Nuôi cá lóc: Hướng đi hiệu quả ở Ngư Thủy Bắc

Cập nhật lúc 07:55, Thứ Sáu, 26/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Dẫn chúng tôi rảo khắp một vòng quanh xã, anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy chỉ tay vào mấy hồ cá phía trước mặt rồi tự hào khoe: “Trong số gần 900 hộ dân hiện có của xã, đã có trên 60% hộ đào hồ nuôi cá lóc. Nhà ít cũng có từ 1-2 hồ, nhà nhiều lên tới 4-5 hồ. Trừ đi mọi khoản chi phí, một hồ nuôi cá lóc cũng mang lại lãi ròng cho ngư dân khoảng 20 triệu đồng/vụ nuôi (khoảng 4 tháng). Đó chính là một khoản thu nhập “vượt trội” so với nghề khai thác hải sản ở thời điểm này tại địa phương...”.

Do “đặc thù” có vị trí địa lý nằm ở vùng biển bãi ngang, từ bao đời nay, người dân xã Ngư Thủy Bắc, hầu hết chỉ dùng những chiếc thuyền cá, bơ nan có công suất nhỏ (đa số đều dưới 20CV) để thực hiện việc đánh bắt hải sản gần bờ. Thế nhưng, cùng với sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, ô nhiễm môi trường..., đã khiến lượng hải sản tại vùng biển này ngày càng bị suy giảm một cách đáng kể.

Biển cạn, thuyền nhỏ, hải sản ngày càng khan hiếm..., đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo, hộ thiếu việc làm tại Ngư Thủy Bắc vẫn còn ở mức cao trong suốt một quãng thời gian dài. Vài năm trở lại đây, chính nhờ đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lóc trên cát, nhiều ngư dân của địa phương đã nhanh chóng thoát nghèo...

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Hoàng khái quát lại quá trình “du nhập” của nghề nuôi cá lóc trên cát đối với xã Ngư Thủy Bắc: Trước năm 2007, sau những chuyến ra biển đánh bắt hiệu quả không cao, thậm chí nhiều chuyến thua lỗ nặng, không ít ngư dân trong xã chán nản kéo thuyền vào bờ đi tìm kiếm việc làm khắp nơi nhằm kiếm tiền nuôi sống gia đình...

Người dân xã Ngư Thủy Bắc cải tạo lại ao hồ để tiến hành nuôi cá lóc trong năm 2013.
Người dân xã Ngư Thủy Bắc cải tạo lại ao hồ để tiến hành nuôi cá lóc trong năm 2013.

Thời điểm đó, trong số những ngư dân của địa phương vẫn kiên trì bám biển, có khoảng chục hộ tranh thủ lúc nhàn rỗi mạnh dạn đào ao thả cá lóc nuôi thử nghiệm. Sau một vài vụ “làm chơi” nhưng không ngờ thu được hiệu quả “thật”, các hộ khác cứ thế học tập theo. Mãi cho tới khi chính quyền địa phương nhận ra được hiệu quả tích cực của việc nuôi cá lóc đối với đời sống nhân dân, mô hình này mới thực sự được nhân rộng một cách nhanh chóng...

Để dẫn chứng với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc cho biết thêm, tại thời điểm này, thôn Tân Hải có 291 hộ thì đã có 250 hộ nuôi cá lóc trên cát; thôn Bắc Hòa có gần 200 hộ thì đã có 170 hộ nuôi... Thời gian qua, nhiều gia đình ngư dân trong xã nhờ nuôi cá lóc trên cát mà mỗi năm lãi ròng trên 100 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ anh Ngô Công Quốc, thôn Tân Hải; anh Trần Kim Phi, thôn Bắc Hòa...

Ngư dân Trần Quang Truyển, thôn Thanh Hải tâm sự, buổi đầu bắt tay vào nuôi cá lóc trên cát, do thiếu kinh nghiệm nên cá chết nhiều lắm, lời lãi không đáng là bao. Kể từ khi Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc cho theo học lớp tập huấn về cách thức, kỹ thuật nuôi cá lóc trên cát, tạo điều kiện cho vay vốn..., tỷ lệ cá sống ở mỗi vụ nuôi lên tới 90%. Thời gian sinh trưởng, tăng trọng của cá cũng nhanh chóng hơn trước... Nhờ đó, mấy năm trở lại đây, hầu như vụ nuôi cá lóc nào gia đình tui cũng thu về lãi lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm, cứ đến đầu tháng 4 là bà con Ngư Thủy Bắc lại tiến hành thả cá giống. Một vụ nuôi cá lóc như vậy thường kéo dài khoảng 4 tháng. Việc nuôi cá lóc ở xã Ngư Thủy Bắc có khá nhiều điều kiện thuận lợi, như: nguồn nước trong cát ở đây rất dồi dào; chi phí để đào một hồ cá thấp hơn nhiều so với những địa phương khác do địa hình ở đây toàn cát; cá lóc là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn “phế phẩm” của nghề biển như cá vụn, cá nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao...

Được biết, trong năm 2013, UBND xã Ngư Thủy Bắc đã tiến hành quy hoạch thêm 5 ha để nhân rộng, phát triển thêm mô hình nuôi cá lóc trên cát.

                                                                 Thành Vinh

 

,
.
.
.