.

Để kinh tế trang trại phát triển bền vững

Thứ Năm, 23/11/2017, 21:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, các mô hình kinh tế trang trại ở tỉnh ta tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng, qua đó, góp phần chuyển dịch nền kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung và chuyên canh, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, khai thác tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Kinh tế trang trại ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại vẫn còn những khó khăn, chưa có tính bền vững, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nhìn chung, các trang trại đều hoạt động tốt, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa nông-lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2012, tổng giá trị thu từ các trang trại nông-lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 504.251 triệu đồng (bình quân 871 triệu đồng/trang trại), đến năm 2016 đạt trên 876.710 triệu đồng (bình quân 1.242 triệu đồng/trang trại, tăng 371 triệu đồng/trang trại so với năm 2012).

Trang trại nuôi đà điểu ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch nỗ lực tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trang trại nuôi đà điểu ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch nỗ lực tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị thu nhập của các trang trại đạt 855.354 triệu đồng, thu nhập bình quân đối với lao động thường xuyên ở các trang trại đạt từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ 200.000 đồng/người/ngày.

Để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, các chủ trang trại đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, giống cây trồng, vật nuôi và tập trung vào chất lượng, giá trị. Một số trang trại tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị.

Đến nay, một số chủ trang trại đã hình thành các hoạt động liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp, trang trại với trang trại, thành lập HTX, tổ hợp tác (THT). Toàn tỉnh hiện có 35 tổ chức sản xuất của trang trại đã được thành lập là các THT và HTX, thu hút 118 chủ trang trại tham gia.

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được một số trang trại, doanh nghiệp phối hợp thực hiện tốt, tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế hoạt động liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay đã khẳng định, doanh nghiệp, HTX có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết.

Điển hình như mô hình liên kết trong chăn nuôi giữa một số trang trại ở huyện Bố Trạch với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Với mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ, cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo hợp đồng ký kết.

Với liên kết chăn nuôi gia công, các chủ trang trại hầu hết đều có lãi do không phải lo về đầu ra và giá cả. Thông qua liên kết, các chủ trang trại chăn nuôi đã được học hỏi và tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Bên cạnh đó, Nhà nước và các cấp Hội Nông dân cũng luôn đồng hành với hội viên bằng những chính sách đúng đắn, sự hỗ trợ kịp thời cho bà con yên tâm sản xuất.

Có thể khẳng định, những năm qua, kinh tế trang trại đã phát triển nhanh về số lượng, quy mô, qua đó, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, được khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá tập trung và hiệu quả. Đặc biệt, chủ trang trại đã hình thành các hình thức liên doanh, liên kết giữa trang trại với trang trại, trang trại với doanh nghiệp giúp cho các trang trại giảm được chi phí đầu tư cũng như hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa các trang trại và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; sản phẩm bán ra chưa qua chế biến, tiêu thụ chủ yếu qua khâu trung gian nên phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường.

Để tháo gỡ khó khăn cho các trang trại, mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2012-2017. Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu những khó khăn, đề xuất trong phát triển kinh tế trang trại.

Ông Nguyễn Xuân Thiết, chủ trang trại ở thôn Tân Ấp (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa) chia sẻ: “Hiện, trang trại của tôi đang gặp một số khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm nông sản của gia đình vẫn chưa có sự liên kết để tiêu thụ, lại phụ thuộc vào thương lái nên giá cả rất bấp bênh. Vì vậy, thời gian tới, các cấp chính quyền, hội cần xây dựng những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng giống, hỗ trợ vật tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản trên địa bàn”.

Trang trại ông Thiết có diện tích trên 32 ha, chủ yếu trồng rừng gồm các loại cây: keo, lim, trầm, vàng tâm, bài lài... Với mô hình trang trại này, hàng năm, ông đã giải quyết việc làm cho 10 lao động (trong đó có 7 lao động thời vụ), thu nhập đạt khoảng 700 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Nhị (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) làm trang trại chăn nuôi từ năm 2005. Đến nay, trang trại chị có tổng diện tích trên 2.500m2; trong đó có 1 hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà và ao nuôi cá quy mô.

Năm 2016, tổng thu nhập từ trang trại đạt 3,5 tỷ đồng, lãi ròng 400 triệu đồng. Nhờ kinh tế trang trại, chị Nhị đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản của chị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Nhị tâm sự: “Thường thì lợn nuôi ít lại được giá, còn nuôi nhiều lại mất giá. Như trong năm vừa qua, lợn thịt rớt giá thê thảm khiến người chăn nuôi như chúng tôi không lời lãi được bao nhiêu, trong khi thức ăn chăn nuôi vẫn tăng giá. Để người làm trang trại yên tâm sản xuất, tôi mong các cấp quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và có giải pháp để bình ổn giá cả, đồng thời tạo thêm cơ chế về nguồn vốn vay, gia hạn vốn, giảm lãi suất để chúng tôi có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất”. 

Trang trại nuôi chim cút ở huyện Lệ Thủy cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh.
Trang trại nuôi chim cút ở huyện Lệ Thủy cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh.

Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tập trung chỉ đạo công tác tích tụ ruộng đất để hình thành các trang trại quy mô lớn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, cần tập trung vào việc liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) để ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và chuyển mạnh từ sản xuất số lượng sang sản xuất chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao.

Hội gắn việc phát triển kinh tế trang trại với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch sinh thái; chuyển từ sản xuất trang trại riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời, từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá...

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 725 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, trong đó, 13 trang trại trồng trọt (chiếm 1,8%), 213 trang trại chăn nuôi (chiếm 29,4%), 13 trang trại lâm nghiệp (chiếm 1,8%), 47 trang trại nuôi trồng thuỷ sản (chiếm 6,5%) và 439 trang trại tổng hợp (chiếm 60,5%).

Địa phương nhiều trang trại nhất là huyện Bố Trạch (có 487 trang trại, chiếm 67,2%), tiếp đến là huyện Lệ Thuỷ (131 trang trại, chiếm 18,1%), huyện Quảng Trạch (30 trang trại chiếm 4,1%)...

Riêng huyện Minh Hoá chưa có trang trại đạt tiêu chí theo quy định mà chỉ có các  mô hình sản xuất chủ yếu theo hướng gia trại. Tổng số lao động thường xuyên của các trang trại năm 2012 là 1.795 người, đến năm 2017, con số này tăng lên 2.121 người.

Xuân Vương