Trở lại "Cánh đồng hoang"...

Cập nhật lúc 08:47, Thứ Bảy, 27/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đấy là vùng đất do Công ty Phân bón Sông Gianh (nay là Tổng công ty Sông Gianh) đầu tư nuôi tôm ở xã Phú Trạch (Bố Trạch). Dấu ấn của một công trình "thế kỷ" trên vùng đất này vẫn còn đó nhưng thời gian và cả những tác động của thiên nhiên đã làm cho nó trở nên hoang tàn. Trước một vùng đất bao la, ngổn ngang những vuông tôm được bê tông hoá, có bao cảm xúc bởi quá khứ, hiện tại và cả tương lai chưa rõ ràng...

Chúng tôi đã mấy lần đến đây. Lần gần đây nhất cũng đã ngót 2 năm. Lúc đó chúng tôi đã có bài viết "Bao giờ đất hết...ngủ đông". Nhưng rồi thời gian "ngủ đông" của vùng đất này cứ kéo dài mãi... Mỗi lần đến là một tâm trạng và cả hy vọng. Nhưng lần này thì quả là khó diễn tả. Anh Mai Văn Hiến, cán bộ của Công ty Sông Gianh, người quen cũ của tôi trong chuyến đi trước, được giao trọng trách canh giữ những gì còn lại ở đây, biết chúng tôi quan tâm đến vùng đất này vừa thấy chúng tôi xuất hiện đã cất tiếng: Vẫn chưa có gì mới ở đây, nhiệm vụ của chúng tôi vẫn như cũ, nghĩa là canh giữ nhưng hồ nuôi tôm không có tôm trên diện tích gần 120 ha...

Cho đến lúc này sự hoành tráng của một công trình "thế kỷ" vẫn còn thấp thoáng trên cánh đồng rộng dài. Có đến 99 hồ tôm, mỗi hồ có diện tích trên dưới 1 ha được bê tông hoá với tường bê tông dày hơn nửa mét, cao hai mét. Mặt tường bê tông cũng là đường đi lại trên khu vực hồ... Ngút trong tầm mắt cả một vùng xám xịt bê tông, không một bóng người... Anh bạn cùng đi trầm trồ về sự hoành tráng, tôi nhắc anh, rằng cả hàng chục tỷ đồng (thời giá những năm 90) đổ xuống đất này đấy. Nhưng giờ đây, trong 99 hồ chỉ còn 22 hồ là còn nguyên vẹn, số hồ còn lại đều bị đổ tường bao, ít thì bị đổ một, hai mặt, nhiều thì ba, bốn mặt... nên cơ sở nuôi tôm có một không hai ở Bố Trạch và cũng có thể là cả tỉnh đã trở nên hoang tàn...

Nhìn những bộ sục nước chỏng chơ bên hồ tôm có tường bằng đất mà năm trước có người ở thôn Nam Sơn (Phú Trạch) nuôi tôm ở đây, tôi hỏi Hùng, người được anh Hiếu thuê bảo vệ ở đây về những người nuôi tôm này, thì được biết anh ta đã "bỏ của chạy lấy người" từ năm ngoái do làm ăn thua lỗ.

Nhiều hồ đã bị đổ tường bê tông.
Nhiều hồ đã bị đổ tường bê tông.

Vậy là hiện nay không còn có ai nuôi tôm trên vùng hồ rộng bao la, chỉ có mấy anh em bảo vệ là đang quãng canh để kiếm ít tôm cua tự nhiên trên các hồ. Tính ra, cơ sở nuôi tôm công nghiệp này đã bị bỏ hoang ngót tám năm trời... Trong khi người dân địa phương, mà cụ thể là xã Phú Trạch đất hẹp, người đông đang "khát" đất để sản xuất... Ông Đỗ Thành Lộc, người thôn Nam Sơn đang "chạp mả" ở vùng đất bên cạnh, nói: Dân chúng tôi cần đất để nuôi trồng thuỷ sản, nhưng chờ mãi chẳng thấy ai giải quyết.

Trong những năm qua mặc dù đã có khá nhiều lần địa phương, người dân kiến nghị lên huyện, tỉnh trong các kỳ họp HĐND các cấp về việc giao lại đất cho địa phương để phát triển sản xuất, nhưng tình hình vẫn chưa có gì mới. Nguyên nhân cơ bản là cái "chốt" vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ. Đó là vùng đất này đã được Công ty Sông Gianh thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Quảng Bình để vay tiền đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất tại đây. Nhưng do làm ăn thua lỗ kéo dài, số tiền trên không những không trả được mà tiền lãi cũng đang gia tăng, làm nặng thêm số nợ...

Sau khi Công ty trên cổ phần hoá, số nợ và lãi đang bị "treo" tại ngân hàng, tất nhiên là đi kèm số tiền trên là những cái "sổ đỏ". Vấn đề là làm sao có được số tiền trên để trả lại cho ngân hàng mới có thể giải phóng được diện tích đất này. Theo thông tin mà chúng tôi có được, số tiền vay gốc trên 11 tỷ đồng, ngoài ra còn lãi mẹ, lãi con với con số gấp rưỡi số tiền ấy nữa... Để biết thêm thông tin này, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Chi nhánh, nhưng không có được thông tin cụ thể...

Toàn cảnh vùng hồ nuôi tôm.
Toàn cảnh vùng hồ nuôi tôm.

Trong khi đang ngắm nhìn thành quả của sự... táo bạo trong làm ăn của Công ty Sông Gianh năm nào thì ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã có hướng tháo gỡ giúp cho tỉnh mà cụ thể là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT sẽ trợ giúp địa phương thông qua kênh an sinh xã hội để địa phương trả lại số tiền mà Công ty vay ở Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Quảng Bình. Hiện địa phương đang làm tờ trình gửi lên Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT... Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là hướng đi mà đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đề cập đến từ khá lâu, nhưng không hiểu vì sao nó chậm được cụ thể hoá? Hy vọng với hướng đi này "cánh đồng hoang" sẽ sớm được trở lại với người dân địa phương để vùng đất này thực hiện đúng "thiên chức" của nó...

Trước khi cái điều giản dị đất trở lại với nông dân diễn ra, lại có bao trăn trở, đặc biệt khi đứng trước những hồ nuôi tôm công nghiệp đồ sộ chạy dài tít tắp đã xuống cấp một cách toàn diện. Đó là để nuôi được tôm, cua phải đầu tư với số vốn không nhỏ nâng cấp cơ sở này, liệu người nông dân có đủ sức làm việc đó? Đem điều này trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch  UBND xã Phú Trạch, ông nói một cách chắc chắn "Dân sẽ nuôi trồng thuỷ sản, vì dân Phú Trạch có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thuỷ sản. Còn nuôi trồng thuỷ sản đòi hỏi vốn lớn, điều đó mỗi người dân chúng tôi đều đã hiểu”. Còn với ông Đỗ Thanh Lộc và một số người dân Nam Sơn thì cho rằng "Nuôi trồng thuỷ sản thì nông dân chúng tôi làm được..."

Còn anh bạn đồng nghiệp cùng đi lại có ý nghĩ khác, tại sao không có "đại gia" nào nhảy vào đây? Cơ sở này chỉ thích hợp với một doanh nghiệp lớn nào đó chuyên về nuôi trồng thuỷ sản mới xoay trở nhanh được.  Đem điều này trao đổi với ông Hiếu, ông Hiếu cho biết lâu nay không thấy ai đến "xem ló ngó đồng" gì cả. Vâng, là một cơ sở nuôi công nghiệp khá bài bản, có hệ thống cơ sở liên hoàn, nên nếu nuôi nhỏ lẻ, manh mún chắc chắn khó có hiệu quả...

Rời "cánh đồng hoang" trong nắng trưa chói chang trên vùng đất đầy tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản phía bắc huyện Bố Trạch, chúng tôi mang theo bao điều trăn trở...                    

                                                                                 Văn Hoàng









 

,
.
.
.