Ký sự pháp đình:

Nước mắt sám hối muộn màng

Cập nhật lúc 09:32, Thứ Bảy, 06/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Giờ đây, khi đứng trong vành móng ngựa, trước những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về hành vi phạm tội của mình, Tùng bật khóc. Những câu trả lời bị đứt quãng trong tiếng nấc nghẹn ngào. Nhưng những giọt nước mắt sám hối  muộn màng của Tùng, không thể xóa được tội lỗi do mình gây ra. Chỉ vì một lời nói xúc phạm đến bố mẹ mình qua điện thoại, Đào Hữu Tùng (SN 1988) ở thôn 5, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) đã phạm tội giết người.

Giết người chỉ vì một lời nói xúc phạm

Gia đình vốn nghèo khó, bố mất sớm, mẹ già yếu bệnh tật, Tùng lại là con út trong có 3 người con (2 anh chị Tùng đã có gia đình và ra ở riêng) nên Tùng rất thương mẹ và sớm có chí hướng tự lập. Học xong lớp 9, thi không đỗ cấp 3 công lập, Tùng đăng ký học nghề lái xe ô tô để kiếm một nghề nuôi thân và nuôi mẹ. Vốn là chàng trai hiền lành, cần cù chăm chỉ, nên sau khi ra trường Tùng đã tìm được việc làm ổn định, cuộc sống trôi qua bình yên.

Thế rồi, chuyện đau lòng đã xảy ra. Khoảng 20 giờ 10 phút, ngày 8-8-2012, như mọi hôm khác, sau khi đi làm về, Tùng gọi điện thoại cho Hồng (tên nhân vật đã được thay đổi - PV), người yêu của mình. Cuộc điện thứ nhất, Hồng không bắt máy. Tùng gọi tiếp lần thứ 2. Lần này, không phải tiếng của Hồng, mà là tiếng một người con trai, với những lời lẽ xúc phạm. Thấy mình bị xúc phạm, Tùng tức tốc lên xe máy đến nhà Hồng (cách đó 1km) để tìm hiểu.

Vừa vào đến cổng, thì thấy có 3 thanh niên đang ngồi giữa nhà Hồng, Tùng nghĩ: mình chỉ có một mình mà đường đột vào hỏi, thì không “tự tin” lắm, phải tìm lấy một “vật phòng thân”. Tùng vội vàng quay ra, đến nhà hàng xóm của Hồng gần đó, lấy được một con dao thái (dài 22cm), bỏ vào túi rồi vào nhà Hồng. Câu chuyện của Hồng và 3 người bạn trai đang đến hồi rôm rả, thì Tùng bước vào và hỏi: “Mấy bạn cho mình hỏi, lúc nãy ai nói chuyện điện thoại với mình mà xúc phạm rứa?” Lê Hồng Quân vội trả lời: “Tao đây”. Tùng vội bước đến chỗ Quân ngồi, thì Quân bất ngờ đứng dậy, cầm ghế nhựa đánh Tùng. Tùng chụp được ghế và giằng co với Quân.

Những giọt nước mắt sám hối muộn màng của Tùng tại phiên tòa.
Những giọt nước mắt sám hối muộn màng của Tùng tại phiên tòa.

Thấy vậy, Hồng và mẹ Hồng liền chạy lại can ngăn. Nhưng Quân tiếp tục cầm ghế xông vào đánh Tùng. Chỉ vì một phút nông nổi, thiếu suy nghĩ, Tùng vội rút dao ra đâm mạnh vào lưng Quân. Ngay sau đó, Quân được đưa đi Bệnh viện đa khoa Đồng Hới để cấp cứu, nhưng do vết thương quá sâu “làm rách thùy dưới phổi trái, thủng thành thất trái thấu buồng tim” nên Quân đã tử vong ngay tại bệnh viện.  

Phòng thân thành... hại thân

Sau khi gây án xong, Tùng về nhà, bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra. Đến khoảng 22 giờ 30 phút, ngày 8-8-2012, sau khi nhận được thông tin, Quân đã tử vong, Tùng thông báo cho gia đình, rồi vội vàng cầm theo hung khí gây án là con dao Thái đến Công an thành phố Đồng Hới để tự thú và thành thật khai báo tất cả hành vi phạm tội của mình.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 24-1-2013) của Toà án nhân dân tỉnh, khi nghe chủ tọa hỏi mục đích cầm dao vào nhà của Hồng. Tùng thành thật khai nhận là để “phòng thân”. Nhưng trong phút giây nóng nảy, thiếu suy nghĩ, đã vô tình gây ra án mạng.

Trước khi kết thúc phiên tòa chuyển sang phần nghị án, chủ tọa phiên tòa đã cho Tùng nói lời cuối cùng. Tùng quay mặt về phía những chiếc khăn tang của gia đình Quân và xin gia đình Quân tha thứ cho lỗi lầm do mình gây ra. Giọng Tùng run run: “Con xin lỗi mẹ. Chỉ vì con mà gia đình mình từ nay mang tiếng có người con bị tù tội vì giết người”. Nói xong, Tùng vội ngoảnh mặt lại tìm mẹ, tìm người thân, nhưng người mẹ già luôn đau yếu, lại bị bệnh thần kinh (trên 60 tuổi) không đến dự được. Cả hội trường lặng đi trong tiếng nức nở của Tùng và người thân.

Bà Đào Thị Xành, dì của Tùng rơm rớm nước mắt: “Từ nhỏ, nó là người hiền lành, rất thương mẹ. Nhưng có ai ngờ, nó lại gây ra chuyện tày đình này. Khi mới nghe chuyện, tui tưởng như có sét đánh bên tai. Giờ đây nó đi tù thì ai chăm sóc mẹ nó. Mẹ nó đau yếu luôn, 2 tay co quắp lại, không giặt giũ nấu cơm gì được”.

Kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã chỉ rõ hành vi phạm tội của Tùng là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường tính mạng của người khác, coi thường pháp luật, bất chấp hậu quả. Nhưng xét thấy sự thành khẩn, ăn năn hối cải và các tình tiết giảm nhẹ khác, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt Tùng 6 năm tù giam. Và Tùng được miễn thi hành bồi thường dân sự. Vì sau khi biết Tùng gây ra án mạng, người mẹ bệnh tật nghèo khổ của Tùng đã vay mượn của bà con anh em được hơn 70 triệu đồng để bồi thường cho gia đình Quân.

                                                                     Dương Công Hợp

 

,
.
.
.