"Quyết chiến" với sâu bệnh!

Cập nhật lúc 13:29, Thứ Năm, 25/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong tổng số trên 1.000 ha lúa đông-xuân bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng trong toàn tỉnh, riêng địa bàn huyện Bố Trạch là 600 ha. Nhiều diện tích lúa bị nhiễm nặng đã dẫn đến cháy chòm cục bộ. Với cơ chế lây lan nhanh chóng của loài này, "cuộc chiến" với sâu bệnh của bà con nông dân huyện Bố Trạch đang diễn biến vô cùng quyết liệt...

Nếu Bố Trạch là địa phương trọng điểm của rầy nâu, rầy lưng trắng trong vụ đông-xuân này, thì Cự Nẫm là xã trọng điểm của Bố Trạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong tổng số 430 ha lúa toàn xã, có 120 ha bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng ở mức độ nặng.

Theo ông Hà, năm nay rầy nâu và rầy lưng trắng xuất hiện sớm hơn, khi lúa chỉ mới bắt đầu trổ (những năm trước rầy thường xuất hiện vào lúc lúa chín bói). Và nếu trước đây, sâu bệnh xuất hiện trên diện tích hẹp, thì năm nay hầu hết diện tích lúa của địa phương đều bị nhiễm bệnh. Xuất hiện sớm và lây lan nhanh do tác động của thời tiết, chỉ tính trong khoảng thời gian từ ngày 6-4 đến 15-4-2013, toàn xã có khoảng 7 ha bị cháy chòm, tập trung ở thôn Hà Môn. Nhiều hộ gia đình ở đây bị cháy từ 2,5 đến 3 sào như gia đình ông Nguyễn Tiến Thức (2,5 sào), Nguyễn Văn Huynh (2,7 sào), Lương Đình Thiểu (3 sào)....

Trước tình hình này, UBND xã Cự Nẫm đã thành lập ban chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh của xã và kịp thời báo cáo tình hình lên các phòng chức năng của huyện. Phòng Nông nghiệp - PTNT và trạm bảo vệ thực vật  huyện đã cử cán bộ về phối hợp triển khai các phương án tiêu diệt rầy nâu, rầy lưng trắng cùng địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã cấp cho xã 900 gói thuốc, trị giá khoảng 18 triệu đồng để bà con phun tiêu diệt và phòng trừ trên diện tích lúa. Ở những diện tích nhiễm rầy với mật độ lớn dẫn tới cháy chòm, Cự Nẫm tiến hành phun thuốc với nồng độ cao nhằm mục đích tiêu diệt hẳn rây nâu, rầy lưng trắng, làm giảm nguy cơ lây lan sang diện tích mới. Với sự quan tâm của huyện, sự phối hợp tích cực của địa phương và bà con nông dân, đến thời điểm này, tình hình sâu bệnh ở Cự Nẫm đã được khống chế hiệu quả.

Nhiều diện tích lúa ở thôn Hà Lời bị cháy chòm cục bộ, người dân tiến hành đốt để ngăn chặn sự lây lan của rầy.
Nhiều diện tích lúa ở thôn Hà Lời bị cháy chòm cục bộ, người dân tiến hành đốt để ngăn chặn sự lây lan của rầy.

Rời Cự Nẫm, chúng tôi lên Sơn Trạch, cũng là địa phương trọng điểm của rầy nâu, rầy lưng trắng. Với 156 ha bị nhiễm bệnh trên tổng số 331,7 ha lúa đông - xuân, số diện tích bị nhiễm nặng của Sơn Trạch là gần 50 ha. Các thôn có diện tích lúa bị nhiễm bệnh lớn là Cù Lạc 1 (63,8 ha), Trằm Mé (33,8 ha), Hà Lời (33,2 ha) Xuân Sơn, Gia Tịnh (trên 10 ha)...  Khi chúng tôi đến, đoàn cán bộ xã Sơn Trạch vừa đi về thôn Trằm Mé để kiểm tra tình hình phòng trừ sâu bệnh của bà con.

Ông Hoàng Minh Chiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trạch cho biết: lúa bị sâu bệnh tập trung chủ yếu là các giống X21, X23. Hầu như tất cả các thôn đều có nhiều diện tích lúa bị cháy cục bộ. Theo chân ông Chiêm, chúng tôi về cánh đồng lúa của thôn Hà Lời. Đúng như lời ông Chủ tịch Hội Nông dân, nhiều diện tích lúa ở đây cháy vàng như rơm.

Ở một vài nơi, bà con sau khi phun thuốc diệt trừ đã tiến hành đốt luôn cả khu vực lúa bị cháy để phòng trừ sâu bệnh cho vụ sau. Cánh đồng lúa thôn Hà Lời nhìn nham nhở giữa trưa nắng. Chị Nguyễn Thị Phượng, một cư dân thuộc diện hộ nghèo của thôn có 4 sào ruộng thì cả 4 sào đều bị nhiễm bệnh và cháy chòm. Công sức và tiền bạc mấy tháng chăm sóc của chị coi như mất hết. Ông Nguyễn Xuân Xanh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hà Lời tay cầm nắm lúa cháy, xót xa: "Vụ ni, nhiều gia đình ở thôn tui trắng tay...".

Cùng với Cự Nẫm và Sơn Trạch, Hưng Trạch cũng là địa phương có diện tích lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng lớn. Toàn xã hiện có 100/252,5 ha bị nhiễm bệnh, trong đó có 100 ha bị nhiễm nặng, 5 ha bị cháy chòm. Ước tính năng suất cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 47 tạ/ha...

Với diễn biến của sâu bệnh như trên, dự ước năng suất và sản lượng vụ đông - xuân năm nay ở Bố Trạch sẽ giảm mạnh. Xã Sơn Trạch ước tính năng suất bình quân sẽ chỉ đạt khoảng 30 tạ/ha, sản lượng giảm khoảng 30%. Với xã Cự Nẫm, ông Hà dự đoán, ở những diện tích lúa không bị nhiễm, do thời tiết năm nay khá thuận lợi nên năng suất sẽ tăng khoảng 10% so với năng suất bình quân vụ đông - xuân 2011-2012 (khoảng 55 đến 57 tạ/ha). Riêng 120 ha lúa bị nhiễm nặng, khả năng sẽ giảm 30% cả về năng suất và sản lượng...

Chủ động, tích cực và kịp thời trong công tác tiêu diệt, phòng ngừa rầy nâu, rầy lưng trắng, đến thời điểm này, diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh ở Bố Trạch đã có xu hướng giảm. Ở nhiều diện tích, rầy nâu, rầy lưng trắng đã bị tiêu diệt hoàn toàn, cây lúa tiếp tục sinh trưởng ổn định. Tuy nhiên, Phòng Nông nghiệp - PTNT và Trạm bảo vệ thực vật huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo bà con theo dõi sát tình hình, đề phòng những diễn biến bất ngờ. "Quyết chiến" với sâu bệnh và không lơ là, chủ quan, tin rằng, Bố Trạch sẽ khống chế hiệu quả tình hình sâu bệnh hại lúa đông - xuân, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho vụ mùa...

                                                                                  Ngọc Mai

 

,
.
.
.