường hô hấp, nhưng do không có sổ bảo hiểm nên nhiều phu bốc vác ngại đi khám vì không muốn tốn thêm một khoản tiền... thuốc.

Được biết, đa số phu bốc vác chỉ làm việc theo hợp đồng miệng, mối quan hệ giữa chủ với phu bốc vác là quan hệ thuận mua vừa bán (sức lao động), nên khi xảy ra tai nạn hoặc bị bệnh tật thì phu bốc vác thiệt đơn lẫn thiệt kép. Chị Nguyễn Thị Hương, 54 tuổi, ở tiểu khu 6, phường Bắc Lý - Đồng Hới, nói trong dòng nước mắt: Một lần bốc vác xi măng bị thành xe rớt xuống người, các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội kết luận chị bị dập phù nề tủy - liệt tứ chi, phải nằm một chỗ suốt đời. Số "nghèo đeo cực", bệnh không thể lành nhưng hàng tháng phải mất vài triệu tiền thuốc, con cái chạy mượn khắp nơi, nợ nần ngày một chồng chất, ngặt nỗi trong tay không có hợp đồng lao động, nên phía gây ra tai nạn không một lời thăm hỏi...

Nghề bốc vác là nghề chân chính, được xã hội công nhận. Những người làm nghề này thường là những người có trình độ thấp, ít hiểu biết về pháp luật và đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ chỉ mong bỏ sức lực, mồ hôi ra để đổi lấy bát cơm, manh áo cho bản thân và gia đình. Tuy thấy không yên tâm trước những nguy cơ có thể xảy ra trong lúc bốc vác nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận. Đã có rất nhiều tỉnh thành trong cả nước thành lập nghiệp đoàn lao động bốc vác, giúp người lao động về bảo hộ lao động, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế và có các chế độ nghỉ ngơi. Ở tỉnh ta đã đến lúc cần quan tâm đến lực lượng lao động này.

                                                                                                   Bùi Ánh

,
.
.
.