Xây dựng nông thôn mới: Mục tiêu cuối cùng là đời sống nhân dân

Cập nhật lúc 13:30, Thứ Năm, 25/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhắc đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch nói: Huyện Bố Trạch có nhiều xã làm tốt lắm, chứ chúng tôi chưa đến đầu đến đũa gì. Thực ra cái gọi là "chưa đến đầu đến đũa gì" đâu phải chỉ diễn ra ở xã Sơn Trạch mà còn là thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay. Song điều mà chúng tôi đang quan tâm, đó chính là hướng đi trong xây dựng nông thôn mới như thế nào. Và thật mừng khi xã Sơn Trạch đã xác định đích đến của mình.

Nằm ở vùng gò đồi, miền núi phía tây của huyện Bố Trạch, Sơn Trạch thuộc diện xã nghèo, dù xã nằm trong vùng trung tâm của khu du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng. Tính đến thời điểm hoàn chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới, Sơn Trạch mới chỉ đạt được 7/19 tiêu chí, bao gồm: Điện; Bưu điện; Có hình thức tổ chức sản xuất đạt hiệu quả; Giáo dục; Y tế đạt chuẩn quốc gia; Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vững mạnh. 12 tiêu chí còn lại đang là thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông suối, đồi núi... gây khó khăn cho việc phát triển hệ thống mạng lưới giao thông khiến cho xã Sơn Trạch "không dám" đặt mục tiêu gần cho tiêu chí số 2 (tiêu chí về giao thông). Trong năm 2012, toàn xã mới chỉ làm thêm được 1,2 km đường giao thông, còn hàng chục km vẫn đang là đường đất chưa bảo đảm theo đúng quy định. Đời sống kinh tế còn nghèo, nguồn lực của người dân có hạn, mật độ dân cư trên 1 tuyến đường thấp khiến tỷ lệ đóng góp bình quân/hộ sẽ cao hơn, nên việc kêu gọi nguồn đối ứng ở đây càng khó khăn hơn nhiều so với các địa phương khác. Tiêu chí này đành nằm lại ở vị trí cuối cùng trong kế hoạch thực hiện. Tương tự, việc thực hiện tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thủy lợi... cũng khó khăn không kém khi nguồn lực của xã và trong nhân dân còn nghèo.

Bởi vậy, xã Sơn Trạch tranh thủ nguồn vốn, lồng ghép trong các chương trình dự án để thực hiện dần các tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng. Còn hướng đột phá vẫn là nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Sơn Trạch
Sơn Trạch "không dám" đặt mục tiêu gần cho tiêu chí giao thông, khi còn muôn cái khó.

Những năm gần đây, Sơn Trạch đã khá thành công trong việc đa dạng hóa ngành nghề. Tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của các dự án trên địa bàn, xã tiếp tục phối hợp với các trung tâm, cơ sở đào tạo mở lớp dạy nghề, hướng dẫn kĩ thuật nuôi cá lồng, chăn nuôi gà, thêu ren, chế biến các món ăn, kĩ năng phục vụ phòng, lớp tiếng Anh giao tiếp cho những người hoạt động dịch vụ du lịch... Đây là những ngành nghề, những kĩ năng rất thiết thực đối với người dân ở xã nằm vùng trung tâm du lịch, có ý nghĩa tăng hiệu quả, tính bền vững của các mô hình kinh tế mới. Mỗi năm, Sơn Trạch tổ chức được khoảng 6- 7 lớp đào tạo nghề như thế. Nhiều mô hình kinh tế mới, dễ áp dụng đã được nhân rộng.

Anh Hoàng Văn Thái ở thôn Xuân Tiến trước đây chỉ nuôi cá trắm đơn thuần. Sau khi có chủ trương và sự hỗ trợ của xã, anh chuyển sang thử nghiệm nuôi cá chình. Đến nay, lồng cá chình đã sắp đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn cho thu nhập khá. Một số hộ dân nhìn thấy mô hình phát triển tốt nên cũng đã bắt đầu chuyển sang nuôi loại cá đặc sản này.

Ông Trần Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho hay: "Chúng tôi đã tổ chức cho các hộ đi học tập mô hình ở Quảng Trị, hỗ trợ tiền mua giống, làm lồng... Từ trồng trọt đến chăn nuôi, chúng tôi đều kỳ vọng tìm ra sản phẩm phù hợp cung ứng dịch vụ du lịch. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ dịch vụ du lịch đang là định hướng của xã Sơn Trạch hiện nay". Ngoài chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, xã cũng đang có cơ chế khuyến khích con em đi xuất khẩu lao động, tìm việc làm ở các địa phương trong cả nước. Với những hướng đi, cách làm như vậy, Sơn Trạch hy vọng sẽ góp phần giải quyết việc làm, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân trong thời gian sắp tới. Kinh tế vững vàng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí khác nhanh hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã cho rằng: "Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng hợp, thực hiện được đầy đủ các tiêu chí cũng có nghĩa đạt được sự phát triển hài hòa, tổng thể của một địa phương và đích đến cuối cùng là đời sống của nhân dân. Với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương còn thấp, nên trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, Sơn Trạch ưu tiên chọn tiêu chí dễ, cần ít vốn và có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp tới đời sống nhân dân nhất làm trước, các việc khác triển khai sau". Quãng đường từ đây đến năm 2020 khá dài với nhiều tiêu chí chưa thực hiện được, bởi vậy nếu không có lộ trình thích hợp thì sẽ khó xác định được đích đến của mình. Sơn Trạch đã vạch ra được đường đi phù hợp với điều kiện, xuất phát điểm của mình.

Hy vọng địa phương sẽ "nói đi đôi với làm", tích cực, năng động hơn nữa nhằm phát triển kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới.

                                                                             Hương Lê
 









 

,
.
.
.