Triển vọng của các mô hình khai thác thủy sản

Cập nhật lúc 07:18, Thứ Ba, 06/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ở tỉnh ta, việc triển khai các mô hình khai thác thủy sản gồm: lưới rê thu, ngừ và lưới rê xù thực hiện ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới); lưới vây rút chì ở xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) đã mở ra triển vọng mới về chuyển dịch cơ cấu thuyền, nghề ở vùng biển tỉnh ta.

Vừa qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tổng kết ba mô hình khai thác thủy sản gồm: lưới rê thu, ngừ và lưới rê xù, thực hiện ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới); lưới vây rút chì ở xã Quảng Phúc (Quảng Trạch).

Mô hình lưới rê thu, ngừ được thực hiện cho 2 tàu ở xã Bảo Ninh là QB- 91333 của ông Đào Xuân Toại và QB- 91259 của ông Hoàng Quang Hiếu với tổng kinh phí 991,1 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 99,1 triệu đồng.

Qua 10 chuyến biển, tàu ông Toại đã thu được 15.710 kg sản phẩm, có tổng doanh thu 766,2 triệu đồng và sau khi trừ chi phí trực tiếp thu được lợi nhuận 554,3 triệu đồng (trung bình 4,26 triệu đồng/người/chuyến); tàu của ông Hiếu đi được 8 chuyến biển với tổng sản lượng 16.130 kg sản phẩm cho doanh thu 756,8 triệu đồng và lợi nhuận 546,7 triệu đồng (trung bình 4,88 triệu đồng/người/chuyến).

Mô hình khai thác lưới rê thu, ngừ ở tàu QB-91076 của  ông Phạm Ngọc Thành ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới).
Mô hình khai thác lưới rê thu, ngừ ở tàu QB-91076 của ông Phạm Ngọc Thành ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới).

Đối với mô hình lưới rê xù, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã chọn thực hiện tại tàu QB- 91006 của ông Phạm Ngọc Thành và tàu QB- 91076 của ông Nguyễn Hữu Sáu, kinh phí hỗ trợ là 142 triệu đồng. Hai tàu đều cùng thực hiện được 12 chuyến đi biển, tàu của ông Thành đã thu được sản lượng 14.980 kg, doanh thu 769,6 triệu đồng và có lợi nhuận 539,4 triệu đồng (trung bình 4,49 triệu đồng/người/chuyến); tàu của ông Sáu đã đánh bắt 15.985 kg các loại cho doanh thu 808,3 triệu đồng, sau khi trừ chi phí trực tiếp còn 529 triệu đồng (trung bình 4,4 triệu đồng/ người/chuyến).

Hiện nay, khai thác thủy sản bằng lưới vây rút chì là một loại nghề khai thác tiên tiến, năng suất đánh bắt cao, hiệu quả kinh tế của từng chuyến biển lớn, đã được ngư dân tỉnh ta áp dụng từ nhiều năm. Đến nay toàn tỉnh có 67 tàu làm nghề lưới vây, trong đó riêng Quảng Phúc có 05 tàu mới làm trong năm 2011. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi đầu tư vốn ban đầu khá lớn, kỹ thuật khai thác yêu cầu phải thành thạo, chuẩn xác.

Mô hình lưới vây rút chì được thực hiện tại xã Quảng Phúc cho 2 tàu gồm: tàu QB- 93900, công suất 270CV của ông Nguyễn Ngọc Cảnh và tàu QB- 93971, công suất 330CV của ông Nguyễn Thanh Trịnh với nguồn vốn nhà nước hỗ trợ là 131,245 triệu đồng để mua ngư lưới cụ.

Đến nay, sau gần 8 tháng triển khai sản xuất trên biển, tàu ông Nguyễn Ngọc Cảnh đã có 8 chuyến (tương đương 96 ngày biển) thu được tổng sản lượng đánh bắt 248.595kg, doanh thu 1,874 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí trực tiếp 759,7 triệu đồng đã có lợi nhuận 1,114 tỷ đồng và tiền công lao động đạt 4,645 triệu đồng/lao động/chuyến; tàu ông Nguyễn Thanh Trịnh tổ chức 13 chuyến đi biển, thu sản lượng 252.270kg sản phẩm với tổng doanh thu 2,271 tỷ đồng, cho lợi nhuận 1,641 tỷ đồng và tiền công lao động được 4,2 triệu đồng/lao động/chuyến.

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Sau khi lắp đặt xong mô hình lưới vây rút chì, ngay trong chuyến biển đầu tiên tàu đã đánh bắt hiệu quả, cho lợi nhuận cao. Thời gian chuyển đổi nghề chưa lâu nhưng sản lượng khai thác đã tăng lên hơn 50% so với khi tàu còn áp dụng đánh bắt bằng nghề cũ".

Qua tổng kết 3 mô hình khai thác thủy sản bằng lưới rê thu, ngừ, mô hình lưới rê xù và mô hình lưới vây rút chì đối với tàu đánh bắt xa bờ cho thấy, hiệu quả đánh bắt của các mô hình đang thực hiện hơn hẳn các nghề truyền thống, đó là không chỉ có thể khai thác vào những đêm tối trời hoặc trăng sáng, mà còn khai thác cả trong mùa gió lớn vì lưới không bị xoắn như các lưới nghề khác; sản lượng đánh bắt cao hơn và đáng nói là đánh bắt được nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao so với các nghề truyền thống.

Như vậy, việc triển khai các mô hình thành công đã mở ra triển vọng mới về việc chuyển dịch cơ cấu thuyền, nghề ở vùng biển tỉnh ta.

                                                                           N.L

 

,
.
.
.