Vay vốn từ Qũy quốc gia giải quyết việc làm: "Giấc mơ" của người trong cuộc

Cập nhật lúc 07:42, Thứ Sáu, 09/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau gần 10 năm triển khai chương trình cho vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, đến thời điểm này, tổng dư nợ của quỹ đạt trên 66 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh... phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả đồng vốn, vẫn còn đó những “giấc mơ” của người đi vay lẫn người cho vay...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tài, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh cho biết: Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (GQVL) rộng nhưng nguồn vốn có hạn, chính là những trăn trở trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn này.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hồi, người nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt, trong đó vốn cho giải quyết việc làm chiếm vai trò quan trọng.

Với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng, số vốn này tiếp tục được phân bổ về cho 7 huyện, thành phố, bình quân mỗi địa phương chỉ đạt từ 500 – 700 triệu đồng. “Đây là con số quá khiêm tốn để có thể “phủ sóng” cho các hộ gia đình, các tổ chức kinh tế có nhu cầu vay vốn GQVL. Cân nhắc giữa việc nên tập trung hỗ trợ cho các mô hình lớn hay hỗ trợ nhỏ lẻ cho đối tượng hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình... đang là bài toán khó đối với Ban đại diện Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố”, ông Tài cho biết thêm.

Với tài sản trên đất hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động, nhưng cơ sở nuôi tôm này vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn Quỹ quốc gia GQVL bởi các rào cản về vốn và thủ tục.
Với tài sản trên đất hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động, nhưng cơ sở nuôi tôm này vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn Quỹ quốc gia GQVL bởi các rào cản về vốn và thủ tục.

Quyết định 71/QĐ-TTg ngày 5-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quy định rõ: mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và hộ gia đình là 20 triệu đồng/hộ. Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, số cơ sở được vay từ 100 đến 500 triệu đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phổ biến là mức vay vài chục triệu đồng và đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Nhiều người cho rằng, vốn ít, nhu cầu lớn, đã dẫn đến tâm lý “cào bằng” trong quá trình giải ngân. Từ số vốn 500 – 700 triệu đồng/huyện, thành phố trong một năm, lại được tiếp tục phân bổ cho các xã, phường theo hình thức “ai cũng có phần”, nên mức cho vay rất nhỏ.

Chính từ việc "cào bằng" trong quá trình giải ngân nguồn vốn này đã không mang lại những hiệu quả rõ nét, thay vào đó là sự manh mún, nhỏ lẻ khi đối tượng vay vốn chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn thì lại gặp phải những rào cản cả về nguồn vốn và thủ tục. Cụ thể, ở hướng dẫn số 2478/NHCS-TDSV ngày 4-9-2009 của Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH về thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay trong hệ thống Ngân hàng CSXH quy định rõ về việc tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn với đất thuê. Nhưng trên thực tế từ trước đến nay, các cơ sở đều phải thế chấp quyền sử dụng đất của cá nhân mới được vay vốn.

Điều này được lý giải do tình trạng tài sản trên đất của nhiều cơ sở không tương xứng với nguồn vốn vay, nên để bảo đảm an toàn cho đồng vốn, Ngân hàng CSXH đưa thêm quy định này vào. Thế là để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này, các cơ sở sản xuất gặp thêm cái khó nữa bên cạnh cái khó về sự hạn hẹp nguồn vốn của chương trình. Từ những rào cản này, việc các cơ sở sản xuất kinh doanh dù có tài sản trên đất hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhưng để vay 500 triệu đồng từ nguồn này, nếu không có quyền sử dụng đất cá nhân mang ra thế chấp, thì đó cũng chỉ là một...giấc mơ.

Cùng với hướng tập trung nguồn lực cho các mô hình lớn, mong muốn của những người làm công tác cho vay từ Quỹ quốc gia GQVL là tỉnh cần thành lập Quỹ cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi các địa phương đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với người đi vay, được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi, không gặp phải những rào cản về thủ tục, mức vay vốn được tăng lên... sẽ góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đấy chính là cái đích mà Quỹ quốc gia GQVL hướng tới.

                                                                              Ngọc Mai








 

,
.
.
.