Làm gì để giá cả thị trường không bị "méo mó"?

Cập nhật lúc 09:25, Thứ Tư, 24/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm trong thực trạng chung của cả nước, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh ta đang bị tác động bởi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá. Làm gì để ngăn chặn tình trạng đầu cơ thái quá và hiện tượng nâng giá đầu vào, tăng giá đầu ra không hợp lý của một số cơ sở kinh doanh buôn bán và dịch vụ, nhằm bảo đảm cho giá cả đối với một số lĩnh vực và ngành hàng không bị "méo mó" đang là vấn đề đặt ra của không chỉ lực lượng quản lý thị trường mà còn của cả các ngành chức năng và người tiêu dùng trong tỉnh.  

Theo số liệu từ Chi cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai 3 đợt kiểm tra, kiểm soát trọng điểm và phát hiện 88 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá.

Các loại hình kinh doanh được kiểm tra, kiểm soát lần này tập trung vào các ngành nghề dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng phục vụ ăn uống và một số mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng như: đồ điện dân dụng, vật liệu xây dựng, xăng dầu, ga, áo quần, giày dép, lương thực thực phẩm tươi sống và đã qua chế biến, sản phẩm đồ uống, sữa, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật... Số tiền phạt hành chính từ số vụ vi phạm nói trên là 127 triệu đồng.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết các hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở kinh doanh buôn bán gồm: không thực hiện niêm yết giá và bán hàng hóa theo giá niêm yết, niêm yết giá cao hơn so với giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định, không đăng ký giá và kê khai giá theo qui định của Luật Giá.

Một số cơ sở kinh doanh khác còn có hiện tượng liên kết lại để nâng giá quá mức nhằm thu lợi bất chính đối với một số nhóm hàng, ngành hàng thiết yếu. Cùng một sản phẩm hàng hóa đó, nhưng giá bán ở mỗi cơ sở kinh doanh lại khác nhau, có khi mức chênh lệch nhau vượt quá 50% giá trị của sản phẩm.

Thực phẩm tươi sống là những mặt hàng rất cần được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên về giá cả
Thực phẩm tươi sống là những mặt hàng rất cần được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên về giá cả.

Đơn cử là các mặt hàng phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em như áo quần, giày dép, túi xách và mỹ phẩm. Đã có rất nhiều trường hợp 2 người tiêu dùng cùng mua một sản phẩm giống hệt nhau ở 2 hai cơ sở kinh doanh khác nhau và phải chịu mức giá chênh lệch lên đến hàng trăm ngàn đồng/sản phẩm. Các sản phẩm khác như mũ bảo hiểm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm tươi sống, các loại thiết bị đồ dùng gia đình và một số mặt hàng thiết yếu khác đều có sự chênh lệch giá tại các cơ sở kinh doanh khác nhau.  

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng trong công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường hiện nay, ông Nguyễn Xuân Đạt, Quyền Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Mặc dù đã chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hội nghị về lĩnh vực giá và đã thu hút gần 200 chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia ký kết về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhưng qua quá trình kiểm tra, kiểm soát cho thấy đa số các hộ kinh doanh chưa chấp hành một cách triệt để. Một số tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không công khai bằng các hình thức thích hợp như: in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa về mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ nhằm thuận tiện cho việc nhận biết, quan sát của khách hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nhiều cơ sở kinh doanh không thực hiện gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi định giá và điều chỉnh giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá theo qui định.

Chính sách giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến người tiêu dùng, đến chất lượng tăng trưởng và việc kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, những hiện tượng như nâng giá đầu vào, tăng giá đầu ra không hợp lý của một số hàng hóa và dịch vụ trên cả nước, lợi dụng sự biến động của giá thị trường và chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để tăng giá không hợp lý đã dẫn đến thị trường ngầm, buôn lậu diễn biến phức tạp. Nhà nước chưa có quy định các cơ chế cạnh tranh về giá, các tiêu chí cụ thể và biện pháp kiểm soát giá độc quyền, bình ổn giá có hiệu quả để điều tiết giá khi giá cả một số hàng hóa thiết yếu quan trọng có biến động bất thường và cả tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực cũng đã làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Những tồn tại, bất cập nêu trên đã gây không ít khó khăn, trở ngại cho công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả của lực lượng quản lý thị trường hiện nay. Bên cạnh tập trung vào đợt cao điểm từ ngày 20-3-2013 đến ngày 28-6-2013, lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra kiểm soát về giá cả theo chuyên đề, lĩnh vực và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng.

Từ 1-1-2013, Luật Giá do Quốc hội ban hành đã chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, người tiêu dùng có quyền lựa chọn, thỏa thuận và góp ý về giá khi mua hàng hóa và dịch vụ; được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa và dịch vụ; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ đã mua không đúng tiêu chuẩn chất lượng, số lượng, giá hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã công bố, niêm yết và cam kết. Người tiêu dùng còn có quyền kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi và khiếu kiện, tố cáo hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá theo quy định của Luật Giá.

Cùng chung tay với lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng trong công tác bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, mỗi một chúng ta hãy trở thành người tiêu dùng thông minh và nên thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân liên quan khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về giá.

                                                                                   Hiền Chi

 

,
.
.
.