.
Tuyên Hóa:

Nỗ lực khôi phục trồng trọt, chăn nuôi sau bão lũ

Thứ Năm, 23/11/2017, 21:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ năm 2016 đến nay, các trận bão lũ liên tiếp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên, với quyết tâm không đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thiên tai, cả hệ thống chính trị Tuyên Hóa đã tích cực vào cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo, động viên bà con nông dân tranh thủ tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Tuyên Hóa đã gánh chịu nhiều đợt bão lũ mạnh; tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với địa bàn ước tính trên 3.700 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn đối với huyện nghèo Tuyên Hóa nói chung, cũng như đối với ngành nông nghiệp của địa phương nói riêng.

Ngành nông nghiệp huyện Tuyên Hóa đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
Ngành nông nghiệp huyện Tuyên Hóa đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Huyện đã chú trọng đẩy mạnh khắc phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên: khắc phục, sửa chữa lại các công trình bị hư hỏng do thiên tai; tiến hành bố trí lại cơ cấu giống, khôi phục lại tổng đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn, tăng cường sản xuất; tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Mặt khác, huyện vẫn kiên trì triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án trọng điểm liên quan đến: tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển chăn nuôi bò lai; cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp từ năm 2016 đến nay trên địa bàn Tuyên Hóa đã có sự tăng trưởng khả quan.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn gieo trồng bảo đảm đúng khung lịch thời vụ, cơ cấu giống; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh; các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng được áp dụng vào sản xuất, nhất là các giống lúa, ngô, lạc có năng suất, chất lượng cao; chỉ đạo thực hiện tốt tưới tiết kiệm nước...

Trong năm 2017, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành cấp huyện và cơ sở tranh thủ tối đa nguồn vốn của tỉnh, ngân sách huyện để thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp với tổng kinh phí trên 5,4 tỷ đồng.

Đối với cây lúa, trong năm 2017, địa phương triển khai gieo trồng với diện tích khoảng 2.700 ha, đạt trên 102% kế hoạch. Năng suất lúa đạt gần 56 tạ/ha, sản lượng hơn 15.000 tấn (tăng 838 tấn so với  cùng kỳ). Huyện đã tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa dài ngày sang trung, ngắn ngày chiếm 53% (tăng 3% so với cùng kỳ). Tỷ lệ giống lúa xác nhận chiếm 65%. Ngoài ra, huyện đang tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả cao hơn, mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được Tuyên Hóa quan tâm chỉ đạo phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Việc tiêm phòng, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi được toàn huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Vấn đề vệ sinh tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, nhất là sau các đợt lũ lụt được bảo đảm.

Các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đều ký cam kết không kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhờ đó, chất lượng đàn tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ bò lai toàn huyện hiện chiếm trên 55% tổng đàn, tăng 5% so với cùng kỳ; lợn có máu ngoại chiếm 98% tổng đàn. Chăn nuôi gia trại, trang trại tiếp tục tăng trưởng với 13 trang trại được công nhận (tăng 1 trang trại so với cùng kỳ).

Sau bão số 10-2017, nông dân xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa tập trung khai thác những diện tích rừng bị gãy đổ để tiếp tục trồng mới.
Sau bão số 10-2017, nông dân xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa tập trung khai thác những diện tích rừng bị gãy đổ để tiếp tục trồng mới.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được Tuyên Hóa quan tâm phát triển. Sản lượng thuỷ sản năm 2017 ước đạt 499 tấn, giá trị thu được trên 39 tỷ đồng. Nghề nuôi ong lấy mật tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội.

Sau đợt bão số 10 năm 2017, Tuyên Hóa có khoảng 9.000ha/ khoảng 11.000 ha rừng trồng kinh tế bị gãy đổ do bão. Tuy nhiên, với quyết tâm khôi phục lại kinh tế rừng, hiện nay, Tuyên Hóa đang tập trung mạnh vào công tác chỉ đạo nhân dân chú trọng khoanh nuôi, phục hồi, chăm sóc, bảo vệ rừng...

Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, cho biết, thời gian tới, Tuyên Hóa sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị đối với cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Đến cuối năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đạt hơn 536 tỷ đồng, tăng 3,22% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực 22.191 tấn, đạt 107,5% kế hoạch, tăng 3,4%. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53,5% giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng 0,9%. Trồng rừng tập trung ước thực hiện 800ha, đạt 100% so với kế hoạch. Độ che phủ rừng đạt 75%, đạt 100% so với kế hoạch...

Văn Minh