.

Sôi nổi phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh

Thứ Năm, 23/11/2017, 21:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân và hội viên toàn tỉnh thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Phong trào thi đua ngày càng sôi nổi, sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh.

Khi nông dân làm chủ thầu

Đó là anh Trần Trung Kiên, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy. Anh Kiên khởi nghiệp bằng mô hình dịch vụ vận tải và xây dựng công trình giao thông nông thôn với số vốn đầu tư 4,2 tỷ đồng. Đến nay, anh đã có 3 xe ô tô vận tải, 1 máy xúc công trình.

Hàng ngày, anh nhận vận chuyển vật tư cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Lúc đầu, anh tự lái ô tô, máy xúc. Nhưng sau một thời gian, công việc ngày càng nhiều, anh đã mua thêm máy móc và thuê công nhân về làm. Khi mô hình dịch vụ vận tải và xây dựng công trình giao thông nông thôn đi vào hoạt động ổn định, anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngỗng và cá nước ngọt. Với mô hình này, gia đình anh Kiên thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình được anh Kiên duy trì ổn định từ năm 2005 đến nay và tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động nông thôn, 14 lao động thời vụ với thu nhập ổn định 5.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ 10 hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định.

Người “giữ lửa” cho rượu Võ Xá

Chị Lê Thị Hóa, xã Võ Ninh, Quảng Ninh đang vận hành hệ thống sản xuất rượu Võ Xá.
Chị Lê Thị Hoa, xã Võ Ninh, Quảng Ninh đang vận hành hệ thống sản xuất rượu Võ Xá.

Trước nguy cơ mai một của rượu Võ Xá, chị Lê Thị Hoa đã đứng ra vận động chị em trong xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) thành lập HTX làng nghề Võ Xá. Hàng ngày, chị đi vận động chị em nấu rượu tại nhà để cung cấp cho HTX, vừa giữ lửa cho thương hiệu sản phẩm truyền thống địa phương, vừa phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, chị còn liên kết với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện quy trình chế biến, đóng chai, dán mác rượu tại nơi sản xuất theo quy chuẩn.

Cùng với phát triển HTX rượu Võ Xá, chị Hoa còn tích cực trồng rừng và đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận tải hàng hóa, thủy lợi nội đồng, buôn bán vật liệu xây dựng. Mô hình của chị có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, mang lại thu nhập cho gia đình 370 triệu đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí.

Mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong HTX và 30 lao động thời vụ. Với hiệu quả mang lại từ mô hình, chị Lê Thị Hoa đã được UBND tỉnh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.

Ông chủ xưởng cơ khí có thu nhập “khủng”

Trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, cuối cùng, anh Lê Quý Hoàng (phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới) lại bén duyên với nghề sản xuất các mặt hàng cơ khí nặng nhọc. Để xây dựng được mô hình này, anh đã đầu tư 4,5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất và thuê công nhân về làm. Hàng ngày, anh làm các sản phẩm tại nhà và nhận các công trình làm nhà, cửa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn rồi cho công nhân đến làm.

Với sự cần mẫn, nhiệt tình, uy tín với khách hàng nên xưởng sản xuất của anh ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm, mô hình của anh mang lại doanh thu 5,7 tỷ đồng và lãi ròng 450 triệu đồng. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, có thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/người/ tháng và 15 lao động thời vụ với mức thu nhập khá.

Anh Hoàng còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội Nông dân và của địa phương, gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Làm giàu từ nấm

Nhờ mô hình sản xuất, kinh doanh vật tư trồng nấm, thu mua, chế biến, tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu, anh Nguyễn Quốc Hương (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) đã vươn lên làm giàu. Mô hình của anh có vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng với quy mô nhà xưởng, nhà kho có diện tích 8.700m2; trong đó trồng các loại nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi. Với mô hình này, mỗi năm, anh Hương xuất xưởng 2 tấn nấm linh chi, 20 tấn nấm mộc nhĩ, 60 tấn nấm sò, 3 tấn nấm rơm, sản xuất và tiêu thụ 650 lít rượu linh chi...

Nhờ mô hình trồng và kinh doanh nấm, gia đình anh Hương thu lãi ròng 831 triệu đồng/năm, bình quân thu nhập mỗi lao động đạt 54 triệu đồng/năm. Mô hình duy trì ổn định từ năm 2014 đến nay. Qua đó, mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 27 lao động với mức thu nhập bình quân 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, mô hình của anh đã có sự liên kết với 15 tổ hợp tác sản xuất nấm trên địa bàn, tạo việc làm cho 230 người lao động nông thôn.

Quyết tâm bám biển

Với tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1987), nhưng anh Võ Tuấn Sơn (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch) đã có tổng giá trị tài sản 3,8 tỷ đồng, mỗi năm thu lãi ròng trên 500 triệu đồng từ mô hình khai thác thủy sản. Anh Sơn sinh ra và lớn lên tại vùng biển Cảnh Dương.

Theo gia đình đi biển từ nhưng ngày còn bé, nên anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong nghề đánh bắt thủy hải sản và hạ quyết tâm bám biển để làm giàu, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Với số vốn tích cóp được, anh Sơn đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng, anh chị em, bạn bè để đầu tư đóng một tàu đánh bắt hải sản gần bờ và 1 tàu đánh cá xa bờ với vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng. Những con tàu đó đã cho anh doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 520 triệu đồng. Bình quân thu nhập mỗi lao động trong gia đình đạt 135 triệu đồng/năm.

Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động  với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn vận động 200 thành viên với 20 tàu tham gia tổ đoàn kết trên biển để trao đổi khoa học kỹ thuật, tham gia khai thác biển xa, giúp đỡ các hộ dân cùng nghề đánh bắt thủy hải sản.

Anh Trần Xuân Tư, Thượng Hóa, Minh Hóa đang chăm sóc đàn lợn rừng.
Anh Trần Xuân Tư, Thượng Hóa, Minh Hóa đang chăm sóc đàn lợn rừng.

Một người Rục vượt khó làm giàu

Sinh ra và lớn lên tại bản Yên Hợp (xã Thượng Hóa, Minh Hóa), anh Trần Xuân Tư đã biết vượt qua những khó khăn để vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng rừng nguyên liệu. Bản Yên Hợp, nơi anh sinh sống còn nghèo nàn và lạc hậu, nhưng anh đã biết tận dụng đất trống, đồi trọc để trồng 7ha rừng nguyên liệu.

Ngoài ra, anh còn đầu tư xây dựng 1.000m2 chuồng trại nuôi lợn rừng, trâu và gà thả vườn. Hiện, anh đã phát triển  đàn lợn rừng lên đến 150 con, cả lợn nái và lợn thịt; 15 con trâu, bò và hàng trăm con gà thả vườn. Tổng tài sản của anh đạt hàng trăm triệu đồng, bình quân hàng năm lãi ròng 245 triệu đồng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Trần Xuân Tư còn tích cực vận động hội viên trồng rừng và phát triển chăn nuôi, tuyên truyền và vận động đồng bào dân tộc bảo vệ quê hương, đất nước, không nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu. Với những nỗ lực trên, anh Tư đã được Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh khen thưởng về thành tích trong phát triển kinh tế.

Xuân Vương (thực hiện)