.

Công tác quản lý nhà nước về giống lúa: Còn lắm bất cập

Chủ Nhật, 26/11/2017, 17:05 [GMT+7]

(QBĐT) - “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là kinh nghiệm đúc kết của người nông dân về thứ tự và tầm quan trọng của các yếu tố liên quan đến hoạt động sản xuất lúa nước. Những năm qua, cùng với việc bảo đảm nguồn nước tưới, phân bón… ngành nông nghiệp quan tâm đến công tác giống thông qua việc nghiên cứu tuyển chọn, cung ứng, sử dụng một cách hợp lý. Đặc biệt, việc tăng cường quản lý Nhà nước về công tác giống đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa hàng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Nỗ lực sản xuất, cung ứng và sử dụng giống lúa

Ông Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (PTNT) cho biết, địa bàn tỉnh ta hiện chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đủ cơ sở vật chất, nhân lực bảo đảm thực hiện công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới.

Vẫn còn nhiều địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng giống lúa chất lượng.
Vẫn còn nhiều địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng giống lúa chất lượng.

Những năm qua, doanh nghiệp này thường xuyên phối hợp với các đơn vị nghiên cứu giống lúa của Trung ương, hàng năm chọn tạo từ 3 đến 5 dòng, giống lúa có tiềm năng để đưa vào khảo nghiệm trên đồng đất Quảng Bình. Nhiều giống mới được cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, như: PC6, Gia Lộc 105, SV 181.

Trong quá trình sản xuất thử, trình diễn giống lúa mới, ngoài Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình còn có sự tham gia của nhiều đơn vị, như: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, các địa phương và công ty giống ngoài tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, có 12 giống được đưa vào cơ cấu sản xuất của tỉnh. Riêng từ năm 2015-2017, đã có hơn 20 giống được đưa vào sản xuất thử, trình diễn trên địa bàn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hàng năm, số lượng giống lúa xác nhận cung ứng trên địa bàn Quảng Bình là khoảng 2 ngàn tấn; trong đó, vụ đông-xuân là 1.500 tấn, vụ hè-thu 500 tấn. 90% số lượng giống lúa cung ứng trên địa bàn là từ Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình. Ngoài ra, đơn vị này luôn sẵn sàng một lượng giống dự trữ để đề phòng phải gieo lại hoặc có biến động do lũ lụt, hạn hán.

Cũng theo ông Phan Văn Khoa, vụ đông-xuân năm 2016-2017 vừa qua, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cung ứng 25 giống lúa, trong đó 20 giống đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT công nhận.

Thực tế sản xuất cho thấy, số giống lúa có diện tích gieo cấy từ 3 ngàn héc ta trở lên gồm P6, X21, Xi23; số giống có diện tích gieo cấy từ 1 đến 3 ngàn héc ta gồm VN20, HT1, PC6, KD18... Vụ hè-thu có 10 giống được đưa vào sản xuất, và tất cả đều đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT công nhận, chủ yếu là HT1, PC6, SV181, IR50404...

Về cơ bản, tỷ lệ sử dụng giống dài ngày vào sản xuất ngày càng giảm, giống trung ngày, ngắn và cực ngắn ngày càng tăng. Năm 2017 này, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao trên toàn tỉnh đạt hơn 52% diện tích gieo cấy; trong đó, thành phố Đồng Hới có tỷ lệ 61,2%, thị xã Ba Đồn 59,75%, Minh Hóa 57,2% và thấp nhất là huyện Lệ Thủy, chỉ chiếm 34,6% tỷ lệ diện tích gieo cấy.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Có một thực tế là các giống chủ lực hiện đang được sử dụng gieo cấy trên đồng đất tỉnh ta có “tuổi thọ” rất cao, trên 12 năm; thậm chí nhiều giống tồn tại đến 20 năm. Với điều kiện khí hậu phức tạp như Quảng Bình, việc sử dụng một loại giống trong thời gian hàng chục năm sẽ hạn chế rất nhiều khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết... và hiệu quả sản xuất thấp là điều khó tránh khỏi.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, thực tế sản xuất những năm qua cho thấy, tỷ lệ chọn tạo được giống mới phù hợp trên tổng số tập đoàn giống đưa vào khảo nghiệm đạt thấp. Giống mới đưa vào sản xuất nhanh bị thoái hóa, tính ổn định thấp.

Thêm vào đó là giá thóc thương phẩm thấp nên nông dân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư mua giống mới. Số lượng giống bố trí trên cùng một xứ đồng còn nhiều, nhất là ở những địa phương có diện tích sản xuất manh mún, nhỏ hẹp. Cá biệt ở những địa phương sản xuất lúa để tự cung tự cấp lương thực, người dân ít quan tâm đến chất lượng giống và thường tự để giống từ vụ này sang sử dụng cho vụ khác.

Qua theo dõi quá trình sản xuất vụ đông-xuân và vụ hè-thu vừa qua, chúng tôi nhận thấy các giống chủ lực hiện đang gieo cấy trên đồng đất Quảng Bình, gồm VN20, X21, X23, X30, P6, HT1, DK18..., có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là bệnh rầy nâu và bệnh đạo ôn lá, tăng chi phí sản xuất của người nông dân do phải đầu tư thuốc trừ sâu.

Trong khi đó, việc tìm tòi, đua các giống mới có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt thay dần các giống chủ lực tại địa phương của Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình và các đơn vị ngoại tỉnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của người nông dân. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là công tác khảo nghiệm, sản xuất thử và đánh giá tính thích ứng của một số giống của một số doanh nghiệp chưa kỹ càng; công tác giám sát của các cơ quan chuyên môn thiếu chặt chẽ dẫn đến một số giống chưa thuần thục.

 Việc sử dụng các giống lúa mới, chất lượng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh.
Việc sử dụng các giống lúa mới, chất lượng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh.

Thậm chí, nhiều đơn vị đưa giống mới về khảo nghiệm, sản xuất thử nhưng kết thúc vụ sản xuất không báo cáo cho các cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho công tác theo dõi, đánh giá chất lượng giống lúa mới...

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế nói trên, Sở Nông nghiệp - PTNT cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương trong kiểm tra, giám sát quá trình khảo nghiệm, sản xuất thử, trình diễn các giống lúa mới của các doanh nghiệp triển khai trên địa bàn. Cuối mỗi vụ sản xuất, Sở cần chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm đánh giá, lựa chọn giống mới ưu việt; đồng thời đưa ra khỏi cơ cấu những giống nhiễm sâu bệnh nặng, thoái hóa về di truyền, năng suất, chất lượng không ổn định.

Một việc cần làm nữa là thường xuyên kiểm phối hợp tra tình hình sản xuất kinh doanh giống cây trồng của các đơn vị để bảo đảm giống lúa cung ứng ra sản xuất đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Trước mỗi vụ sản xuất, Sở cần sớm có hướng dẫn cơ cấu giống lúa để các địa phương có cơ sở xây dựng cơ cấu giống lúa cho từng xứ đồng.

Nguyễn Hoàng