Ký sự pháp đình:

"Cát tặc" và bản án nghiêm minh

Cập nhật lúc 18:08, Thứ Sáu, 12/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Án đã tuyên, những “cát tặc” gây ra cái chết cho anh Lê Văn Bình và anh Dương Minh Thược, tổ viên tổ an ninh thôn Mai Thượng, xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) chịu đến 106 năm tù. Tuy nhiên, phiên tòa diễn ra ngày 17-3 vừa qua vẫn để lại sự ám ảnh đối với tôi và rất nhiều người dự khán: những vành khăn tang trắng trên đầu thân nhân người đã mất; bà mẹ già và từng đứa trẻ cố vượt qua đám đông để nhìn mặt các bị cáo- trước khi chưa gây án, họ là những nông dân chất phác của vùng sông nước Lệ Thủy.

“Cát tặc” lộng hành

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh: khoảng 3 giờ sáng ngày 18- 5- 2012, tổ tuần tra chống khai thác cát trái phép trên sông Kiến Giang do UBND xã Mai Thủy thành lập gồm 6 người: Mai Văn Lợi, Giang Thanh Thủy, Dương Minh Thược, Lê Văn Bình, Lê Văn Đài và Dương Công Lãm do anh Mai Văn Lợi, Phó công an xã làm tổ trưởng, khi đang tuần tra trên sông thuộc khu vực Cồn Soi thuộc xã Mai Thủy thì phát hiện hai chiếc thuyền máy đang khai thác cát trái phép.

Thuyền của tổ tuần tra tiến đến với mục đích kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Lúc này trên thuyền nhôm gồm có: Nguyễn Văn Ninh, Đỗ Văn Đạt, Trần Đăng Hiệu và Đỗ Công Tuần, thấy công an liền quay thuyền bỏ chạy, tuy nhiên dây neo phía mũi thuyền bị vướng vào chân vịt của thuyền công an xã. Trên chiếc thuyền gỗ khác có Hà Việt Tiến, Nguyễn Văn Quyến, Đỗ Văn Quân và Phạm Văn Tuân do Tiến cầm lái thấy công an cũng bỏ chạy nhưng chân vịt thuyền của Tiến cũng bị quấn dây neo nên vướng vào thuyền công an.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Thuyền của Tiến chạy kéo theo thuyền công an một đoạn thì bị chết máy, Tiến cất tiếng gọi cầu cứu: “Ninh ơi, cứu tau với”. Nghe tiếng Tiến gọi, Ninh nói với Đạt, Hiệu và Tuần: “Quay lại đập bọn ni hè”, Đạt, Hiệu, Tuần đồng ý. Ninh lại căn dặn đồng bọn chuẩn bị xẻng, đá sẵn sàng rồi cho thuyền quay lại lao thẳng vào thuyền lực lượng tuần tra. Do thuyền chưa vuông góc nên Ninh cho thuyền lùi lại, sau đó đâm trực diện vào phía bên phải thuyền công an. Cùng lúc Ninh, Đạt, Tuần, Hiệu, Quân và Quyến dùng sào, xẻng, đá tấn công lực lượng tuần tra. Khi những người trên thuyền tuần tra bị đánh rơi xuống sông, chúng không những không cứu vớt mà còn tiếp tục dùng sào, xẻng chọc, đánh.

Thấy trên thuyền tuần tra không còn ai, Hà Viết Tiến nhảy sang gỡ dây neo. Bắt gặp anh Mai Văn Lợi đang chới với dưới sông, Tiến đưa sào để anh bám vào nhưng không cho lên thuyền. Lúc này Ninh nhảy sang dùng chân đá vào miệng anh Lợi, Quyến tấn công anh Lợi bằng búa sắt. Sau đó, Tiến tháo dây neo thả trôi thuyền tuần tra và anh Lợi giữa sông, Nguyễn Văn Ninh điều khiển thuyền nhôm, kéo thuyền gỗ của Tiến về tại bến sông thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy.

Hậu quả, anh Lê Văn Bình và anh Dương Minh Thược là tổ viên tổ an ninh thôn Mai Thượng bị chết, anh Mai Văn Lợi bị thương nặng ở vùng mặt, vỡ xương xoang hàm trái và gãy một chiếc răng. Sau khi gây án, các đối tượng “cát tặc” trên nhanh chóng bị bắt, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố nhóm “cát tặc” về các tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ”.

“Cát tặc” và nỗi đau đọng lại

Phiên tòa diễn ra ngày 17-3-2013 thu hút sự chú ý của hàng trăm người dân. Ngay từ sáng sớm nhân dân các xã Mai Thủy, Xuân Thủy đón xe đò về đứng chật cứng trước sân Tòa án nhân dân tỉnh. Giữa đám đông đó, tôi thấy nhiều thân nhân người đã khuất với vành khăn tang trắng trên đầu. Hai người phụ nữ mất chồng: Lê Thị Diếc (vợ anh Dương Minh Thược), Cái Thị Nhị (vợ anh Lê Văn Bình) nói trong nước mắt: “Đề nghị tòa xét xử công minh, đúng người, đúng tội, để hương hồn người đã khuất ngậm cười nơi chín suối”. Chị Nhị thiết tha: “Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Qua phiên tòa này và qua công luận, chị chỉ xin cho anh một danh hiệu chi đó”.

Trong đám đông, tôi cũng bắt gặp hình ảnh hai mệ già: Đặng Thị Phương (mẹ bị cáo Nguyễn Văn Ninh) và Dương Thị Bợp (mẹ bị cáo Đỗ Văn Đạt) cố thu mình lại, nhỏ bé, lạc lõng, lặng lẽ đưa tay quyệt mắt. Mệ Bợp dường như vẫn chưa tin rằng đứa con trai của mình đã gây nên tội lỗi tày đình, “Hắn hay lam hay làm, là trai đua của xã Xuân Thủy đó...  

Trước tòa, các bị cáo đều cúi đầu nhận tội. Với tội danh và hậu quả nặng nề do mình gây ra, nhóm “cát tặc”: Nguyễn Văn Ninh, Đỗ Văn Đạt, Đỗ Công Tuần, Đỗ Văn Quân, Trần Đăng Hiệu, Nguyễn Văn Quyến và Hà Viết Tiến sẽ chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật bằng những bản án nghiêm minh.

Chúng tôi kết thúc câu chuyện pháp đình về “cát tặc” bằng hình ảnh chị Nguyễn Thị Bình, vợ bị cáo Đỗ Văn Đạt bế theo con gái Đỗ Thị Trang, đang học lớp hai chạy theo chiếc xe tù đưa chồng mình trở lại trại giam với án phạt 19 năm tù. 

Hội đồng xét xử tuyên mức án 106 năm tù cho các bị cáo trong vụ án này. Cụ thể: Nguyễn Văn Ninh 20 năm; Đỗ Văn Đạt 19 năm; Đỗ Công Tuần, Đỗ Văn Quân, Nguyễn Văn Quyến, mức án 17 năm; Trần Đăng Hiệu 13 năm và Hà Viết Tiến 3 năm. Ngoài ra các đối tượng buộc phải bồi thường số tiền 275 triệu đồng cho các gia đình bị hại (mỗi đối tượng 44,1 triệu đồng).

                                                                                Thanh Long









 

,
.
.
.