Hội nghị toàn quốc về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000

Cập nhật lúc 15:21, Thứ Ba, 16/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng 16 - 4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ và đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Dự hội nghị về phía đầu cầu tỉnh ta có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo tại hội nghị đánh giá: 12 năm qua, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã có tác động tích cực trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở các quy định cụ thể, Luật đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ; xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng tồn tại một số hạn chế như: một số quy định của Luật chưa tạo ra cơ chế pháp lý hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình vốn có nhiều đặc thù so với các quan hệ dân sự khác; chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự - quan hệ tư; một số quy định có tính khả thi thấp làm cho việc công nhận, thực hiện các quyền về hôn nhân gia đình còn gặp nhiều khó khăn; một số quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được luật quy định hoặc quy định không cụ thể; một số quy định của Luật còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn giao lưu dân sự, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hội nghị cũng đã nghe và thảo luận các nội dung dự thảo Báo cáo về mục tiêu, quan điểm và một số định hướng xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Nội dung thảo luận tập trung vào định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành như: về áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; về sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn; độ tuổi kết hôn; vấn đề cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự; nghĩa vụ của các bên kết hôn phải có Giấy chứng nhận sức khỏe; giới tính trong kết hôn; về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng; quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; ly hôn; quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà chưa được Luật hiện hành quy định như: bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, ly thân, mang thai.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đồng chí cũng đề nghị cần tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề: xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn trong sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật trên cơ sở kế thừa, phát huy những quy định của Luật hiện hành và tiếp thu có chọn lọc ưu điểm của pháp luật các nước. Trong quá trình xây dựng cần tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân. Việc xây dựng dự án Luật cần tạo ra cơ chế pháp lý thống nhất và phải thể hiện quan điểm tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người. Đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật sắp tới cũng như trong quá trình thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình sau này.

Hương Lê

,
.
.
.