Trăn trở Hóa Sơn

Cập nhật lúc 09:34, Thứ Hai, 22/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây, cùng với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, các chương trình và dự án, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) nay đã có nhiều đổi thay so với 5 năm về trước. Tuy nhiên, Hóa Sơn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi vẫn còn 48% tỷ lệ hộ nghèo...

Ông Đinh Thanh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết: Hoá Sơn hiện có 375 hộ với 1.692 nhân khẩu. Ngoài người dân tộc Kinh, trên địa bàn xã còn có đồng bào các dân tộc thiểu số như: Sách, Thổ, Khùa sinh sống với 965 khẩu, chiếm 57% tổng dân số toàn xã.

Hoá Sơn là địa phương nhận được sự hỗ trợ và đầu tư của nhiều chương trình, dự án như: Chương trình 134 và 135 về xây dựng cơ bản, Dự án ADB hỗ trợ tập huấn và thực hiện các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, Dự án 661 hỗ trợ nhân dân trồng rừng và đặc biệt là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Song song với những điều kiện thuận lợi đó, thời gian qua, chính quyền xã đã có những giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên bộ mặt nông thôn của Hoá Sơn đã thực sự đổi thay.

Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã và đang được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Các chính sách xóa đói giảm nghèo, tín dụng ưu đãi cho người nghèo, hỗ trợ về y tế và giáo dục, hỗ trợ đồng bào dân tộc, chính sách định canh định cư cũng được quan tâm và triển khai về đúng các đối tượng trên địa bàn xã. Nhân dân trong xã đã biết thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để vay vốn phát triển kinh tế gia đình và ổn định đời sống. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đa số các hộ trong xã đã tập trung trồng cây lạc và loại cây này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân với thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm.

Bà con nông dân thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn tích cực chăm sóc và phát triển diện tích cây lạc.
Bà con nông dân thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn tích cực chăm sóc và phát triển diện tích cây lạc.

Toàn xã hiện có tổng đàn gia súc 1.450 con; trong đàn trâu có 350 con, đàn bò 700 con và đàn lợn 400 con. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi tiêu biểu với số lượng lớn từ 60 đến 70 con trâu, bò/hộ, trong đó có khoảng 15 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã nuôi trâu bò với số lượng từ 20 con trở lên. Đặc biệt, nhờ tăng cường công tác vận động các hộ dân nên đến nay đã có 80% số trâu bò trên địa bàn xã được đưa về chuồng chăn nuôi, không thả rong như trước đây.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng Hóa Sơn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã có tổng diện tích đất gieo trồng cả năm là 447 ha, tuy nhiên trong năm 2012 bà con nông dân trên địa bàn xã chỉ thực hiện được 258 ha (do mất trắng vụ hè-thu) với tổng sản lượng lương thực 161 tấn, đạt 44,6% kế hoạch và giảm 55 tấn so với năm 2011.

Ông Đinh Thanh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Hiện tại hệ thống hồ, đập và kênh mương trên địa bàn xã đã bị hư hỏng nặng chưa được đầu tư tu sửa nên nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng chưa bảo đảm, làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lương thực ở địa phương. Mặc dù đã có một số hộ gia đình trong xã được vay vốn phát triển kinh tế gia đình nhưng con số này vẫn còn rất ít ỏi, nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất ở địa phương vẫn còn rất lớn. Hơn thế nữa, một bộ phận người dân trên địa bàn xã vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của Nhà nước.

Hóa Sơn là địa phương được xem có thế mạnh về lâm nghiệp, nhưng thực tế thì các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực này đều không thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Ngoài diện tích rừng nhận khoanh nuôi là 823 ha (đạt 64% kế hoạch), rừng bảo vệ 130 ha (đạt 31,5% kế hoạch), khai thác gỗ rừng trồng 900m3 (đạt 37,5% kế hoạch) thì đến nay toàn xã mới chỉ trồng mới được 100 ha rừng gồm các loại cây giống bản địa.

Theo giải thích của lãnh đạo xã Hóa Sơn thì nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng trồng trên địa bàn xã đạt rất thấp so với kế hoạch đó là do mùa trồng rừng trùng với mùa sản xuất cây lương thực nên bà con nông dân không thực hiện kịp thời vụ. Nguồn lợi kinh tế của người dân trên địa bàn xã chủ yếu đang dựa vào rừng tự nhiên sẵn có nên họ không háo hức trồng rừng mới.

Thời gian qua, UBND xã đã lập kế hoạch trồng rừng và triển khai đến tận thôn, bản cho bà con nhân dân đăng ký các loại cây giống để trồng rừng. Ban thực thi dự án trồng rừng cũng đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và bắt tay chỉ việc cho từng hộ gia đình và các hộ đều đã ký cam kết nhưng sau đó vẫn không thực hiện.

Trước những khó khăn đang gặp phải, Hóa Sơn đang huy động tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch năm 2013 đã đề ra như: tổng giá trị sản xuất đạt 22 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực 365 tấn (tăng 204 tấn so với năm 2012), thu nhập bình quân đầu người đạt 1.309.000 đồng/người/năm (năm 2012 đạt 962.000 đồng/người/năm), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 42%, trồng mới thêm 20 ha rừng, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn...

Cùng với việc quyết tâm thực hiện thành công đề án phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực và tranh thủ sự đầu tư và hỗ trợ của các chương trình và dự án, Hóa Sơn đang cố gắng chuyển diện tích các loại cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai, đồng thời ưu tiên phát triển các loại cây chủ lực như: ngô, lạc và một số loại cây hoa màu khác nhằm bảo đảm an ninh lương thực ở địa phương.

Xã tiếp tục khuyến khích bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ đất canh tác, đầu tư cải tạo vườn tạp, phát triển vườn nhà, vườn rừng, vườn đồi nhằm tiến tới hình thành và phát triển thêm các mô hình trang trại kinh tế tổng hợp. Riêng đối với công tác trồng rừng, chính quyền xã phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và vận động nhân dân, giải thích cho dân hiểu ý nghĩa của việc trồng rừng là để xóa đói giảm nghèo bền vững. Nếu hộ nào đã ký cam kết nhưng vẫn không tham gia trồng rừng thì sẽ không được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.

                                                                                        Hiền Chi



 

,
.
.
.